Báo Đồng Nai điện tử
En

Tái diễn thuốc siêu tăng trọng cho heo, gà!

07:09, 18/09/2009

Theo nhiều nông dân nuôi gà, heo thuộc hàng "lão làng" ở huyện Thống Nhất, cách đây 3, 4 năm, thuốc tăng trọng siêu nhanh (chỉ trong vòng 7 - 10 ngày) cho heo, gà được chào bán khá công khai. Nhờ sự kiểm tra gắt gao của các cơ quan chức năng nên các loại thuốc này gần như bị tém dẹp. Nhưng hiện nay, tình trạng rao bán thuốc tăng trọng cấp tốc cho heo, gà, vịt... đang tái diễn.

Một loại thuốc tăng trọng được phép lưu hành.

Theo nhiều nông dân nuôi gà, heo thuộc hàng "lão làng" ở huyện Thống Nhất, cách đây 3, 4 năm, thuốc tăng trọng siêu nhanh (chỉ trong vòng 7 - 10 ngày) cho heo, gà được chào bán khá công khai. Nhờ sự kiểm tra gắt gao của các cơ quan chức năng nên  các loại thuốc này gần như bị tém dẹp. Nhưng hiện nay,  tình trạng rao bán thuốc tăng trọng cấp tốc cho heo, gà, vịt... đang tái diễn.

 

* "Bí kíp" để heo nạc cấp tốc

 

Ông M.B., một nông dân nuôi heo ở xã Suối Nho, huyện Định Quán cho biết, gần đây, một số lái mua heo vào nhà có đưa một loại thuốc bột màu trắng, không mùi, không nhãn mác xuất xứ với lời giới thiệu đây là loại thuốc làm cho heo nạc cấp tốc chỉ trong vòng 10 ngày! Theo đó, ông B. chỉ cần hòa với nước uống hoặc trộn vào thức ăn cho đàn heo của mình, khoảng 10 ngày sau, lái sẽ quay lại mua heo cao hơn giá thị trường. Hỏi về chất lượng và nguồn gốc của thuốc, ông B. chỉ được giới thiệu sơ lược: đây là loại thuốc làm nạc cấp tốc trong vòng 10 ngày, heo ăn vào sẽ làm mông nở, vai nở, nạc nhiều, thịt có màu đỏ đẹp... Thuốc được "báo giá" 400.000 đồng/kg, trộn được khoảng vài tấn thức ăn. Vốn có hiểu biết về lĩnh vực thuốc thú y và thức ăn cho heo, ông B. đã dứt khoát không trộn cho heo ăn.

Anh Nguyễn Thanh Sơn, chủ một trại gà ở ấp Đức Long II, xã Gia Tân 2 (huyện Thống Nhất) cũng cho biết, cách đây không lâu, cũng có người đến giới thiệu cho anh loại thuốc làm gà tăng trọng, nở đùi, thịt trắng và dai như gà ta "chính hiệu" với giá 300.000 đồng/kg. Theo anh Sơn, thuốc có mùi rất thơm, đựng trong bịch ny-lông, không nhãn mác và xuất xứ. Theo "quảng cáo", mỗi một ký thuốc trộn được hơn chục tấn thức ăn, rẻ hơn rất nhiều so với các loại thức ăn hoặc thuốc bổ cho gia súc, gia cầm có trong danh mục được phép bán trên thị trường. Thử dùng cho một số con gà trong vòng hơn nửa tháng, anh Sơn khẳng định, gà mập lên rất nhanh, nhưng ngược lại sức khỏe và sức đề kháng yếu thấy rõ! Không dám mạo hiểm với trang trại có vài chục ngàn con gà của mình, anh đã ngưng sử dụng.

 

* Ham lợi - coi chừng tiền mất...

 

Theo tìm hiểu, các loại thuốc tăng trọng cho gia súc, gia cầm trong vòng 7 - 10 ngày hiện đang được chào bán và lưu thông một cách lén lút, thông qua những người mua heo, mua gà, hầu như không tìm thấy ở các hiệu thuốc thú y. Tuy nhiên, theo anh Nguyễn Quốc Khanh, chủ trại heo, đồng thời là cộng tác viên phụ trách thú y xã Gia Tân 2, Thống Nhất, thì hiện tại, mặt hàng đáng ngại này đang "chảy" về các hộ nông dân chăn nuôi nhỏ lẻ ở vùng sâu, vùng xa; còn các trại lớn có những tiêu chuẩn nuôi nghiêm khắc, ít ai dám mạo hiểm sử dụng cho đàn gia súc hàng trăm con hoặc gia cầm hàng chục ngàn con. "Với người trong nghề, con heo nào có sử dụng thuốc làm nạc cấp tốc thì nhìn vào biết ngay: mông và đùi rất lớn, cơ và gân máu nổi to... Và đặc biệt, nếu để lâu ngày mà chưa tiêu thụ được, con heo dùng thuốc sẽ có hiện tượng run lẩy bẩy, bước đi loạng choạng như say rượu, sức khỏe giảm rõ rệt" - anh Khanh cho biết.

Ông Trần Văn Quang, Phó chi cục trưởng Chi cục thú y Đồng Nai, khá bức xúc: "Thời gian tới, Chi cục sẽ phối hợp với các địa phương tăng cường kiểm tra vấn đề này, nếu phát hiện các trường hợp bán loại thuốc cấm sẽ xử lý thật nghiêm theo Luật Thú y. Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng, người chăn nuôi nên chủ động từ chối, không dùng các loại thuốc không rõ nguồn gốc vì tác hại của nó rất khó lường, có thể gây hại cho gia súc, gia cầm, đồng thời sử dụng lâu dài có thể gây bệnh cho người tiêu dùng... Ngay cả thuốc có trong danh mục cho phép sử dụng, người chăn nuôi cũng phải tuân thủ theo đúng hướng dẫn trên bao bì và không được quá lạm dụng".

 

Ông Nguyễn Kim Đoán, chủ cửa hàng thuốc thú y ở xã Gia Kiệm - Thống Nhất, nói: "Đa số các cửa hàng bán thuốc thú y hiện nay đều không bán thuốc ngoài danh mục.  Vì cơ quan thú y thường xuyên kiểm tra nếu phát hiện buôn bán thuốc cấm sử dụng sẽ bị xử lý rất nặng. Ngoài ra, việc bán loại thuốc này sử dụng lâu dài cho đàn gia súc, gia cầm dễ phát sinh bệnh, như vậy sẽ giảm uy tín của cửa hàng. Do đó, khi người chăn nuôi có nhu cầu mua thuốc tăng trọng, chúng tôi thường giới thiệu những thuốc trong danh mục... Các thuốc này chủ yếu bổ sung thêm dưỡng chất cho vật nuôi để nhanh lớn và không gây hại. Dĩ nhiên, thuốc bổ có trong danh mục cho phép sử dụng bao giờ cũng đắt hơn các loại thuốc tăng trọng không rõ nguồn gốc. Mặt khác, mỗi loại thuốc bổ đều có hướng dẫn chi tiết về số lượng thuốc, ngày sử dụng, thời hạn ngưng thuốc trước khi giết mổ để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm... Tuy vậy, người nuôi cũng không nên quá lạm dụng các loại thuốc bổ này".

V. Lâm - K.Minh

 

 

 

Tin xem nhiều