Báo Đồng Nai điện tử
En

Sản xuất nông nghiệp: Chủ động đối phó trong mùa khô!

08:11, 27/11/2009

Mùa khô năm 2009-2010 chính thức bắt đầu vào giữa tháng 11. Theo dự báo của Trung tâm khí tượng thủy văn Đồng Nai, mùa khô năm nay thời tiết sẽ nóng hơn mùa khô năm 2008-2009, do đó khả năng xảy ra hạn hán sẽ rất lớn.

Mùa khô năm 2009-2010 chính thức bắt đầu vào giữa tháng 11. Theo dự báo của Trung tâm khí tượng thủy văn Đồng Nai, mùa khô năm nay thời tiết sẽ nóng hơn mùa khô năm 2008-2009, do đó khả năng xảy ra hạn hán sẽ rất lớn.

 

* Sẽ thiếu nước ở những vùng cao

 

Do tác động của Elnino nên mùa khô 2009-2010 đến sớm hơn theo dự định khoảng nửa tháng. Ngay từ cuối tháng 10, lượng mưa trên địa bàn tỉnh đã giảm mạnh nên lượng nước trữ tại các sông suối, hồ đập thấp hơn so với cùng thời kỳ năm 2008. Vì vậy, hạn hán rất dễ xảy ra ở các vùng cao phía Bắc tỉnh do độ dốc cao, sông suối khó trữ nước. Ông Nguyễn Hữu Từ, Giám đốc Trung tâm khí tượng thủy văn Đồng Nai, cho biết: "Mùa khô năm nay thời tiết sẽ chịu ảnh hưởng của Elnino nên mưa trái mùa sẽ giảm, lượng mưa toàn mùa ước chỉ đạt từ 150 - 250mm. Bên cạnh đó, nhiệt độ trên toàn tỉnh sẽ tăng khoảng 0,5 - 10C so với năm trước. Thời tiết nóng lên, nước sẽ bốc hơi nhanh, trong khi nhu cầu nước tưới phục vụ cho trồng trọt cần nhiều hơn". Như vậy, nếu các địa phương không tính toán, xây dựng kế hoạch sản xuất để khuyến cáo nông dân ngay từ đầu vụ đông -xuân thì khả năng xảy ra hạn hán ở các vùng cao vào cuối vụ sẽ rất lớn. Địa bàn dễ xảy ra hạn hán trong mùa khô này là Tân Phú, Định Quán và Xuân Lộc. 

 

Lắp đặt hệ thống tưới tiết kiệm sẽ giảm một nửa lượng nước tưới.

Theo dự báo của Trung tâm khí tượng thủy văn Đồng Nai, mực nước kiệt nhất của sông Đồng Nai, La Ngà và các sông suối nhỏ khác ở phía Nam, Tây Nam tỉnh xuất hiện vào nửa cuối tháng 4-2010. Còn các sông, suối nhỏ ở vùng cao như Tân Phú, Định Quán, Xuân Lộc... có thể các dòng chảy sẽ bị cạn kiệt vào khoảng từ tháng 2, 3-2010.

 

* Để giảm bớt thiệt hại do hạn hán

 

Vụ đông-xuân năm 2009-2010, dự kiến nông dân toàn tỉnh sẽ gieo trồng hơn 37 ngàn hecta cây hàng năm. Trong đó, lúa vẫn là cây chủ lực với gần 15 ngàn hecta, còn lại là bắp, rau, mì, đậu và các cây ngắn ngày khác. So với các cây trồng hàng năm thì lúa cần lượng nước tưới gấp 2-4 lần các cây khác. Nếu các vùng cao không có hệ thống thủy lợi, lại nằm xa hồ đập, sông suối mà nông dân vẫn trồng lúa thì khả năng bị hạn hán sẽ càng gia tăng. Ông Trần Hải Sơn, Giám đốc Trung tâm khuyến nông Đồng Nai, nhấn mạnh: "Vụ đông-xuân 2009-2010 có thể xảy ra hạn hán vào cuối vụ nên các địa phương phải tùy theo lượng nước trữ tại các hồ, đập, sông suối trên địa bàn triển khai các loại cây trồng cho phù hợp. Cụ thể, những vùng nguy cơ thiếu nước cao, chính quyền các xã cần vận động nông dân chuyển qua trồng cây hàng năm cần ít nước với thời gian sinh trưởng ngắn, như: bắp, đậu, rau... Riêng với cây lâu năm, nông dân nên lắp đặt hệ thống tưới tiết kiệm, bón phân qua đường ống sẽ giảm được nửa lượng nước tưới. Đối với các vùng trồng lúa, không thể chuyển đổi thì bà con chọn các giống lúa dưới 100 ngày, có tính chịu hạn tốt và gieo trồng trong tháng 12".

 

Trồng bắp thay lúa sẽ giảm hạn hán, tăng thu nhập gấp 2 - 3 lần.

Các kỹ sư nông nghiệp của tỉnh cho hay, trong vụ đông-xuân thì cây bắp có năng suất rất cao, nếu chăm sóc tốt có thể đạt hơn 10 tấn/hécta. Nếu nông dân mạnh dạn chuyển đổi đất trồng lúa sang trồng bắp thì hiệu quả kinh tế có thể tăng gấp 2 lần, trong khi giảm được thiếu nước tưới vào cuối vụ. Đồng thời, cắt được một số mầm bệnh trong đất sẽ giúp lúa vụ sau phát triển tốt, ít sâu bệnh. Trong 2 - 3 năm nay, các xã Lang Minh, Xuân Phú (huyện Xuân Lộc), Lâm San, Xuân Đông, Xuân Tây (huyện Cẩm Mỹ), Đắc Lua, Nam Cát Tiên (huyện Tân Phú)... vào vụ đông-xuân nông dân đã chuyển đất lúa qua trồng bắp, kết quả lợi nhuận thu được cao gấp 2 - 3 lần trồng lúa, nhờ vậy nhiều hộ đã thoát nghèo và vươn lên khá. Một số cánh đồng với mô hình 2 bắp và 1 lúa/năm hoặc 2 lúa và 1 màu/năm đã cho thu nhập trên 50 triệu đồng/hécta.

 

Thực tế, để người dân hiểu được hiệu quả và tác dụng của việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trong vụ đông-xuân, các địa phương thông qua các đoàn thể cần tăng cường vận động người dân và xây dựng nhiều mô hình điểm để nông dân tham quan học hỏi kinh nghiệm.

 

Hương Giang

 

 

 

 

Tin xem nhiều