Báo Đồng Nai điện tử
En

Sức hấp dẫn của Xuân Tiến

11:12, 25/12/2009

Sau hơn 1 năm thành lập, Liên hiệp câu lạc bộ năng suất cao (LHNSC) Xuân Tiến ở xã Xuân Phú (huyện Xuân Lộc) đã cho thấy sức hấp dẫn của mô hình làm ăn tập thể này với việc kết nạp thêm gần 100 hội viên.

Sau hơn 1 năm thành lập, Liên hiệp câu lạc bộ năng suất cao (LHNSC) Xuân Tiến ở xã Xuân Phú (huyện Xuân Lộc) đã cho thấy sức hấp dẫn của mô hình làm ăn tập thể này với việc kết nạp thêm gần 100 hội viên.

 

*  Thu nhập tăng cao

 

LHNSC Xuân Tiến có thuận lợi ban đầu là được thành lập từ 4 câu lạc bộ năng suất cao với 125 hội viên. Sau 1 năm hoạt động, số hội viên đã tăng lên 205 người. Nông dân vào LHNSC được hưởng nhiều cái lợi như: mua phân bón trả chậm không lãi; mua giống đảm bảo với giá rẻ;  thường xuyên được tập huấn kỹ thuật mới... Nhờ vậy, thu nhập của hội viên tăng cao hơn các hộ sản xuất bên ngoài từ 4 - 8 triệu đồng/hécta/vụ.

 

Máy gặt đập liên hợp của LHNSC Xuân Tiến đang thu hoạch lúa cho hội viên.

Ông Lê Văn Tần, ấp Bình Xuân 1, xã Xuân Phú, kể: "Trước đây, năng suất trồng lúa của tôi chỉ đạt khoảng 5 tấn/hécta, bắp khoảng 8 tấn/hécta. Từ ngày vào LHNSC, thường xuyên được hỗ trợ kỹ thuật và mua giống chất lượng đảm bảo nên năng suất lúa của tôi đã tăng lên 6 tấn/hécta, bắp 10 tấn/hécta. Nhờ vậy, lợi nhuận thu cao hơn 5 - 8 triệu đồng/hécta/vụ so với trước. Đời sống gia đình đã được cải thiện". Ông Ngô Văn Vinh, cũng ở ấp Bình Xuân 1, nói: "Gia đình tôi có 9 sào ruộng, mỗi năm làm ba vụ cũng chỉ đủ ăn. Hơn 1 năm nay, sau khi gia nhập LHNSC, được mua phân bón trả chậm và tư vấn kỹ thuật bón đúng thời điểm nên năng suất bắp vụ đông-xuân 2008 -2009 đã tăng hơn 3 tấn/hécta; còn lúa vụ mùa và hè - thu tăng trên 1 tấn/hécta. Vì vậy, cùng diện tích đó, nhưng năm nay thu nhập của gia đình tôi tăng hơn 20 triệu đồng".

 

* Bí quyết

 

 Để tạo thuận lợi cho các hội viên phát triển sản xuất nông nghiệp, Xuân Tiến mở thêm dịch vụ mua bán phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, giống và bảo quản nông sản sau thu hoạch. Ông Trần Quang, Chủ nhiệm LHNSC Xuân Tiến, cho biết: "Giống, phân bón và kỹ thuật là ba điều kiện cần nhất cho nông dân. Khi thành lập LHNSC, tôi đề nghị các ban ngành huyện và tỉnh hỗ trợ bằng cách thường xuyên cử kỹ sư nông nghiệp xuống tập huấn kỹ thuật cho các hội viên, đồng thời đứng ra làm "cầu nối" giúp chúng tôi liên hệ với các công ty mua giống mới, phân bón giá gốc, hoặc theo hình thức trả chậm. Với cách này, đa số hội viên của Xuân Tiến nắm được kỹ thuật mới trong trồng trọt; lại có giống mới, phân bón đảm bảo chất lượng và đúng thời vụ để canh tác".

Năm 2009, LHNSC Xuân Tiến đã bán cho hội viên 60 tấn phân bón và 4 tấn lúa giống theo hình thức trả chậm và không tính lãi. Ngoài ra, vụ mùa năm nay, liên hiệp còn đưa vào sản xuất thử nghiệm 2 hécta lúa nguyên chủng để cung cấp giống cho các hội viên trong vụ hè thu tới.

 

Ngoài ra, LHNSC còn huy động vốn của các hội viên để mua máy gặt đập liên hợp và máy sấy nông sản hỗ trợ cho nông dân trong khâu thu hoạch bảo quản. Theo ông Nguyễn Văn Hải, cán bộ nông nghiệp xã Xuân Phú, nếu thu hoạch và phơi khô nông sản theo phương pháp truyền thống thì tiền công khoảng hơn 2 triệu đồng/hécta. Còn dùng máy gặt đập liên hợp, máy sấy sẽ giảm được 1 triệu đồng/hécta. Bên cạnh đó, dùng máy móc thay sức người còn giúp nông dân giảm bớt lệ thuộc vào thời tiết.

 

Hiện nay, đa số hội viên của LHNSC Xuân Tiến đã cơ giới hóa được khoảng 90% ở các khâu trồng, chăm sóc và thu hoạch lúa, bắp.

Hương Giang

 

 

Tin xem nhiều