Báo Đồng Nai điện tử
En

Khuyến nông
Cách phòng trừ bệnh rầy nâu trên cây lúa

10:01, 21/01/2010

Mỗi vụ lúa, Đồng Nai đều có hàng ngàn hecta lúa bị bệnh rầy nâu gây thiệt hại không nhỏ cho bà con nông dân. Bệnh rầy nâu nếu không phòng trừ kịp thời sẽ gây cháy rầy trên diện rộng và là tác nhân gây bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá trên cây lúa.

Mỗi vụ lúa, Đồng Nai đều có hàng ngàn hecta lúa bị bệnh rầy nâu gây thiệt hại không nhỏ cho bà con nông dân. Bệnh rầy nâu nếu không phòng trừ kịp thời sẽ gây cháy rầy trên diện rộng và là tác nhân gây bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá trên cây lúa.

Theo kỹ sư Nguyễn Công Tú, Phó chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật Đồng Nai, rầy nâu phát triển nhanh rất dễ lây lan ra diện rộng và có thể di trú từ vụ này qua vụ khác. Rầy nâu lúc mới nở có màu trắng sữa, trưởng thành có màu nâu, dài 3 - 5mm, cánh trong suốt và có hai dạng là cánh dài và cánh ngắn. Rầy nâu sống tập trung ở gốc lúa, bu quanh bẹ lúa nơi gần mặt nước, mật số cao có thể bám cả trên lá. Rầy trưởng thành dạng cánh ngắn không bay được nhưng có khả năng sinh sản 300 - 500 trứng/con, cánh dài đẻ khoảng 100 trứng/con và có thể bay rất xa và thích vào đèn ban đêm. Rầy thường phát triển nhiều ở các ruộng gieo sạ dày, bón quá nhiều đạm và khi thời tiết có ẩm độ và nhiệt độ không khí cao. Chúng gây hại bằng cách chích hút nhựa cây lúa làm cây bị úa vàng, sinh trưởng kém và ở mật độ cao gây cháy rầy. Ngoài ra, rầy nâu còn là tác nhân gây ra bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá cho cây lúa. Cách phòng trừ rầy nâu hữu hiệu nhất là:

- Dùng giống lúa kháng rầy.

- Không sạ, cấy quá dày (chỉ dưới 120kg giống/hécta).

- Bón cân đối đạm, lân, kali và không bón đạm nhiều và muộn.

- Hạn chế dùng thuốc trừ sâu để bảo vệ thiên địch (loại có ích cho cây lúa).

Nếu mật độ rầy cao thì diệt bằng cách:

* Dùng dầu nhớt rải xuống ruộng, quậy cho dầu loang đều xong kéo, khua cho rầy rơi xuống nước, hoặc tháo nước lên ngập gốc lúa (chỉ áp dụng diện tích ít).

* Khi rầy trưởng thành nhiều tháo cạn nước 3 - 4 ngày cho rầy đẻ trứng ở bẹ lá lúa, sau đó tháo nước vào làm hư trứng rầy.

Chỉ dùng thuốc hóa học khi mật độ rầy quá cao 2 - 3 con/tép lúa và nên dùng các loại thuốc đặc trị. Nếu rầy cám vừa mới nở hoặc rầy non bà con nên dùng thuốc Butyl 400SC/10WP, Viappla 10BTN/25BTN, Applaud 25SC... Nếu rầy trưởng thành thì dùng thuốc Sachray 200WP, Vithoxam 350SC, Bascide 50EC... Khi phun thuốc trừ rầy phải theo nguyên tắc "4 đúng", cụ thể là:

- Đúng thuốc: dùng các loại thuốc có tác dụng diệt rầy và có ghi trên nhãn thuốc.

- Đúng nồng độ và liều lượng nước thuốc: pha đúng nồng độ theo hướng dẫn trên nhãn từng loại thuốc và sử dụng đúng lượng thuốc cần phun.

- Đúng lúc: phun khi rầy không quá non hoặc quá già.

- Đúng cách: rầy thường bu gốc lúa sát mặt nước, khi phun thuốc nên tháo nước vào ruộng cho rầy di chuyển lên trên, hướng vòi phun vào dưới lá lúa, đồng thời phun kỹ gốc lúa.

Nguyệt Hạ

Tin xem nhiều