Báo Đồng Nai điện tử
En

Sầu riêng nhiều nhưng không thể xuất khẩu

07:09, 09/09/2009

Sau khi xuất khẩu 15 tấn sầu riêng đầu tiên sang Mỹ, Công ty phát triển công nghệ sinh học (Dona Techno) ở TX. Long Khánh đã được phía đối tác đề nghị ký thêm hợp đồng với lượng sầu riêng lớn hơn, nhưng công ty phải từ chối vì không đủ nguồn hàng.

Sau khi xuất khẩu 15 tấn sầu riêng đầu tiên sang Mỹ, Công ty phát triển công nghệ sinh học (Dona Techno) ở TX. Long Khánh đã được phía đối tác đề nghị ký thêm hợp đồng với lượng sầu riêng lớn hơn, nhưng công ty phải từ chối vì không đủ nguồn hàng. Điều này thật nghịch lý, vì Đồng Nai có trên 4 ngàn hécta sầu riêng, mỗi năm cung cấp ra thị trường hơn 30 ngàn tấn trái và các nhà vườn thường xuyên gặp cảnh được mùa rớt giá nhưng lại không có hàng để xuất khẩu. Thấy vậy, Người nông thôn (NNT) tui liền hỏi ông Nguyễn Phú Cường, Giám đốc Công ty DonaTechno:

 

- Mỗi năm Đồng Nai thu hoạch trên 30 ngàn tấn sầu riêng, chả lẽ không chọn được vài ngàn tấn để xuất khẩu sao?

- Sầu riêng phía Mỹ đặt hàng là sầu riêng Dona, ngoài các tiêu chuẩn về chất lượng phải có mẫu mã đồng đều và đẹp. Điều này, đa số nhà vườn không đáp ứng được vì mỗi hộ trồng, chăm sóc theo một quy trình riêng nên chất lượng trái rất khác nhau.

 

- Nghe nói mấy năm trước, công ty đã hỗ trợ nông dân các huyện, thị trong tỉnh trồng hơn 1 ngàn hécta sầu riêng Dona và hiện đa số đã cho trái?

 

- Đúng vậy, song để cây sầu riêng Dona cho trái đảm bảo độ ngọt, ráo của cơm... đủ điều kiện xuất khẩu, người trồng phải tuân thủ các kỹ thuật chăm sóc rất nghiêm ngặt, đặc biệt khi cây ra hoa, đậu trái. Bên cạnh đó, nhà vườn phải ghi chép đầy đủ quá trình chăm sóc, khi cây ra hoa, kết trái để tính ngày hái quả cho phù hợp. Về quy trình này, công ty có cử kỹ sư xuống tận các vườn hướng dẫn nông dân, song hầu hết nhà vườn lại không thực hiện vì ngại ghi chép và thay đổi phương pháp chăm sóc truyền thống nên cùng một giống nhưng chất lượng cho trái rất khác nhau. Vì vậy, tổng sản lượng sầu riêng của Đồng Nai nhiều nhưng muốn tìm khoảng vài chục tấn xuất khẩu lại rất khó khăn.

 

Đồng Nai là tỉnh có nhiều loại trái cây đặc sản, như: sầu riêng, chôm chôm, bưởi, xoài... thường xuyên gặp khó khăn về đầu ra, nhưng khi có đơn đặt hàng lớn lại không đáp ứng được yêu cầu của khách hàng. Thiệt thòi luôn thuộc về nông dân. Muốn thoát khỏi tình trạng này, nông dân chỉ còn cách liên kết lại, sản xuất cùng một quy trình để có sản phẩm đảm bảo chất lượng.

NNT

 

Tin xem nhiều