Báo Đồng Nai điện tử
En

Vận động dùng hàng Việt: Bỏ quên tiểu thương?

08:01, 10/01/2010

Hiện tại, số siêu thị và trung tâm thương mại ở Đồng Nai chỉ đếm trên đầu ngón tay, do đó đa số hàng hóa vẫn được tiêu thụ thông qua các kênh truyền thống như chợ, cửa hàng bán lẻ... mà người "tư vấn trực tiếp" cho khách hàng là các tiểu thương.

Hiện tại, số siêu thị và trung tâm thương mại ở Đồng Nai chỉ đếm trên đầu ngón tay, do đó đa số hàng hóa vẫn được tiêu thụ thông qua các kênh truyền thống như chợ, cửa hàng bán lẻ... mà người "tư vấn trực tiếp" cho khách hàng là các tiểu thương. Tuy vậy, cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" vẫn chưa "chạm" tới khu vực tiêu dùng rộng lớn này.

 

* Chẳng ai đếm xỉa tới!

 

Khi được hỏi có quan tâm đến cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam", chị Dương Thị Hồng Mai, một tiểu thương chuyên bán hóa mỹ phẩm ở chợ Gia Ray (xã Xuân Trường, huyện Xuân Lộc) trả lời: "Cũng có nghe nhưng thực sự không quan tâm nhiều lắm!". Rất nhiều tiểu thương khác cũng  đều nói có biết thông tin về cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" thông qua tivi, đài phát thanh, báo viết... Thực tế họ cũng chẳng thấy ai  quan tâm hướng dẫn hay phát động gì!

Tiểu thương cần được quan tâm hơn trong chiến dịch vận động người Việt ưu tiên dùng hàng Việt.(Ảnh chụp tại chợ Gia Ray, huyện Xuân Lộc).

Các Ban quản lý chợ cũng tương tự, thông tin về cuộc vận động đến được với họ chủ yếu thông qua các kênh truyền thông đại chúng. Ông Đặng Viết Liêm, Trưởng ban quản lý chợ Tân Hiệp (TP. Biên Hòa), cho biết đến nay chợ chưa hề nhận được bất kỳ một công văn hướng dẫn nào từ phía Nhà nước trong việc tuyền truyền tiểu thương tham gia cuộc vận động này. Ông Trần Lộc, Quyền trưởng ban quản lý chợ Xuân Đà (huyện Xuân Lộc), cũng nói: "Cuộc vận động chung trong toàn dân, song nếu Nhà nước hoặc doanh nghiệp Việt có những hướng dẫn hoặc tổ chức phát động một cách cụ thể đến Ban quản lý chợ, tới các tiểu thương thì hay hơn". Bà Đào Thị Tuệ, Trưởng ban quản lý chợ Biên Hòa, cho hay chợ Biên Hòa có tổ chức đọc thông tin trên hệ thống phát thanh của chợ, song cũng chỉ là "tự biên tự diễn" vì không biết phải triển khai theo cách nào để có hiệu quả hơn trong việc vận động tiểu thương ưu tiên giới thiệu hàng Việt đến người tiêu dùng.

 

* Cần "chăm sóc" tiểu thương

 

Ông Đặng Viết Liêm, Trưởng ban quản lý chợ Tân Hiệp, phân tích: "Đa phần tiểu thương đều ngại thay đổi nguồn hàng, nếu hàng Việt muốn cạnh tranh với hàng ngoại, theo tôi chỉ có cách "o bế" tiểu thương như: chiết khấu cao hơn, khuyến mãi nhiều hơn và có nhiều chính sách chăm sóc tiểu thương hơn... Khi đó, tiểu thương mới mạnh dạn thay đổi nguồn hàng. Điều này không mới vì nhiều thương hiệu hàng ngoại và hàng liên doanh đã làm rất tốt". Ông Liêm cũng cho rằng, hàng Việt nên chú trọng hơn khâu quảng bá trực tiếp tại các chợ vì kinh nghiệm cho thấy, người tiêu dùng được "mắt thấy tai nghe" dễ thay đổi thị hiếu hơn. Nhiều thương hiệu hàng tiêu dùng ngoại nhiều năm qua đều đặn tổ chức quảng bá hàng hóa trực tiếp tại các chợ và hiệu quả thấy rõ, lượng hàng hóa tiêu thụ tăng lên khá nhanh.

Bà Đào Thị Tuệ, Trưởng ban quản lý chợ Biên Hòa, chia sẻ quan điểm tương tự: "Trực tiếp tiếp xúc với khách hàng là điểm mạnh của tiểu thương, do đó tôi nghĩ DN lẫn Nhà nước nên chú trọng đến khía cạnh này hơn để có những chính sách hợp lý. Các nhãn hàng ngoại hoặc liên doanh đã làm tốt điều này với những chương trình hội nghị khách hàng, khuyến mãi, trả tiền trưng bày, thường xuyên cho nhân viên trò chuyện và nắm bắt nhu cầu tiểu thương, quảng bá trực tiếp hàng hóa và hỗ trợ tiểu thương bán hàng... trong khi chưa nhiều DN Việt chưa làm được điều này".

 

Trong thời gian gần đây, Đồng Nai đã làm khá tốt một số các chương trình hưởng ứng cuộc vận động ưu tiên dùng hàng Việt. Tuy nhiên, vẫn còn một khoảng trống trong chiến lược vận động khi chưa thấy quan tâm đến một đội ngũ hùng hậu và gần gũi với người tiêu dùng là các tiểu thương tại các chợ truyền thống. Một lãnh đạo Sở Công thương thừa nhận, đúng là trước nay chưa có kế hoạch vận động tiểu thương, dù đây là kênh phân phối hàng hóa lớn.

 

Tôi cần được trang bị về kiến thức

Tôi luôn sẵn sàng tư vấn cho khách hàng của mình sử dụng hàng Việt, song thiết nghĩ, chúng tôi cần được trang bị kiến thức nhiều hơn về hàng Việt. Phải biết hàng Việt tốt chỗ nào, có những lợi ích gì cho người tiêu dùng Việt;  so với sản phẩm cùng loại xuất xứ nước ngoài thì hàng Việt có ưu thế ra sao ... thì mới tư vấn cho người tiêu dùng được. Không thể nói chung chung là rất tốt, rất có lợi...  vì người tiêu dùng bây giờ kỹ tính lắm. Các kỹ năng về tư vấn cũng cần thiết cho tiểu thương.

TRỊNH THỊ CHÍN (tiểu thương chuyên bán bánh kẹo, sữa, thực phẩm khô tại chợ Tân  Hiệp)

 

Chỉ cần hàng Việt tốt, tôi sẵn sàng giới thiệu

Vài năm gần đây, tôi bắt đầu lấy hàng Việt Nam về bán nhiều hơn nhờ sự thay đổi mẫu mã và chất lượng một cách nhanh chóng. Tôi nghĩ, chỉ cần hàng Việt Nam đẹp, rẻ, thuận tiện trong việc lấy hàng, giao hàng thì tôi sẵn sàng giới thiệu đến người tiêu dùng của mình. Song hiện tại, về mảng thời trang, tôi thấy hàng Việt mới chỉ đáp ứng được phân khúc bình dân, giá rẻ, còn với người tiêu dùng có thu nhập cao hơn, thiết nghĩ các nhà sản xuất Việt Nam cần phải cải thiện nhiều mới theo được hàng của Hồng Kông, Thái Lan....

ĐOÀN THỊ HOÀNG OANH (tiểu thương bán quần áo thời trang tại chợ Biên Hòa)

V.Lâm

 

 

 

Tin xem nhiều