Gia đình anh Nguyễn Văn Đình ở ấp 1, xã Sông Trầu, huyện Trảng Bom là một trong những hộ có thâm niên trong nghề trồng nấm với 20 trại chuyên sản xuất nấm bào ngư, nấm sò cho sản lượng mỗi năm khoảng 30 tấn, thu nhập trên 100 triệu đồng.
Gia đình anh Nguyễn Văn Đình ở ấp 1, xã Sông Trầu, huyện Trảng Bom là một trong những hộ có thâm niên trong nghề trồng nấm với 20 trại chuyên sản xuất nấm bào ngư, nấm sò cho sản lượng mỗi năm khoảng 30 tấn, thu nhập trên 100 triệu đồng. Ngoài trồng nấm, anh Đình còn mua nấm ăn tươi của các hộ khác, bình quân mỗi ngày, anh mua được khoảng 1,5 tấn nấm sò và nấm bào ngư. Vào những ngày cao điểm, lượng nấm tăng lên khoảng 2 tấn. Số nấm này được chuyển về TP.Hồ Chí Minh tiêu thụ. Riêng năm nay, nấm bào ngư có giá khá cao: 25 ngàn đồng/kg, do vậy người trồng nấm trúng lớn. Anh cho biết: "Nấm tươi năm ngoái giá khoảng 8 ngàn đồng/kg. Còn năm nay, nấm trắng khoảng 12-13 ngàn đồng và nấm bào ngư xám khoảng 25 ngàn đồng/kg. Nhìn chung, từ giữa năm 2009 đến nay, làng nấm Sông Trầu phát triển tốt, hầu hết hộ trồng nấm đều có lời khá cao".
Những năm trước, gia đình bà Nguyễn Thị Thảo trồng 10 trại nấm mèo với năng suất chỉ đạt từ 2 tạ đến 2,5 tạ/trại nhưng năm nay năng suất có trại lên tới 3 - 4 tạ. Theo bà, đây là vụ nấm đạt năng suất cao nhất từ trước tới nay. Bà Thảo nói: "Vụ này vừa được giá vừa đạt năng suất cao. Những năm trước, bình quân năng suất một trại cao lắm đạt 250 - 270kg nhưng năm nay một trại thu được tới trên 300kg. Giá mọi năm vào khoảng 40 ngàn đồng/kg, còn năm nay lên tới 65 ngàn rồi nhảy lên xấp xỉ 80 ngàn đồng/kg".
Xã Sông Trầu vài năm trở lại đây phát triển mạnh nghề trồng nấm và toàn xã hiện có 110 hộ, tăng 30 hộ so với năm 2007. Trung bình mỗi hộ trồng ít nhất 10 trại, hàng năm cung cấp ra thị trường hàng trăm tấn nấm các loại như: nấm linh chi, nấm bào ngư, nấm sò, nấm mèo... Những năm trúng mùa, nhiều hộ có thu nhập lên tới hơn trăm triệu đồng.
Việc trồng và tiêu thụ nấm ở Sông Trầu đang thuận lợi hơn trước rất nhiều. Sản xuất hiện nay không còn hoàn toàn bằng thủ công, có nhiều khâu đã được ứng dụng máy móc, như: sàng mùn cưa, đóng bịch, xả bịch... Khâu tiêu thụ nấm cũng đã được mở rộng hơn. Ngoài 2 điểm mua nấm của địa phương, gần đây một số công ty ở TP.Hồ Chí Minh cũng xuống đặt trạm thu mua. Ông Nguyễn Trọng Đàm, Phó chủ tịch Hội Nông dân xã Sông Trầu cho biết: "Hiện nay, xã đã thành lập được HTX thương mại - dịch vụ Sông Trầu nhằm đem lại nhiều lợi ích hơn cho nông dân, trong đó có các dịch vụ về cây nấm như: đóng bịch, nguyên liệu. Cái khó nhất đối với người trồng nấm hiện nay là chưa xây dựng được thương hiệu về nấm Sông Trầu. HTX đang xây dựng logo, gầy dựng hình ảnh về làng nấm Sông Trầu nhằm có thể đưa sản phẩm vào các siêu thị và các chợ đầu mối ở TP.Hồ Chí Minh và Đồng Nai".
Vũ Ninh