Báo Đồng Nai điện tử
En

Khuyến nông
Kỹ thuật trồng bắp vụ hè thu

03:04, 29/04/2010

Vụ hè thu 2010, nông dân Đồng Nai sẽ trồng khoảng 25 ngàn hecta bắp, năng suất bình quân dự tính chỉ 5,6 tấn/hécta. Theo Trung tâm Khuyến nông tỉnh, nếu dùng giống mới và áp dụng các tiến bộ kỹ thuật, nông dân có thể đẩy năng suất bắp hè thu lên 6-7 tấn/hécta.

Vụ hè thu 2010, nông dân Đồng Nai sẽ trồng khoảng 25 ngàn hecta bắp, năng suất bình quân dự tính chỉ 5,6 tấn/hécta. Theo Trung tâm Khuyến nông tỉnh, nếu dùng giống mới và áp dụng các tiến bộ kỹ thuật, nông dân có thể đẩy năng suất bắp hè thu lên 6-7 tấn/hécta.

 

Sau 1-2 vụ chuyên canh bắp nên trồng xen một vụ bắp - đậu nành để cải tạo đất.

1/ Đất trồng

 

- Bắp là loại cây có thể trồng trên nhiều loại đất, song tốt nhất vẫn là đất thịt, thịt pha cát giàu hữu cơ, khoáng và giữ được nước.

 

- Đất trước khi trồng bắp phải dọn sạch cỏ, tàn dư cây trồng vụ trước. Sau đó, tiến hành đánh rãnh, rãnh rộng, sâu khoảng 30cm, cách 5m đánh một rãnh. Thời điểm gieo trồng bắp hè thu thuận lợi nhất là trong tháng 4,5 để thu hoạch vào cuối tháng 7,8. Vụ này thường gặp hạn đầu vụ, nhưng giai đoạn sau rất thuận lợi cho cây bắp sinh trưởng và phát triển.

 

2/ Mật độ trồng

 

- Lượng bắp giống cần cho mỗi hecta ta là từ 13-17kg. Trước khi gieo hạt bà con nên thử tỷ lệ nảy mầm, nếu đạt trên 90% mới tiến hành trồng đồng loạt. Khi bắp nảy mầm nên kiểm tra dặm lại những cây còi cọc, không nảy mầm để đảm bảo mật độ và thời gian dặm không quá 7 ngày sau khi bắp mọc mầm, chỉ dặm bắp gieo trong bầu.

- Bà con có thể tùy vào đặc tính của từng giống bắp, loại đất bố trí mật độ cho phù hợp. Song chọn các giống ngắn ngày, dạng lá đứng, năng suất cao như C919, G49, NK46, NK67, ĐK414, VN25-99... để trồng giảm chi phí đầu tư. Giống ngắn ngày có hai cách trồng, trồng khoảng cách 60x30cm (1 hạt/hốc) tương đương 55 ngàn cây/hécta hoặc trồng với mật độ 70x25cm (1 hạt/hốc) khoảng 57 ngàn cây/hécta.

 

3/ Cách bón phân

 

- Trước khi xuống giống, bón lót toàn bộ phân hữu cơ hoặc phân hữu cơ vi sinh. Riêng đất chua nên bón thêm 0,5-1 tấn vôi/hécta. 

 

- Lượng phân hữu cơ cần cho một hecta bắp là 3-5 tấn, trường hợp dùng phân hữu cơ vi sinh khoảng 0,5-1 tấn/hécta.

 

+ Đối với cây bắp có thời gian sinh trưởng dưới 100 ngày lượng phân vô cơ cần cho 1 hecta bắp khoảng 200 - 250kg ure + 300kg super lân + 100kg kali. Khi bón thúc phân vô cơ cho bắp phải chú ý cách gốc từ 5-10cm và nên chia làm ba lần để bón sẽ hiệu quả hơn.

 

* Lần 1: Sau khi gieo bắp từ 7-10 ngày bón 70 - 90kg ure + 30kg kali.

 

* Lần 2: Sau khi gieo bắp 20-25 ngày bón 70 - 90kg ure + 30kg kali.

 

* Lần 3: Sau khi gieo bắp 35-40 ngày bón 60 - 70kg ure + 40kg kali.

 

+ Với cây bắp có thời gian sinh trưởng trên 100 ngày, lượng phân vô cơ cần cho 1 hecta bắp là 300kg ure + 400kg

super lân + 150kg kali và cũng chia làm ba lần để bón thúc.

 

* Lần 1: Sau khi gieo bắp từ 10-13 ngày bón 100kg ure + 50kg kali.

 

* Lần 2: Sau khi gieo bắp 25 - 30 ngày bón 100kg ure + 50kg kali.

 

* Lần 3: Sau khi gieo bắp 40- 45 ngày bón 100kg ure + 50kg kali.

 

4/ Cách chăm sóc

 

- Ở giai đoạn cây con (từ lúc nảy mầm đến 5-7 lá) và giai đoạn gần thu hoạch bắp cần rất ít nước, độ ẩm thích hợp 50-60%. Giai đoạn bắp đòi hỏi nhiều nước tưới nhất là từ khi gần trổ cờ đến khi tạo hạt (từ 10 ngày trước khi trổ cờ đến 20 ngày sau khi trổ cờ), độ ẩm thời gian này phải đạt từ 75-85%, vì giai đoạn này thiếu nước năng suất bắp sẽ giảm.

 

- Chú ý, cây bắp cần đạm trong suốt thời gian sinh trưởng, trường hợp thiếu đạm bắp phát triển chậm, trái nhỏ, hạt lép. Biểu hiện của thiếu đạm là các lá già trên cây bắp vàng trước và cháy theo chữ V từ chóp lá cháy vào. Nếu thiếu đạm trầm trọng thì cây sẽ còi cọc, các lá gần ngọn có màu xanh lợt và lá già bị cháy khô nhanh. Ngược lại, dư đạm cây yếu ớt, dễ bị đổ ngã và sâu bệnh tấn công. Trồng mật độ thưa, dư ánh sáng, đạm bắp ra nhiều trái trong nách lá và năng suất giảm.

 

- Ngoài đạm, cây bắp rất cần lân để gia tăng rễ, số gié hoa, diện tích lá và tuổi thọ của lá để tăng khả năng chịu hạn, kháng sâu bệnh. Nếu thiếu lân trong giai đoạn cây còn nhỏ, bắp sẽ phát triển chậm, thân lá có màu xanh thẫm. Trường hợp thiếu quá nhiều lân, bìa và chóp lá xuất hiện màu tím đỏ, cây phun râu trễ, hàng hột không đều, xoắn lại.

 

- Kali là loại phân bón cũng không thể thiếu với cây bắp, vì nó góp phần thúc đẩy cây hấp thu đạm, lân, tăng khả năng chống chịu sâu bệnh, thời tiết bất lợi và tăng phẩm chất hạt. Cây bắp cần kali nhất trong thời kỳ tăng trưởng cho nên phải bón thúc kali cho cây. Thiếu kali cây phát triển chậm lại, trái và hạt nhỏ, cây dễ đổ ngã và sâu bệnh.

 

5/ Thu hoạch

 

- Khi thấy bắp chín thì tiến hành thu hoạch. Thu hoạch xong phải đem phơi, sấy ngay tránh bị nấm mốc làm giảm chất lượng của hạt.

 

Theo khuyến cáo của Trung tâm Khuyến nông tỉnh, không nên trồng bắp thuần liên tục nhiều vụ trên cùng một diện tích, đất sẽ nghèo dinh dưỡng, sâu bệnh phát triển mạnh. Vì vậy, sau 1-2 vụ chuyên canh bắp, bà con trồng xen canh bắp - đậu nành, bắp - đậu để cải tạo đất.

Nguyệt Hạ

 

 

Tin xem nhiều