Báo Đồng Nai điện tử
En

Huyện Thống Nhất: Thế mạnh vẫn là nông nghiệp

09:02, 08/02/2010

Là một huyện có tới hơn 70% dân số sống phụ thuộc vào nông nghiệp, vì thế ngay từ những ngày đầu chia tách huyện, Ban chấp hành Đảng bộ huyện Thống Nhất đã ra nghị quyết về chuyển giao và ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp, gắn với phát triển kinh tế tập thể. Và, trên thực tế, cho đến nay, Nghị quyết này đã đi vào cuộc sống, từng bước làm thay đổi diện mạo của huyện...

Là một huyện có tới hơn 70% dân số sống phụ thuộc vào nông nghiệp, vì thế ngay từ những ngày đầu chia tách huyện, Ban chấp hành Đảng bộ huyện Thống Nhất đã ra nghị quyết về chuyển giao và ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp, gắn với phát triển kinh tế tập thể. Và, trên thực tế, cho đến nay, Nghị quyết này đã đi vào cuộc sống, từng bước làm thay đổi diện mạo của huyện...

 

Ông Nguyễn Văn Phán, một nông dân ở xã Bàu Hàm 2 là một điển hình trong việc chuyển đổi từ các loại cây ăn trái giống cũ sang các loại giống mới, đạt hiệu quả kinh tế cao. Trước năm 2000, ông Phán trồng gần 10 hécta điều, hàng năm cho thu nhập rất thấp. Sau đó, nhờ tiếp cận khoa học kỹ thuật (KHKT) và nhiều lần đi tham quan thực tế, đến nay ông đã chuyển đổi 7 hécta sang trồng các loại giống mới như: chôm chôm nhãn, măng cụt, sầu riêng Ri6... thu nhập tăng gấp 5 lần trước đây. Ông cho biết: "Từ khi chuyển sang trồng cây sầu riêng, chôm chôm nhãn, măng cụt... giống mới, có giá trị cao, nên mỗi năm sau khi trừ chi phí, tôi thu nhập bình quân đạt 50 triệu đồng/hécta/năm".

Cây ổi cao sản - một loại giống mới được nông dân đưa vào sản xuất.

Còn ông Nguyễn Văn Chính, ngụ tại xã Hưng Lộc, trước đây nằm trong diện XĐGN, nhưng nhờ Hội Nông dân xã hỗ trợ chuyển giao kỹ thuật trong chăn nuôi và xây dựng chuồng trại, ông đã vay ngân hàng được 4 triệu đồng, mua 100 thỏ con về nuôi. Sau 3 tháng, trong lứa xuất chuồng đầu tiên, ông đã hoàn trả được số vốn vay ban đầu, đồng thời còn giữ lại được 20 con thỏ giống. Cứ như vậy, các lứa sau ông tự nhân giống và đến nay trại thỏ của ông đã có 500 thỏ thịt, 100 thỏ mẹ (nái). Hiện nay, bình quân 1 tháng, ông xuất đi khoảng 200 thỏ thịt, trọng lượng mỗi con trên 2kg, sau khi trừ mọi chi phí còn lời trên 6 triệu đồng/tháng. Ông Chính tâm sự: "Nguồn thức ăn cho thỏ ở địa phương rất dễ kiếm, khâu chăm sóc cũng dễ, cơ bản là bà con phải nắm rõ được kỹ thuật để tạo ra được con giống, thì lợi nhuận mới cao".

 

Nhận thức muốn công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn phải chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng sản xuất hàng hóa lớn, gắn sản xuất với chế biến và thị trường, đưa KHKT vào sản xuất, vì thế trong thời gian qua, Huyện ủy và UBND huyện đã tập trung vào công tác quy hoạch, định hướng phát triển kinh tế nông nghiệp ở địa phương. Chỉ trong một thời gian ngắn, hàng loạt dự án lớn đã và đang được thực hiện trên địa bàn. Trong đó có dự án khu quy hoạch khuyến khích chăn nuôi, giết mổ tập trung (hiện đã thu hút được nhiều nhà đầu tư và đang phát huy dần hiệu quả), nhằm đáp ứng nhu cầu sản xuất lớn theo hướng tập trung, đảm bảo quản lý tốt dịch bệnh và vệ sinh môi trường. Bên cạnh đó, dự án vùng chuyên canh rau - hoa - cây cảnh cũng đang trong quá trình thực hiện, gồm có 7 loại cây: tiêu, cà phê, điều, xoài, bưởi, sầu riêng và cao su, với gần 300 hécta, tổng nguồn vốn thực hiện là 16,5 tỷ đồng. Dù hiện tại dự án này còn gặp một số khó khăn, nhưng theo lãnh đạo huyện, để phát huy lợi thế của địa phương, huyện sẽ quyết tâm thực hiện và chọn một vài cây trồng chính (trong số cây nói trên) để phát triển, hướng tới tạo một thương hiệu riêng cho huyện. Ngoài ra, dự án phát triển vùng chuyên canh rau - hoa - cây cảnh hiện cũng đang trong giai đoạn lập dự án. Theo kế hoạch đến năm 2015, tất cả các vùng phải là vùng rau an toàn, trong đó có kết hợp, hoặc luân canh trồng hoa vào những dịp lễ, tết, để đưa giá trị sản phẩm trên 1 hécta  canh tác rau đến năm 2020 đạt bình quân từ 300-400 triệu đồng.

 

Ông Huỳnh Thành Vinh, Phó chủ tịch UBND huyện cho biết, hiện nay và sắp tới ngành nông nghiệp vẫn là thế mạnh của huyện, trong đó ngành chăn nuôi đang đứng đầu tỉnh về số lượng tổng đàn (nhất là đàn heo). Bà con nông dân trong huyện cũng có nhiều kinh nghiệm trong chăn nuôi và áp dụng tốt KHKT vào sản xuất như: dùng phương pháp thụ tinh nhân tạo, tạo đời con lai thương phẩm có tỷ lệ nạc cao, tăng trọng nhanh trên heo. Đặc biệt, các trang trại chăn nuôi đều phát triển theo hướng công nghiệp: chăn nuôi chuồng lồng, máng ăn, máng uống đều tự động, công tác thú y thực hiện nghiêm ngặt. Đến nay toàn huyện có trên 90% tổng đàn heo sử dụng giống mới (siêu nạc), 70% đàn bò, dê đã được cải tạo và 95% sử dụng gà giống mới. Về trồng trọt, tỷ lệ giống mới cây ngắn ngày đưa vào sản xuất trên 98%, cây lâu năm sử dụng giống mới gần 42% và tỷ lệ nông dân biết áp dụng KHKT trong sản xuất chiếm khoảng 80%.

 

Ông Vinh khẳng định, trong thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục xây dựng nền nông nghiệp toàn diện theo hướng hiện đại; từng bước đa dạng hóa cây trồng, vật nuôi theo nhu cầu của thị trường, trong đó sẽ tập trung phát triển 2 vật nuôi chủ lực của huyện là heo và gà; khuyến khích vận động nhân dân phát triển chăn nuôi trong vùng quy hoạch chăn nuôi tập trung; kết hợp chăn nuôi với trồng trọt, tạo ra sự phát triển bền vững, gắn với bảo vệ môi trường...

Thành Nam

 

 

Tin xem nhiều