Báo Đồng Nai điện tử
En

Năng động như... nông dân miền Đông

09:01, 12/01/2010

Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam từ lâu đã được biết đến với thế mạnh công nghiệp. Tuy nhiên, vẫn còn một dòng chảy những nông dân mang tinh thần công nghiệp vào sản xuất, đang làm giàu với đất đai vườn tược và sự sáng tạo, năng động của mình.

Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam từ lâu đã được biết đến với thế mạnh công nghiệp. Tuy nhiên, vẫn còn một dòng chảy những nông dân mang tinh thần công nghiệp vào sản xuất, đang làm giàu với đất đai vườn tược và sự sáng tạo, năng động của mình. Toàn vùng hiện có hàng ngàn mô hình kinh tế năng động như thế. Trang miền Đông tuần này xin giới thiệu một số điển hình những nông dân ở Tây Ninh, Bình Phước, Bình Dương đã gặt hái thành công trong nông nghiệp từ những tìm tòi, sáng tạo...

 

Tỷ phú xoài

 

12 năm trước, anh Nguyễn Văn Quang chọn cây xoài để lập nghiệp ở huyện Tân Biên, Tây Ninh. Nhiều người cản anh, rằng chẳng có cây ăn trái nào sống nổi ở xứ sở khỉ ho cò gáy này. Vậy mà 2 năm sau, từ một mẫu đất cằn cỗi chỉ trồng mì mỗi năm một vụ, anh Quang đã cải tạo thành một vườn xoài cho thu nhập gần 100 triệu đồng trong vụ đầu tiên, đó là năm 2000. Năm 2002 giá xoài tăng lên, anh Quang thu nhập hơn 200 triệu đồng. Năm 2005 tích góp thêm vốn liếng nâng được diện tích lên tới 3 hécta, anh Quang thu về 250 triệu đồng. Và năm 2007 giá bán "mão" cho vườn xoài của anh đã tăng lên 320 triệu đồng. Đầu năm 2008 thương lái đã đặt mua vườn xoài của anh Quang trọn gói là 360 triệu đồng và năm qua, con số này lên hơn nửa tỷ!

 

Tỷ phú xoài.

Nhiều người dân ở đây ngỡ ngàng nhìn vườn xoài của anh Quang ngày một quy mô hơn từ mảnh đất khô cằn sỏi đá giữa cánh đồng ấp Thạnh Tân, xã Thạnh Bình, huyện Tân Biên. Người nông dân ấy, ông chủ vườn ấy vốn là một cựu chiến binh không hề nản chí trước khó khăn. Đến vườn xoài của trung tá quân đội Nguyễn Văn Quang hiện nay, khách đến thăm còn có dịp thưởng thức nước mắm đồng do anh tự tay chưng cất từ mấy nguyên liệu cá ở dưới ao do anh tự nuôi.

 

Cùng với việc phát triển vườn xoài, anh Quang còn trồng xen cây mì, cây đậu xanh được để tận dụng tối đa diện tích đất còn lại trong những ngày chờ cây xoài lớn lên. Xen canh, tận dụng đất thừa trong quá trình chăm sóc cây xoài, mỗi năm anh Quang thu nhập từ cây mì, cây đậu xanh không dưới 40 triệu đồng. Lấy mỡ nó rán nó, anh Quang đầu tư mua thêm đất tiếp tục trồng xoài... Anh cho biết, mỗi hecta trồng xoài của anh có thể sánh bằng hoặc cao hơn một hecta cao su, anh có thể cho ra hoa kết trái cây xoài chỉ sau hai năm tuổi với chất lượng và năng suất đạt yêu cầu.

 

Ngày đêm gắn bó với cây xoài cát nghệ, mức thu nhập mỗi năm trên nửa tỷ đồng, anh Quang có mối ưu tư là làm sao cây xoài ở Tây Ninh phải được canh tác một cách bài bản, chăm sóc đúng phương pháp khoa học kỹ thuật thì mới có thể đảm bảo năng suất cũng như chất lượng vươn đến thị trường xuất khẩu.  

 

 

"Anh Thủy ba ba"

 

Hai năm đi bộ đội là quãng thời gian anh Hoàng Chung Thủy có cơ hội tiếp cận kỹ thuật nuôi ba ba. Anh sớm nhận ra rằng ba ba là loài vật nuôi mới, giá trị kinh tế cao lại không tốn quá nhiều vốn liếng. Rời quân ngũ, Hoàng Chung Thủy trở về xã Thống Nhất, huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước nuôi mộng làm giàu từ con ba ba. Anh tận dụng một con suối nhỏ cạnh nhà, nhọc nhằn khuân đá, đắp bờ, biến dòng suối nhỏ trở thành một ao nuôi ba ba lý tưởng nhờ nguồn nuớc được lưu chuyển hàng ngày, nước không bị tù đọng. Đầu năm 2006, anh Thủy mua 450 con giống với giá 5.000 đồng/con, sau 14 tháng nuôi, ba ba đã lớn đạt trọng lượng từ 1 1,5 kg/con. Anh đã tự tìm hiểu thêm các biện pháp khắc phục những loại dịch bệnh thường gặp của ba ba như bệnh nấm thủy vi, sưng cổ, lở loét, giun sán. Đến nay, chàng thanh niên trẻ này đã có thu nhập hàng trăm triệu đồng từ 2 ao ba ba bằng cách nhân giống bán cho nhân dân địa phương. Anh Thủy cho biết: Mỗi con ba ba giống 2 tháng tuổi có thể xuất bán với giá 15 ngàn đồng. Do chưa có điều kiện để tăng đàn, anh chưa triển khai đại trà ba ba thịt, mà chỉ mới dừng lại ở việc nhân giống ba ba. Theo anh Thủy, cũng với diện tích này nhưng nếu nuôi cá thì chỉ được tối đa 1 tấn mà giá thì không thể so được với ba ba: 1 kg khoảng 250 ngàn, cao gấp 10 lần giá cá.

Ao nuôi ba ba của anh Thủy.

Anh Thủy nói thêm: Ba ba là giống vật nuôi rất phù hợp với những gia đình không có điều kiện đất đai. Nguồn thức ăn của chúng chủ yếu là cám, bắp và cá tạp xay nhuyễn trộn đều viên lại rồi để lên giàn, ba ba tự lên ăn hoặc có thể vãi thức ăn trực tiếp xuống mặt nước. Việc phòng ngừa dịch bệnh cho ba ba cũng hết sức đơn giản, chỉ cần theo dõi thường xuyên và phòng bệnh chủ động theo quy trình kỹ thuật đã được hướng dẫn của cán bộ thú y, đồng thời chú ý chế độ dinh dưỡng và thường xuyên thay nước ao nuôi thì ba ba sẽ lớn nhanh, mang lại lợi nhuận rất cao...

 

 

Hai Vân "thác lác"

 

Trại nuôi cá thác lác của anh Hai Vân có diện tích hơn một hecta, nằm sâu trong khu vực ấp Mỹ Hảo 2, xã Chánh Mỹ, thị xã Thủ Dầu Một, Bình Dương. Anh Hai Vân cho biết: "Cá thác lác là mặt hàng có sức tiêu thụ mạnh, có giá trị kinh tế cao. Ban đầu, nhảy vào lĩnh vực này, tôi phải tìm mua con giống ở các chợ đem về nuôi với giá khá cao". Gần 2 năm mày mò, Hai Vân mới gầy được đàn cá thác lác bố mẹ gần 30 con. Từ những con giống đó, đến nay anh đã cho sinh sản hơn 30.000 con cá con. Kinh nghiệm của anh Hai Vân trong việc nuôi cá thác lác là không để biến động gây sốc từ môi trường nước dễ làm cá mất sức, yếu dần. Tuyệt đối không thả cá thác lác khi nhiệt độ nước dưới 15oC vì cá sẽ bỏ ăn, giảm sức đề kháng và dễ mắc bệnh. Thức ăn cho cá thác lác con là trùng chỉ, tôm, tép con. Đến khi cá lớn thì cho ăn trùn đất, cám viên, ốc nhỏ...

Hai Vân "thác lác".

Sau nhiều năm vất vả, hiện nay anh Hai Vân đã có nhiều kinh nghiệm trong việc chọn cá bố mẹ và kỹ thuật cho sinh sản. Anh cũng không giấu nghề nếu có ai muốn được chia sẻ để làm ăn.

 

Hiện nay, từ các trang trại của mình, anh Hai Vân vừa cung cấp cá thương phẩm vừa cung cấp cá giống cho thị trường. Hai Vân cũng không ngừng mở rộng diện tích ao hồ để phát triển thêm quy mô sản xuất.

 

 "Chị Việt heo rừng"

 

Nhiều năm qua, câu chuyện nuôi heo rừng lai của chị Nguyễn Thị Việt ở huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước cũng là mô hình chăn nuôi khá ấn tượng. Chị Việt tâm sự rằng, heo rừng lai rất dễ chăm sóc, sức đề kháng cao, nguồn thức ăn dễ kiếm và đặc biệt, giá heo rừng lai cao. Cách đây mấy năm, chị Việt bắt đầu mua giống để nhân đàn bầy heo rừng, chuồng trại cho chúng chỉ đơn giản là bóng mát dưới tán điều, có thể tận dụng được nguồn thức ăn từ trái điều khi bước vào mùa khô. Để đảm bảo sinh tồn trong môi trường khan hiếm nguồn thức ăn như thế, mỗi con heo trong trang trại này tranh giành nguồn thức ăn... Chính yếu tố đó đã giúp cho đàn heo luôn khỏe mạnh trong quá trình nuôi. Mỗi ngày có thể cho heo ăn 3 lần sáng, trưa và chiều tối. Tuy nhiên, tổng khối lượng nguồn thức ăn trong ngày cho mỗi con chỉ cần nửa cân là đủ. Nguồn thức ăn có thể là bắp, khoai mì, cỏ, lá điều hay măng tre. Sau bốn tháng nuôi có thể xuất chuồng với trọng lượng từ 5-6 kg. Hiện nhu cầu tiêu thụ thịt heo rừng lai trên thị trường rất lớn. Nhờ đó, mô hình nuôi heo rừng lai của bà Việt đang rất hấp dẫn nhiều bà con.

Trại heo rừng của chị Việt.

Không chỉ thành công với mô hình nuôi heo rừng, bà Nguyễn Thị Việt còn rất mát tay với nghề chăn nuôi cá. Với diện tích mặt ao thiên nhiên gần 4 hecta, bà Việt chỉ mới tận dụng khoảng 1 hecta để nuôi cá nhưng kết quả đạt được là rất khả quan. Mỗi năm, bà Việt bán ra thị trường hàng tấn cá đủ loại: cá trôi, cá mè, trắm cỏ, rô phi, cá chép...

 

Quang Hiền - Công Hiếu - Thanh Nhàn

 

 

Tin xem nhiều