Báo Đồng Nai điện tử
En

Một kênh vốn hiệu quả cho nông dân

09:11, 18/11/2009

Qua 15 năm (1994-2009) phát triển quỹ tín dụng nhân dân (QTDND) trên địa bàn tỉnh, hệ thống tín dụng này đã phát huy được hiệu quả khá tốt: không những ngăn chặn được nạn cho vay nặng lãi mà còn là kênh tiếp vốn hiệu quả cho nông dân.

Qua 15 năm (1994-2009) phát triển quỹ tín dụng nhân dân (QTDND) trên địa bàn tỉnh, hệ thống tín dụng này đã phát huy được hiệu quả khá tốt: không những ngăn chặn được nạn cho vay nặng lãi mà còn là kênh tiếp vốn hiệu quả cho nông dân.

 

Chị Phạm Thị Nhi, nông dân ở ấp Nhân Hòa, xã Tây Hòa (huyện Trảng Bom) -  khách hàng vay vốn của QTDND Lộc Hòa (xã Tây Hòa),  cho biết đầu năm 2009 chị vay 70 triệu đồng về mua máy cày để phục vụ sản xuất. Gia đình chị canh tác 5 hécta đất, trong đó một nửa diện tích trồng chôm chôm và một nửa là ruộng lúa, mỗi năm cho thu hoạch 50 tấn chôm chôm và gần 20 tấn lúa. Chị Nhi tâm sự: "Đường vào vườn chôm chôm của tôi rất khó đi, xe tải không thể đến được. Mấy năm trước thu hoạch chôm chôm, tôi phải dùng xe đạp thồ từng chuyến ra ngoài đường lớn để giao cho bạn hàng. Vụ chôm chôm vừa qua, sau khi mua được máy cày, việc chuyên chở không còn vất vả như trước nữa. Ngoài ra, gia đình cũng chủ động được việc cày ruộng và chuyên chở lúa về nhà".

 

Theo dự tính, sang năm 2010, khi trả xong khoản nợ vay mua máy cày, chị Nhi tiếp tục vay khoảng 50 triệu đồng từ QTDND để làm sân phơi và nhà chứa nông sản. Sở dĩ chị Nhi chọn QTDND để vay vốn, bởi thời gian giải ngân nhanh, nhất là việc trả lãi rất linh động, phù hợp với nhà nông. "Chúng tôi làm nông nghiệp thu nhập theo mùa vụ nên việc đóng lãi hàng tháng như vay ở ngân hàng là rất khó. Trong khi đó, QTDND có thể linh động cho trả lãi 3 - 4 tháng/lần, như vậy sẽ dễ hơn" - chị Nhi nói.

 

Ông Nguyễn Văn Kỳ, Giám đốc QTDND Lộc Hòa, cho biết tính đến hết tháng 10-2009 dư nợ của quỹ đạt trên 27 tỷ đồng, trong đó gần 10 tỷ đồng cho vay đầu tư sản xuất nông nghiệp. Bình quân mỗi hợp đồng cho vay ở lĩnh vực này khoảng 30 triệu đồng. Theo thống kê của QTDND Lộc Hòa, diện tích cây trồng được nông dân chuyển đổi bằng nguồn vốn vay từ quỹ đến nay đã lên đến trên 1.000 hécta. Các loại cây được chuyển đổi mạnh là cà phê: 443 hécta, điều cao sản: 271 hécta và cây ăn trái: 250 hécta. Riêng về chăn nuôi, đàn heo ở xã Tây Hòa phát triển bằng nguồn vốn vay từ quỹ đạt gần 10 ngàn con.

 

Ở Đồng Nai, nông dân nhiều huyện đã chọn QTDND làm kênh vay vốn đầu tư sản xuất và nhiều nơi đã thực sự là chỗ dựa của nông dân về vốn, điển hình như các QTDND: Lộc Hòa, Hòa Bình (huyện Trảng Bom), Xuân Trường (huyện Xuân Lộc), 125 (huyện Tân Phú), Phú Lợi (huyện Định Quán)... Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tại Đồng Nai (NHNN) cho biết, toàn tỉnh đến nay đã có 30 QTDND được thành lập, 28 quỹ TD đã đi vào hoạt động với tổng nguồn vốn trên 530 tỷ đồng. Tổng dư nợ của các QTDND tính đến giữa năm 2009 đạt trên 470 tỷ đồng, trong đó dư nợ cho vay sản xuất nông nghiệp gần 260 tỷ đồng, chiếm 54,5%. Ông Trần Quốc Tuấn, Giám đốc Chi nhánh NHNN tỉnh cho hay, về chủ trương thì NHNN vẫn tiếp tục cho phát triển thêm QTDND đồng thời cho phép các QTDND có năng lực điều hành tốt mở rộng địa bàn hoạt động với điều kiện không được trùng lắp.

 

So với 10 năm về trước (1999), nguồn vốn hoạt động của các QTDND ở Đồng Nai hiện nay đã tăng gấp 5,5 lần; dư nợ tín dụng gấp 5,7 lần và huy động tiền gửi trong dân gấp 7,5 lần. Sự phát triển của QTDND đã thực sự đem lại hiệu quả, góp phần vào việc phát triển nông nghiệp - nông thôn.

Vân Nam

Cán bộ tín dụng của QTDND Lộc Hòa đang tư vấn cho khách hàng.

Tin xem nhiều