Là một huyện nông thôn miền núi, đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn, nhưng với tinh thần đoàn kết thống nhất và sự quyết tâm cao của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân, nền kinh tế huyện Xuân Lộc năm qua vẫn đạt mức tăng trưởng ổn định và có bước chuyển biến tích cực.
Là một huyện nông thôn miền núi, đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn, nhưng với tinh thần đoàn kết thống nhất và sự quyết tâm cao của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân, nền kinh tế huyện Xuân Lộc năm qua vẫn đạt mức tăng trưởng ổn định và có bước chuyển biến tích cực.
Năm 2009, nền kinh tế huyện Xuân Lộc vẫn giữ mức tăng trưởng khá và chuyển dịch theo hướng tích cực. Tổng sản phẩm quốc nội tăng 14,5% so với năm 2008; trong đó, công nghiệp - xây dựng tăng 26,3%, thương mại - dịch vụ tăng trên 18,7%; thu ngân sách trên địa bàn 150 tỷ đồng, đạt 116% kế hoạch.
Trên lĩnh vực nông nghiệp, giá trị ngành chăn nuôi đạt 380 tỷ đồng với tổng đàn gia súc 223 ngàn con, đàn gia cầm 1,2 triệu con. Một số mô hình sản xuất cho thu nhập cao được huyện tập trung nhân rộng như: mô hình xử lý ra hoa trái vụ trên các loại cây ăn quả: xoài, cam, bưởi; các mô hình ứng dụng hệ thống tưới nước tiết kiệm tăng năng suất cây trồng... Một số sản phẩm nông nghiệp chủ lực có chỗ đứng trên thị trường trong và ngoài tỉnh như: xoài Suối Lớn, rau an toàn ở Xuân Phú và Xuân Bắc... Nhiều mô hình kinh tế trang trại làm ăn có hiệu quả đã giải quyết nhiều việc làm cho người lao động, tăng thu nhập và cải thiện đời sống cho nhân dân địa phương.
Thực hiện chương trình nông nghiệp, nông dân, nông thôn, huyện đã hoàn thành 17/20 chỉ tiêu về kinh tế - xã hội; trong đó có những chỉ tiêu vượt cao như: tốc độ tăng trưởng sản xuất nông nghiệp, thu nhập bình quân đầu người, tỷ lệ hộ dùng điện, nước hợp vệ sinh...
Để đạt được kết quả trên, huyện đã đầu tư nguồn vốn 520 tỷ đồng, trong đó vốn đầu tư xây dựng cơ bản là 508 tỷ đồng; quy hoạch được 4 vùng cây trồng phù hợp với điều kiện tự nhiên và thổ nhưỡng, tạo ra những cánh đồng cho thu nhập trên 100 triệu đồng/hécta/năm. Ngoài ra, Xuân Lộc còn phát triển nhiều vùng cây trồng có giá trị sản xuất từ 100 triệu đến 250 triệu đồng/hécta/năm, như: vùng sản xuất 1 vụ bắp, 2 vụ lúa; 2 vụ bắp, 1 vụ lúa tại các xã Lang Minh, Suối Cát, Xuân Phú; hoặc cây tiêu ở Suối Cao, Xuân Thọ; cây xoài ở Xuân Hưng và rau tại Xuân Phú và Xuân Bắc... Đến nay, huyện đã phát triển thêm 8 trang trại và thành lập mới 69 CLB năng suất cao, nâng tổng số CLB năng suất cao toàn huyện là 203 CLB với gần 8.000 hội viên tham gia.
Trong năm 2009, huyện Xuân Lộc đã giải quyết cho 2.000 hộ nghèo vay vốn với tổng số tiền 18,7 tỷ đồng; vận động nhân dân và mạnh thường quân đóng góp xây dựng được 184 căn nhà tình thương cho hộ nghèo, nhờ đó toàn huyện đã giảm được 1.150 hộ nghèo.
Phấn khởi tự hào trước kết quả đạt được, nhưng khó khăn, thách thức vẫn còn đó. Năm 2010, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Xuân Lộc phấn đấu đưa tổng sản phẩm quốc nội tăng 15,5%; 99% tỷ lệ hộ dân sử dụng điện và 95% hộ dân dùng nước hợp vệ sinh. Đến cuối năm sẽ giảm hộ nghèo xuống còn 2,4% và tăng thu nhập bình quân đầu người đạt 17 triệu đồng... Trên lĩnh vực nông nghiệp, huyện tiếp tục chuyển dịch cơ cấu cây trồng theo hướng sản xuất hàng hóa; chú trọng nhân rộng các mô hình kinh tế tập thể, trong đó quan tâm phát triển mô hình liên hiệp CLB NSC, nhất là chú trọng phát triển các vùng rau an toàn, cây ăn quả chất lượng cao...
Lê Tùng