Báo Đồng Nai điện tử
En

Chanh giấy Sáu Xê

09:04, 13/04/2010

Những năm 1990, vườn cây của ông Sáu Xê (ông Lê Văn Xê , nông dân xã Hiếu Liêm, huyện Tân Uyên, tỉnh Bình Dương) toàn trồng sầu riêng. Thấy sầu riêng mình khó cạnh tranh với Thái Lan, ông quyết định chuyển sang trồng cây có múi.

Những năm 1990, vườn cây của ông Sáu Xê (ông Lê Văn Xê , nông dân xã Hiếu Liêm, huyện Tân Uyên, tỉnh Bình Dương) toàn trồng sầu riêng. Thấy sầu riêng mình khó cạnh tranh với Thái Lan, ông quyết định chuyển sang trồng cây có múi.

 

Đợt đầu tiên, ông phá bỏ cả ngàn cây sầu riêng, nhân giống bưởi, chanh ra trồng trên 12 hécta. Để đảm bảo trái "sạch", ông cho bón phân hữu cơ, lấy bùn bôi lên trái chống ruồi đục trái. Ông thiết kế hẳn một hệ thống bồn có nối ống tận từng gốc cây để tưới tự động. Để giữ nguồn nước luôn sạch sẽ, không bị ô nhiễm môi trường, trước khi tưới ông bơm lên bể lọc vừa trao đổi ôxy vừa xử lý vi sinh độc hại.

 

Ông Sáu Xê.

Năm 2003, lần đầu tiên ông đem hơn 10 thùng chanh giấy không hạt và bưởi da xanh đến chào hàng tại Metro Bình Phú (quận 6, TP.Hồ Chí Minh) nhưng lúc đó ông chỉ nhận được những cái lắc đầu lạnh lùng. Thấy vậy, ông năn nỉ "biếu không" sản phẩm của mình với mục đích là được để hàng lên quầy bán, rồi ra về. Ngờ đâu, chỉ chưa đầy hai tuần sau, Metro gọi ông mang hàng đến và dặn "nhớ chở nhiều nhiều để đủ hàng bán". Ông mang đến liền hai xe tải, chỉ ba ngày là hết sạch.

 

Điều gì khiến hàng bán chạy? Ông đưa ra câu hỏi thăm dò, nhân viên Metro trả lời: "Về hình thức, cả chanh và bưởi đều có màu tươi, sáng đều, không vết sẹo, không có dấu vết côn trùng cắn; vị chua mà ngọt thanh, nước nhiều, đặc biệt là không hạt". Ngay sau đó, cả hệ thống Metro TP.Hồ Chí Minh đều có đơn đặt hàng với số lượng hàng trăm tấn.

Năm 2004, ông bắt đầu xây dựng thương hiệu cho trái cây của mình. Ông gửi hồ sơ ra Cục Sở hữu trí tuệ đăng ký chứng nhận nhãn hiệu hàng hóa, rồi đề nghị Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng chứng nhận thương hiệu trái cây có múi "Phương Uyên".

 

Hiện nay, khi đã hòa nhập vào hệ thống Metro tiêu thụ trong cả nước, ông tiếp tục đứng trước những thử thách mới: cạnh tranh với trái cây ngoại nhập. Ông nghĩ: "Có thương hiệu đã khó, giữ được thương hiệu còn khó hơn". Vì vậy, người ta cứ thấy ông chạy tới chạy lui như con thoi, từ viện (cây ăn quả) này tới trường (đại học) nọ để liên kết ứng dụng khoa học kỹ thuật; rồi lội bộ vô nông trang để "coi tụi nhỏ có làm đúng quy trình không mà nhắc nhở".

Ông còn là "giảng viên thỉnh giảng" của các hội làm vườn, hội nông dân các tỉnh, thành vì họ cần ông phổ biến kinh nghiệm, kỹ thuật cao và liên kết tiêu thụ sản phẩm sau thu hoạch. Trong mắt họ, ông xứng đáng là một nông dân kiểu mới.

Đan Châu

 

Tin xem nhiều