Báo Đồng Nai điện tử
En

Quản lý thuốc bảo vệ thực vật: Mới nắm đằng ngọn

09:10, 14/10/2009

Chi cục bảo vệ thực vật (BVTV) tỉnh cho biết qua kiểm tra, có trên 40% các đại lý kinh doanh thuốc BVTV vi phạm, trong đó nhiều lỗi vi phạm nghiêm trọng thuộc về các công ty lớn có tên tuổi đang sản xuất thuốc BVTV.

Một số loại thuốc cực độc không được ghi cảnh báo trên nhãn.

Chi cục bảo vệ thực vật (BVTV) tỉnh cho biết qua kiểm tra,  có trên 40% các đại lý kinh doanh thuốc BVTV vi phạm, trong đó nhiều lỗi vi phạm nghiêm trọng thuộc về các công ty lớn có tên tuổi đang sản xuất thuốc BVTV.

 

* Phạt xong lại vi phạm

 

Toàn tỉnh hiện có trên 400 đại lý kinh doanh thuốc BVTV. Hàng năm Chi cục BVTV tỉnh thường tổ chức 3 - 4 đợt thanh tra các đại lý và khá nhiều trường hợp vi phạm bị xử phạt hành chính. Thế nhưng, tình trạng vi phạm về điều kiện kinh doanh, nhãn mác, chất lượng thuốc vẫn còn xảy ra khá nhiều. Cụ thể trong tháng 9-2009, Chi cục BVTV tỉnh đã tổ chức đợt thanh tra đột xuất 25 đại lý kinh doanh thuốc BVTV của huyện Xuân Lộc, Thống Nhất và Vĩnh Cửu, qua đó phát hiện có đến 11 cơ sở vi phạm. Đáng lưu ý có đại lý vi phạm 2 - 3 lỗi. Đa số vi phạm nghiêm trọng thuộc về các công ty trực tiếp sản xuất ra thuốc, như: Công ty CP tập đoàn Điện Bàn (tỉnh Quảng Nam), Công ty TNHH Trường Thịnh (tỉnh Lạng Sơn), Công ty CP thuốc sát trùng Cần Thơ, Công ty TNHH Ngọc Tùng (TP.Cần Thơ), Công ty CP thuốc sát trùng Việt Nam, Công ty BVTV Sài Gòn (TP.Hồ Chí Minh)...

 

Ông Nguyễn Bá Tùng, Phó chánh thanh tra Chi cục BVTV tỉnh, cho biết: "Thời gian gần đây, trong kinh doanh thuốc BVTV thường xảy ra 2 lỗi vi phạm, đó là đại lý không đủ điều kiện kinh doanh và ghi sai nhãn thuốc so với đăng ký. Trong đó, ghi sai nhãn thuốc rất nguy hiểm và tác hại khó lường. Vì có loại thuốc cực độc, đáng lý công ty sản xuất phải ghi rõ cảnh báo trên bao bì, nhưng công ty chỉ ghi cẩn thận. Vì vậy, khi nông dân mua thuốc sử dụng sẽ không biết đây là thuốc nguy hiểm cho sức khỏe và tính mạng để có biện pháp ngăn ngừa độc hại đúng mức. Ngoài ra, nhiều công ty ghi sai nhãn theo kiểu hạn sử dụng thuốc chỉ có 2 năm nhưng ghi trên bao bì 3 năm hoặc thuốc chỉ đặc trị cho một loại cây trồng lại để sử dụng cho nhiều loại cây trồng".

 

Những trường hợp vi phạm về kinh doanh, sản xuất thuốc BVTV khi phát hiện thường bị xử lý hành chính. Nhưng số tiền phạt chỉ dựa trên số lượng thuốc thu được là rất thấp, vì với mỗi loại thuốc các đại lý chỉ trưng bày 5 - 10 gói, chai tại cửa hàng. Số tiền phạt chỉ khoảng 200 - 300 ngàn đồng nên nhiều đại lý, công ty sau đó vẫn tiếp tục vi phạm.

 

* Phải quản lý từ gốc

 

Một nông dân ở xã Xuân Bảo (huyện Cẩm Mỹ) cho hay: "Nông dân chúng tôi chỉ biết trông vào lợi nhuận của vườn cây. Nếu chẳng may mua phải thuốc BVTV hay phân bón kém chất lượng làm giảm năng suất cây trồng thì cuộc sống sẽ rơi vào cảnh khốn khó. Vì thế, phải phạt thật nặng khi phát hiện đại lý, công ty sản xuất, bán thuốc BVTV không đảm bảo chất lượng. Đồng thời, phải quản lý chặt ngay từ khâu sản xuất, chứ đừng nắm đằng đuôi!".

 

Mua thuốc BVTV về trừ sâu bệnh có khi cây trồng bị bệnh nặng hơn!

Nhiều nông dân ở huyện Xuân Lộc, Thống Nhất, TX.Long Khánh... đều tỏ ra bức xúc khi biết một số loại thuốc hay dùng để phòng trừ sâu bệnh cho cây như: Kasuran 47 WP, Dibazole Advancid 5SC, Somec 2 SL... bị các công ty sản xuất ghi sai nhãn. Ông Nguyễn Bá Tùng nói: "Việc kiểm tra tại các đại lý rồi truy về gốc các công ty vi phạm để phạt hành chính chỉ mới là quản lý đằng ngọn. Cái chính là Cục BVTV phải quản lý chặt từ nơi sản xuất, đóng gói, vì khi phát hiện được vi phạm ở các đại lý đồng nghĩa với nhiều sản phẩm này đã được nông dân mua về sử dụng".

 

Về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Thiệu, Phó chánh thanh tra Cục BVTV phụ trách khu vực phía Nam, cũng nhận định: Hiện nay, mức xử phạt các đại lý, công ty sản xuất kinh doanh thuốc BVTV vi phạm dựa trên Nghị định 26/CP là quá nhẹ, chưa đủ sức răn đe. Do đó, nhiều công ty vì lợi nhuận đã bất chấp pháp luật, sản xuất thuốc kém chất lượng và ghi sai nhãn mác gây hiểu lầm và thiệt hại cho nông dân không nhỏ.

 

Theo ý kiến của cán bộ thanh tra BVTV, Cục BVTV nên đưa các danh mục thuốc, thời hạn sử dụng và cảnh báo của các loại thuốc được phép sản xuất lên mạng internet giúp nông dân cũng như các cơ quan chức năng địa phương dễ dàng truy cập thông tin để sử dụng và quản lý. 

Hương Giang

 

 

Tin xem nhiều