Báo Đồng Nai điện tử
En

Khuyến nông: Kỹ thuật sản xuất rau an toàn

08:01, 28/01/2010

Thời gian qua, ngộ độc thực phẩm trong đó có rau, củ ngày càng gia tăng. Để giảm các vụ ngộ độc do rau, củ, không có cách nào khác là nông dân phải sản xuất rau theo quy trình an toàn. Thực tế, sản xuất rau an toàn không khó, trong khi hiệu quả đem lại rất cao.

Thời gian qua, ngộ độc thực phẩm trong đó có rau, củ ngày càng gia tăng. Để giảm các vụ ngộ độc do rau, củ, không có cách nào khác là nông dân phải sản xuất rau theo quy trình an toàn. Thực tế, sản xuất rau an toàn không khó, trong khi hiệu quả đem lại rất cao.

 

Kỹ sư Nguyễn Công Tú, Phó chi cục trưởng Chi cục bảo vệ thực vật Đồng Nai, cho hay: Nói đến sản xuất rau an toàn nhiều nông dân cứ nghĩ là rất khó thực hiện, song nhiều công đoạn trong sản xuất rau an toàn hiện nông dân đã và đang làm. Theo đó, đất trồng rau an toàn phải được cày bừa kỹ, phơi ải, bón vôi bột với số lượng từ 60-100kg/sào để diệt một số mầm bệnh gây hại trong đất. Sau đó, khoảng 10-15 ngày có thể làm luống để gieo trồng các loại rau. Tuy nhiên, với đất chuyên trồng rau, đất có tiền sử dịch bệnh nặng, trước khi gieo trồng nên xử lý đất bằng một số loại thuốc như: Hidrocop 77WP, Coc 85WP.

 

Sản xuất rau an toàn ở huyện Xuân Lộc.

- Đối với rau ăn lá, nông dân đánh luống cao khoảng 15-20cm và rộng 80-100cm; còn các loại rau ăn quả dài ngày như: khổ qua, dưa leo, đậu, mướp... bố trí hàng cách hàng 120-140cm và luống cao 20-25cm, riêng mùa mưa đánh luống cao 30cm.

 

- Nước tưới cho rau chỉ dùng nước giếng khoan, giếng đào, nước từ sông, suối, hồ không bị ô nhiễm các hóa chất và sinh vật độc hại. Tuyệt đối không dùng nước thải chăn nuôi, nước thải công nghiệp, nước ao mương tù đọng... chưa qua xử lý để tưới cho rau.

 

- Phân bón cho rau nên dùng nhiều phân hữu cơ ủ hoại để tăng độ mùn, độ phì nhiêu của đất. Nông dân có thể tận dụng phân gia súc, cây xanh, phế phẩm nông nghiệp ủ với EM hoặc nấm Trichoderma làm phân hữu cơ. Trường hợp không tự làm được phân hữu cơ, bà con có thể dùng phân hữu cơ vi sinh Humix, Komix. Lượng phân hữu cơ cần bón cho rau ăn lá 1-2 tấn/lứa/sào và rau ăn quả 2-3 tấn/lứa/sào, chủ yếu bón lót, bón thúc giai đoạn đầu. Riêng với phân hóa học nên sử dụng hợp lý và cân đối giữa các loại phân đạm - kali - lân; liều lượng bón dựa trên nhu cầu dinh dưỡng cụ thể của từng loại rau. Không lạm dụng phân đạm để tăng năng suất (nhất là rau ăn lá), không bón lượng đạm vượt quá nhu cầu của cây. Kết thúc bón đạm hoặc phun lên lá trước khi thu hoạch từ 7-10 ngày với rau ăn lá và 10-15 ngày với rau ăn củ, quả.

 

Khi bón phân hóa học, bà con nông dân nên theo phương pháp sau để tránh tồn dư chất gây hại trong rau:

 

* Phân đạm: Dùng bón thúc, bón lót hoặc pha loãng phun lên lá có thể bón rải nhiều lần trong vụ. Tránh bón phân đạm lúc trời nắng gắt, trời mưa, còn sương đọng.

 

* Phân lân: Là loại phân khó tan, tác dụng chậm nên chủ yếu dùng bón lót, bón thúc sớm.

 

* Phân kali: Dùng bón lót, bón thúc, hiệu quả nhất là bón thúc trước khi cây ra hoa (với cây ăn quả). Chú ý khi bón không để phân dính lên lá, thân cành non rất dễ gây cháy lá, cháy cành. Ngoài ba loại phân hóa học trên, nông dân có thể dùng các loại phân bón lá trong danh mục phân bón mà Chính phủ cho phép sử dụng để bổ sung dinh dưỡng cho cây, song phải tuân thủ theo đúng hướng dẫn trên bao bì. Nông dân hạn chế tối đa việc dùng các chất kích thích cho cây rau tăng trưởng nhanh.

 

Bên cạnh đó, nông dân phòng trừ sâu bệnh cho rau bằng cách áp dụng biện pháp quản lý tổng hợp dịch hại (IPM). Cụ thể, chọn giống tốt có khả năng kháng sâu bệnh, gieo trồng mật độ thích hợp, bảo vệ nguồn thiên địch, làm nhà lưới, dùng màng phủ ny-lông... và chỉ dùng thuốc bảo vệ thực vật khi thật cần thiết. Ưu tiên sử dụng các thuốc sinh học có độ độc thấp và phải dùng theo phương pháp "4 đúng": đúng thuốc, đúng nồng độ, đúng lúc và đúng cách.

Nguyệt Hạ

 

Tin xem nhiều