Báo Đồng Nai điện tử
En

Thêm gánh nặng cho người chăn nuôi

09:12, 30/12/2009

Hơn hai tháng nay, giá nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi trên thị trường thế giới tăng kéo theo giá thức ăn chăn nuôi trong nước liên tục tăng, làm nhiều người chăn nuôi trong tỉnh và cả nước lao đao.

Hơn hai tháng nay, giá nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi trên thị trường thế giới tăng kéo theo giá thức ăn chăn nuôi trong nước liên tục tăng, làm nhiều người chăn nuôi trong tỉnh và cả nước lao đao. Dự kiến đầu năm 2010, giá thức ăn chăn nuôi (TACN) sẽ còn tiếp tục tăng cao, do Nhà nước tăng thuế nhập khẩu thêm 5% đối với các nguyên liệu sản xuất TACN như bắp, bột mì, bột cá, bột xương... Nhiều nông dân than với Người nông thôn tui:

- Chăn nuôi trong nước đang gặp khó khăn, Nhà nước lại tăng thuế nhập khẩu nguyên liệu sản xuất TACN thì khác nào tạo thêm gánh nặng cho nông dân. Vì thuế tăng, các nhà máy sản xuất TACN sẽ phải tăng giá bán sản phẩm, như vậy người chăn nuôi sẽ lãnh đủ.

- Người nông thôn tui nghe nói, dùng cám trộn sẽ hạ giá thành?

- Biết vậy, nhưng đâu phải ai cũng có vốn để mua máy tự trộn TACN. Bên cạnh đó, nguyên liệu sản xuất TACN đa số phải nhập khẩu, thuế tăng sẽ kéo theo giá các nguyên liệu cũng sẽ tăng theo.

- Nói thế, ngành chăn nuôi trong tỉnh và cả nước đang đứng bên bờ vực đầy khó khăn?

- Cũng gần như vậy, vì giá TACN trong nước hiện đã tăng trên 40-60% so với cuối năm 2007, trong khi giá heo thịt thường xuyên giảm xuống dưới 30 ngàn đồng/kg. Với giá TACN như thời điểm này, giá heo hơi bán ra phải 35 ngàn đồng/kg thì nông dân mới có lời. Song, tới đây thuế tăng, giá TACN tăng thêm, người chăn nuôi muốn có lời phải nâng giá bán heo hơi, gà lên. Khi giá heo, gà trong nước quá cao, người tiêu dùng sẽ chuyển qua ăn thịt nhập khẩu cho rẻ, lúc đó chăn nuôi trong nước sẽ phải dẹp tiệm.

Theo nhiều nông dân, để chăn nuôi trong nước phát triển, Nhà nước không nên tăng thuế nhập khẩu nguyên liệu sản xuất TACN vào đầu năm 2010. Ngoài ra, Nhà nước cần có chính sách quy hoạch, khuyến khích đầu tư phát triển vùng nguyên liệu để giảm nhập khẩu, bớt lệ thuộc vào thị trường thế giới. 

Người Nông thôn

Tin xem nhiều