Báo Đồng Nai điện tử
En

Phát triển mạnh chăn nuôi theo hướng tập trung

09:02, 08/02/2010

Thống Nhất là một huyện có ngành chăn nuôi phát triển mạnh nhất tỉnh. Toàn huyện hiện có gần 400 trang trại chăn nuôi, với tổng đàn gia súc, gia cầm trên 2 triệu con. Tuy nhiên, phần lớn các trang trại này vẫn còn nằm trong các khu dân cư, gây ô nhiễm môi trường và gặp khó khăn trong công tác phòng chống dịch bệnh...

Thống Nhất là một huyện có ngành chăn nuôi phát triển mạnh nhất tỉnh. Toàn huyện hiện có  gần 400 trang trại chăn nuôi, với tổng đàn gia súc, gia cầm trên 2 triệu con. Tuy nhiên, phần lớn các trang trại này vẫn còn nằm trong các khu dân cư, gây ô nhiễm môi trường và gặp khó khăn trong công tác phòng chống dịch bệnh...

 

Đầu năm 2008, để khắc phục tình trạng nêu trên, huyện Thống Nhất đã được UBND tỉnh đồng ý cho quy hoạch khu khuyến khích chăn nuôi tập trung. Tính đến nay, khu chăn nuôi này đã thu hút được 128 hộ vào chăn nuôi.

 

Bà Phạm Thị Thùy Linh ngụ tại xã Gia Kiệm, có một trại heo rộng 2 hécta, nuôi hơn 1.000 con trong khu chăn nuôi tập trung. Bà cho biết, thực hiện chủ trương của huyện và xã, gia đình bà đã chủ động mua đất, xây dựng trang trại và di dời trại chăn nuôi trong khu dân cư ra khu chăn nuôi tập trung được gần 2 năm nay. Bà nói: "Từ khi chuyển sang khu chăn nuôi tập trung, tôi đã phát triển đàn heo nhiều hơn; dịch bệnh ít, nên chúng tôi rất yên tâm".

Một trại chăn nuôi heo theo hướng tập trung ở huyện Thống Nhất.

Gia Kiệm và  Gia Tân 2 là 2 xã có số lượng trang trại nhiều nhất huyện, nhưng cũng lại là 2 địa phương thực hiện khá tốt việc vận động các hộ chăn nuôi vào khu quy hoạch. Cả 2 xã này hiện đã có hơn 50 trang trại chăn nuôi nằm trong khu quy hoạch, chiếm gần một nửa so với cả huyện.

 

Theo Phòng NN-PTNT, các khu khuyến khích chăn nuôi tập trung của huyện có diện tích trên 2.300 hécta, được chia làm 20 khu và phân bố 8/10 xã. Đến nay, đã có 11/20 khu đã có nhà đầu tư xây dựng, với 128 trang trại chăn nuôi.

Ông Bùi Đình Bưởi, Trưởng phòng NN-PTNT nói:  "Việc quy hoạch khu chăn nuôi tập trung có rất nhiều thuận lợi. Thứ nhất, người chăn nuôi có  điều kiện để tổ chức lại sản xuất, xây dựng lại chuồng trại, đảm bảo yếu tố kỹ thuật để nâng cao hiệu quả sản xuất, giảm giá thành sản phẩm. Thứ hai là không phải lo vấn đề khiếu nại, mất vệ sinh môi trường trong cộng đồng dân cư".

 

Tuy nhiên, theo bà Nguyễn Hòa Hiệp, Chủ tịch UBND huyện Thống Nhất thì sau gần 3 năm thực hiện cũng đã phát sinh một số khó khăn, vướng mắc làm ảnh hưởng đến tốc độ thực hiện dự án như: giá đất trong vùng quy hoạch tăng cao, số vốn đầu tư xây dựng ban đầu lớn, đường giao thông, đường điện chưa hoàn thiện, chỗ có chỗ không. Vì thế, trong thời gian qua, huyện phải chủ động tập trung để từng bước giải quyết những vấn đề trên. Cũng theo bà  Hiệp, để giải quyết khó khăn, vướng mắc của các nhà đầu tư, Huyện ủy, UBND huyện Thống Nhất đã có chỉ đạo cho các cơ quan chức năng của huyện tiến hành đo vẽ, khảo sát, xây dựng kế hoạch, để sau đó cắm mốc, phóng tuyến, vận động nhân dân hiến đất. Ở những nơi nào chăn nuôi phát triển rồi, thì hoàn chỉnh đường điện trung thế và nhân dân sẽ đóng góp hạ thế để nhanh chóng đưa điện về sản xuất.

 

Hy vọng, với sự nỗ lực của huyện, trong thời gian ngắn nhất, các khu chăn nuôi tập trung sẽ được phủ kín, giúp ngành chăn nuôi của huyện phát triển ổn định, bền vững theo hướng công nghiệp...

T.N

 

Tin xem nhiều