Báo Đồng Nai điện tử
En

Nông dân Phú An với nỗi niềm sầu riêng

10:09, 21/09/2009

Tháng 9, do ảnh hưởng áp thấp nhiệt đới, trời đổ mưa dai dẳng, anh Trần Văn Hải ở ấp 1, xã Phú An (huyện Tân Phú) vẫn đội áo mưa ra vườn sầu riêng. Đứng bên một gốc sầu riêng với thân cây bị tróc vỏ xơ xác, anh nói: "Cây này bị bệnh xì mủ, chúng tôi cứ tưởng nó sẽ chết, vậy mà mùa trái vừa rồi, nó cho hơn một tạ trái".

Tháng 9, do ảnh hưởng áp thấp nhiệt đới, trời đổ mưa dai dẳng, anh Trần Văn Hải ở ấp 1, xã Phú An (huyện Tân Phú)  vẫn đội áo mưa ra vườn sầu riêng. Đứng bên một gốc sầu riêng với thân cây bị tróc vỏ xơ xác, anh nói: "Cây này bị bệnh xì mủ, chúng tôi cứ tưởng nó sẽ chết, vậy mà mùa trái vừa rồi, nó cho hơn một tạ trái".

Chỉ chúng tôi xem chỗ phần vỏ mới đang ra, anh khẳng định chắc nịch: "Nó hồi sinh rồi". Không vui sao được, khi mỗi cây sầu riêng trong vườn nhà anh có thể "đẻ" hàng triệu đồng mỗi năm. Anh Hải cho biết, với 80 gốc sầu riêng giống Mongthon da xanh, cơm vàng, hạt lép, mùa thu hoạch vừa qua, anh thu hơn 10 tấn trái. Giá bán từ 10 đến 16 ngàn đồng/kg (đầu vụ), anh chị "hái" về hơn 120 triệu đồng. Hiện nay, anh Hải đang trồng thêm 300 gốc sầu riêng, gồm 2 giống là Mongthon và Ri-6. Anh nói, mấy năm nay, cũng nhờ sầu riêng, kinh tế gia đình anh đã dần đi lên, vì vậy quyết định tăng đầu tư trồng loài cây này.

 

Sầu riêng Mongthon da xanh, cơm vàng, hạt lép được trồng tại Phú An.

Trước đây, anh Hải từng trồng nhãn, vào thời điểm giống cây ăn trái này đang lên và được nhiều nông dân đổ xô vào trồng. Rồi nhãn rớt giá, khiến kinh tế gia đình anh Hải nói riêng và người trồng nhãn nói chung trở nên điêu đứng. Sự chuyển đổi từ cây nhãn và một số loài cây ăn trái khác sang cây sầu riêng cho đến thời điểm hiện tại vẫn cho thấy đây là hướng đi hiệu quả. Với hơn 300 héc ta đất trồng sầu riêng trong toàn xã, mỗi năm đã mang về nguồn lợi hàng chục tỷ đồng cho nông dân ở Phú An. Ông Bùi Văn Bình, Phó chủ tịch Hội Nông dân xã, hồ hởi: "Phú An là xã nghèo, kinh tế chủ yếu là nông nghiệp. Với giá sầu riêng hợp lý như trong các năm vừa qua, đã mở ra niềm hy vọng đổi đời cho nông dân".

 

Cây sầu riêng đang "lên hương" ở vùng đất Phú An. Dù vậy, người trồng sầu riêng vẫn chưa thể hoàn toàn an tâm, bởi giá sầu riêng tuy khá cao nhưng đầu ra không ổn định. "Mùa trái chín, mạnh ai nấy tìm người mua. Thương lái thì nhiều, mỗi người trả mỗi giá" - anh Phạm Văn Nhanh, trưởng ấp 4 và cũng là một nông dân trồng sầu riêng, nói. Theo chúng tôi được biết, vụ thu hoạch vừa qua, ở xã Phú An có 7 hộ bị thương lái từ nơi khác đến mua sầu riêng và sau khi chở sầu riêng đi, đã giật luôn của họ với tổng số tiền hơn 178 triệu đồng. Tâm sự với chúng tôi, anh Nhanh nói, cái khó của người trồng sầu riêng ở Phú An hiện nay là mạnh ai nấy làm, sản phẩm làm ra chưa có thương hiệu, chất lượng chưa được thừa nhận đúng mức, thành thử giá mua bán thất thường. Trong khi đó, sầu riêng trồng ở Phú An vẫn được chính các thương lái ưa chuộng vì tiêu thụ rất chạy.

 

Từ nhiều năm qua, Đảng, Nhà nước ta đã có nhiều chủ trương, chính sách khuyến khích phát triển kinh tế tập thể, giúp nông dân liên kết sản xuất để nâng cao hiệu quả sản xuất, tăng khả năng cạnh tranh nông sản hàng hóa trên thị trường. Thế nhưng, cho đến nay không ít nông dân Phú An nói riêng và Đồng Nai nói chung vẫn duy trì thói quen sản xuất riêng lẻ.

Trọng Nhân

 

Tin xem nhiều