Báo Đồng Nai điện tử
En

Khuyến nông
Kỹ thuật đào ao nuôi cá

10:04, 08/04/2010

Đồng Nai hiện có hơn 33 ngàn hécta nuôi trồng thủy sản, trong đó đa số diện tích được nông dân nuôi cá. Theo Trung tâm khuyến nông tỉnh, muốn nuôi cá đạt hiệu quả kinh tế cao, nông dân nên áp dụng kỹ thuật từ khâu đào ao, chọn giống, chăm sóc và thu hoạch.

Đồng Nai hiện có hơn 33 ngàn hécta nuôi trồng thủy sản, trong đó đa số diện tích được nông dân nuôi cá. Theo Trung tâm khuyến nông tỉnh, muốn nuôi cá đạt hiệu quả kinh tế cao, nông dân nên áp dụng kỹ thuật từ khâu đào ao, chọn giống, chăm sóc và thu hoạch.

 

1. Chọn vị trí đào ao

 

- Vị trí ao nuôi cá nên chọn nơi gần sông, suối để dễ lấy nước và tháo cạn. Nếu chọn được nơi có nguồn nước cung cấp cho ao quanh năm là tốt nhất. Ao nuôi cá có thể sử dụng nước từ sông, suối, hồ chứa, nước mưa, nước giếng.

Nông dân xã Xuân Hưng (huyện Xuân Lộc) chuyển ruộng trũng kém hiệu quả sang nuôi cá.

- Quanh ao không nên để nhiều cây rợp bóng sẽ ngăn chặn mặt trời chiếu xuống ao, giảm sự quang hợp của thực vật thủy sinh làm thức ăn tự nhiên cho cá. Đồng thời, lá cây rụng xuống ao còn làm nước bị thối ảnh hưởng đến cá nuôi trong ao.

 

- Đất đào ao nuôi cá nên chọn nơi có đất sét pha cát, đất thịt, đất sét pha thịt vì các loại đất này giữ nước tốt, thấm nước vừa phải và bờ ao có kết cấu bền vững. Ngoài ra, đào ao nơi địa hình hơi dốc sẽ dễ tháo cạn để thay nước. Nếu đất nơi đào ao bằng phẳng, đáy ao thiết kế có độ dốc 0,2 - 0,5%.

 

2. Thiết kế ao

 

- Hình dạng ao không ảnh hưởng đến sự sinh trưởng của cá nên có thể tận dụng mọi địa hình để xây dựng ao. Song, thiết kế ao có dạng hình chữ nhật là tốt nhất, vì dễ chăm sóc, quản lý và thu hoạch. Kích thước ao nuôi cá thịt thuận lợi nhất là rộng 500 - 1.500m2 và sâu từ 1,5 - 2m. Bờ ao là nơi giữ nước, ngăn chặn cá thất thoát, vì thế phải làm thật chắc chắn và cao hơn mực nước trong ao khoảng 0,5m. Trên bờ ao có thể trồng cỏ làm thức ăn cho cá và chống xói mòn. Tuy nhiên, ở những vùng đất phèn, khi đào ao lưu ý giữ lớp đất mặt khoảng 20cm để đắp mái trong và mặt bờ, tránh nước mưa mang phèn từ bờ xuống ao.

 

- Khi thiết kế ao nuôi cá phải có hệ thống cấp và tiêu nước. Ống cấp, tiêu nước có thể dùng ống nhựa, bê-tông hoặc kim loại. Song, ống cấp nước đặt ở mực nước muốn giữ trong ao, ống tiêu nước đặt ở nơi thấp nhất dưới đáy ao. Chú ý đầu ống tiêu, cấp nước có lưới ngăn cá nuôi trong ao thoát đi và cá dữ vào ao.

 

3. Chuẩn bị ao nuôi

 

- Nếu ao mới đào ở vùng bị nhiễm phèn nên tháo nước ra vào liên tục để rửa phèn. Trước khi thả cá khoảng 15 ngày tháo, bơm cạn nước trong ao để dọn cỏ, sửa bờ... Sau đó, vét bùn, phơi ao để khí độc bay hơi và diệt mầm bệnh. Đối với ao ở vùng đất phèn chỉ phơi đến khi đáy ao vừa ráo rồi tiến hành rải vôi. Ao bị nhiễm phèn nhẹ rải 7 - 10kg vôi bột/100m2, ao bị nhiễm phèn nhiều rải 20 - 25 kg/100m2. Rải vôi 4 - 5 ngày thì tiến hành bón lót phân cho ao nuôi cá.

- Phân bón cho ao nuôi cá dùng phân chuồng ủ hoại, hoặc phân xanh. Liều lượng là 100m2 ao có thể bón 20 - 25kg phân chuồng ủ hoại hoặc 100 - 150kg phân xanh và 0,5kg NPK. Tiếp theo lấy nước vào ao khoảng 30 - 40cm trong 5 - 6 ngày để thức ăn tự nhiên phát triển. Sau đó trong 6 ngày nâng dần mực nước ao đến khi đạt yêu cầu. Khi nước trong ao có màu xanh lá chuối non thì tiến hành thả cá để nuôi. Định kỳ bón phân bổ sung với số lượng thấp hơn lần bót lót để bổ sung dưỡng chất trong ao.

 

4. Thả cá nuôi

 

- Cá giống thả nuôi nên chọn loại khỏe mạnh, không sây sát, hoạt động nhanh nhẹn. Mật độ thả cá tùy vào ao tốt hay xấu, sâu hay nông và khả năng đầu tư thức ăn, thông thường nên thả 4 - 6 con/m2.

 

- Để tận dụng thức ăn tự nhiên ở các tầng nước, người nuôi nên áp dụng hình thức nuôi ghép các loại cá sống ở các tầng nước khác nhau. Nếu có phân hữu cơ nhiều và nguồn nước tốt thì ao 1.000m2 nên ghép trắm cỏ 15%, chép 5%, rô phi 45%, mè trắng 10%, mùi 10%, trôi Ấn Độ 10% và mè vinh 5%.

 

- Cá giống đưa về nuôi nên vận chuyển vào lúc sáng sớm hoặc chiều tối. Cá giống đưa về đến ao ngâm cả bao cá giống trong ao từ 10-15 phút, sau đó mở miệng bao khoát nước ao vào bao cá giống, rồi nhẹ nhàng nghiêng miệng bao cho cá từ từ bơi ra.

 

5. Chăm sóc cá

 

- Nên cho cá ăn bằng hai cách là trực tiếp và gián tiếp. Cách cho ăn gián tiếp là bón phân các loại, tuy nhiên theo dõi màu nước để điều chỉnh lượng phân cho thích hợp. Phân hữu cơ bón cho cá ăn tất cả phải qua quá trình ủ rồi mới sử dụng. Thức ăn trực tiếp cho cá có thể dùng các loại cỏ, lá hoặc tận dụng các phụ phẩm nông  nghiệp như cám gạo, rau củ, bã đậu các loại, phế phẩm từ các nhà máy chế biến như đầu tôm, ruột cá...

 

- Khi cho cá ăn nên chọn vị trí và thời gian cố định để dễ kiểm tra thức ăn của cá. Lượng thức ăn cho cá khoảng 5-10% trọng lượng đàn cá.

 

- Trong quá trình nuôi cá mỗi sáng sớm phải quan sát nước và cá trong ao. Nếu quá 8 giờ sáng cá vẫn nổi đầu nghe tiếng động mạnh không lặn xuống, bơi lờ đờ trên mặt nước có nghĩa ao thiếu ôxy, bơm ngay nước mới vào ao và ngưng bón phân cho đến khi cá trở lại bình thường. Nếu cá không nổi đầu vào sáng sớm là do ao thiếu thức ăn tự nhiên nên bổ sung phân bón. Ngoài ra, người nuôi cá thường xuyên quan sát bờ ao, mức nước để phát hiện và xử lý kịp thời các hiện tượng rò rỉ nước.

 

6. Thu hoạch cá

 

- Nuôi cá khoảng 4 tháng có thể tiến hành thu hoạch tỉa những cá đạt trọng lượng thương phẩm, nhằm giảm mật độ cá nuôi trong ao và thu hồi một phần vốn tiếp tục đầu tư số cá còn lại. Cuối vụ tháo cạn ao thu hoạch toàn bộ và chuẩn bị ao nuôi cho vụ tiếp theo.

 

Nguyệt Hạ

 

 

Tin xem nhiều