Báo Đồng Nai điện tử
En

Triển khai đề án "nông thôn mới" ở Đồng Nai
Kỳ 1: Xây dựng các mô hình điểm

09:08, 11/08/2009

Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng "nông thôn mới" (NTM) giai đoạn từ nay đến năm 2020 và tầm nhìn năm 2030 đang được triển khai trên cả nước. Ở Đồng Nai, có 18 xã được UBND tỉnh chọn thực hiện thí điểm đề án này.

Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng "nông thôn mới" (NTM) giai đoạn từ nay đến năm 2020 và tầm nhìn năm 2030 đang được triển khai trên cả nước. Ở Đồng Nai, có 18 xã được UBND tỉnh chọn thực hiện thí điểm đề án này.

 

Công trình xã hội hóa giao thông ở ấp Ngọc Lâm 2, xã Phú Xuân (huyện Tân Phú).

* Hướng tới mục tiêu nông thôn phát triển

 

Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM đến năm 2010, cơ bản phải thực hiện hoàn tất: 100% xã được quy hoạch xây dựng địa bàn NTM. Trong đó, yêu cầu đặt ra là: Tập trung đẩy mạnh phát triển hệ thống hạ tầng kinh tế - xã hội thiết yếu ở nông thôn theo chuẩn nông thôn mới; đào tạo 100% cán bộ cơ sở đạt kiến thức tổ chức, quản lý, chỉ đạo xây dựng vùng NTM; nâng cao thu nhập của dân cư tăng từ 1,1 đến 1,2 lần so với hiện nay; giảm tỷ lệ hộ nghèo dưới 10% (theo chuẩn năm 2007). Cho đến năm 2015, nâng cao thu nhập của dân cư nông thôn gấp 1,8 đến 2 lần so với hiện tại; tỷ lệ lao động nông thôn qua đào tạo nghề, bồi dưỡng kiến thức nghề đạt trên 30%, tỷ lệ lao động nông nghiệp còn dưới 50%; xây dựng hệ thống giám sát ô nhiễm môi trường nông thôn, đồng thời xử lý và ngăn chặn tình trạng gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng; xây dựng trên 20% số xã đạt tiêu chuẩn nông thôn mới; kiểm tra, đánh giá công nhận xã, huyện, tỉnh đạt nông thôn mới. Ngoài ra, Bộ tiêu chí mới được Chính phủ ban hành, đưa ra chỉ tiêu chung cả nước và các chỉ tiêu cụ thể theo từng vùng: Trung du miền núi phía Bắc, đồng bằng sông Hồng, Bắc Trung bộ, duyên hải Nam Trung bộ, Tây nguyên, Đông Nam bộ và đồng bằng sông Cửu Long. Theo đó, 19 tiêu chí để xây dựng mô hình NTM trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, bao gồm: Quy hoạch và thực hiện quy hoạch, giao thông, thủy lợi, điện, trường học, cơ sở vật chất văn hóa, chợ nông thôn, bưu điện, nhà ở dân cư, thu nhập bình quân đầu người/năm, tỷ lệ hộ nghèo, cơ cấu lao động, hình thức tổ chức sản xuất, giáo dục, y tế, văn hóa, môi trường, hệ thống tổ chức chính trị xã hội vững mạnh và an ninh, trật tự xã hội. Đối với tiêu chí thuộc vùng Đông Nam bộ, hệ thống giao thông tại mỗi xã phải đạt 100% kiên cố hóa đường xóm, ấp; tiêu chuẩn tỷ lệ hộ nghèo còn dưới 3%. Điều đáng chú ý là, để được công nhận huyện NTM, phải có 75% số xã trong huyện đạt chuẩn mực NTM. Nếu tỉnh có 80% số huyện nông thôn mới thì sẽ đạt tỉnh NTM.

Mục tiêu tối thiểu đối với xã điểm thực hiện NTM đến năm 2010: Đời sống kinh tế được cải thiện; giá trị sản xuất trên 1 hécta đất nông nghiệp tăng bình quân 4,25%/năm; giảm tỷ lệ hộ nghèo còn dưới 1% (theo chuẩn nghèo của Đồng Nai giai đoạn 2006-2010); tỷ lệ hộ dùng điện đạt 98%, hộ sử dụng nước sạch đạt 90%; trên 95% số hộ có nhà ở kiên cố và bán kiên cố; giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng dưới 15% đối với trẻ em dưới 5 tuổi; nâng tỷ lệ sử dụng thời gian lao động lên 90%; lao động nông thôn được đào tạo từ 40-43%... (trích Quyết định của UBND tỉnh ngày 21-10-2008 về việc phê duyệt Đề án NTM trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2008-2010 và tầm nhìn 2015)

 

* Đồng Nai chọn 18 xã để làm thí điểm

 

Một trong những cơ sở để UBND tỉnh quyết định chọn 18 xã thuộc các huyện, thị xã Long Khánh thí điểm triển khai đề án NTM, vì những địa phương này hội đủ điều kiện của các nội dung mà đề án đã quy định, nhất là đời sống kinh tế phát triển ổn định. Chẳng hạn các xã: Phú Xuân, Phú Thịnh (huyện Tân Phú), Phú Túc, Phú Vinh (Định Quán), Xuân Định, Xuân Phú (Xuân Lộc), Long Thọ (Nhơn Trạch)... đều có phong trào xã hội hóa (XHH) mạnh. Điển hình là xã Phú Xuân. Trong nhiều năm trở lại đây, vùng đất này đã có những chuyển biến đáng kể, trong đó có XHH giao thông được đẩy nhanh. Chỉ tính từ đầu năm đến nay, đã có 2,5km đường bê-tông trong xã Phú Xuân được thực hiện. Gần đây, một số khu vực như ấp Ngọc Lâm 2 đã hoàn thành 900m đường, Ngọc Lâm 1: 570m và Thọ Lâm 3: 870m đều bằng bê tông. Theo Chủ tịch UBND xã Nguyễn Văn Danh, đến hết năm nay, một số tuyến đường trong khu dân cư sẽ tiếp tục được nâng cấp. Tổng kinh phí cho việc bê tông hóa đường giao thông ở Phú Xuân trong năm 2009 là 4,5 tỷ đồng, trong đó dân đóng góp 900 triệu đồng (20%). Ngoài ra, trạm y tế của xã Phú Xuân đã có bác sĩ; tỷ lệ tăng dân số còn 1,1%; số hộ sử dụng nước sạch đạt 88%; hộ sử dụng hố xí vệ sinh là 74,5%; trên địa bàn đã có đủ 3 cấp học, từ mẫu giáo đến THCS; có 87% số hộ đạt tiêu chuẩn gia đình văn hóa và 8/8 ấp đạt ấp văn hóa.  Tương tự, xã Phú Vinh hiện có trên 80% các tuyến đường liên ấp và khu dân cư được nhựa hóa; một số khu vực xa chưa có điện, gần đây cũng được nhân dân hưởng ứng đóng góp một phần vào chi phí lắp đặt đường điện. Xã Phú Túc có 92,37% hộ sử dụng nước sạch; hệ thống thủy lợi đã đáp ứng cơ bản cho sản xuất nông nghiệp; trên 85% dân số có việc làm ổn định; tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt khá; tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh. Hay như ở Xuân Định, một trong những xã đi đầu về phong trào XHH đường, điện, chợ ở Xuân Lộc thì đã "chuyển mình" thấy rõ.

 

* Tính khả thi của đề án...

 

Có thể nói, chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM là một trong những động lực thúc đẩy các địa phương tập trung đầu tư xây dựng địa bàn theo hướng phát triển bền vững.    

   

Đề cập về chương trình xây dựng NTM tại hai xã Phú Xuân và Phú Thịnh, Chủ tịch UBND huyện Tân Phú Nguyễn Hồng Minh cho rằng, tình hình chung của các xã nông nghiệp lâu nay là sản xuất tự phát và không tập trung. Cho nên, sản lượng làm ra không lớn, chất lượng sản phẩm không đảm bảo, đầu ra luôn bị tư thương o ép. Do không chủ động được sản xuất nên thường xuyên xảy ra tình trạng "chặt cũ, trồng mới". Hạn chế lớn này đã làm cho người nông dân cứ "tự bơi" một cách lẩn quẩn. Vì thế, đề án NTM sẽ tháo gỡ những tồn tại, vướng mắc đối với nông nghiệp - nông dân - nông thôn; đồng thời tạo nhiều điều kiện thuận lợi để nông dân có thể phát triển kinh tế, tiến tới làm giàu và là cơ hội rút ngắn khoảng cách giữa nông thôn và đô thị trong thời gian tới. Song, một trong những khó khăn hiện nay là nguồn vốn thực hiện đề án. Để phát triển nhanh, Phú Xuân phải cần trên 68 tỷ đồng; Phú Thịnh là hơn 26 tỷ đồng. Theo ông Minh, vấn đề xây dựng NTM được nhân dân đồng tình hưởng ứng và tích cực tham gia. Do đó, việc huy động người dân đóng góp XHH khoảng 2,5 tỷ đồng, sẽ thuận lợi. Phần còn lại (65 tỷ đồng), phải nhờ tỉnh hỗ trợ. Còn nói về hai xã thí điểm NTM trên địa bàn, Phó bí thư Huyện ủy Xuân Lộc Nguyễn Minh Nhật khẳng định: "Xuân Lộc có hai xã điểm NTM là Xuân Định và Xuân Phú. Đây là hai địa bàn vốn đã có nhiều tiềm năng trong phát triển kinh tế xã hội. Cho nên, quá trình thực hiện đề án NTM, hai địa phương này đã có nhiều đổi thay, nhất là về đời sống nhân dân. Từ những thuận lợi có sẵn, cả Xuân Định và Xuân Phú đều đã thực hiện được nhiều cái "hơn" có thể xác định được ngay, đó là: đường sá khang trang, sạch đẹp; sản xuất tập trung; nhận thức của nông dân chuyển biến theo hướng tích cực. Đây chính là cơ sở để có thể nhân rộng điển hình này trong thời gian tới".

* 5 nội dung cơ bản của mục tiêu đề án NTM: Đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nông thôn; phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn; hỗ trợ phát triển sản xuất và xây dựng các hình thức sản xuất có hiệu quả trong nông thôn; xây dựng đời sống văn hóa phong phú, lành mạnh ở nông thôn và bảo vệ, phát triển nâng cao chất lượng môi trường nông thôn.

 

* Mới đây, làm việc với các Bộ, ngành về việc triển khai xây dựng đề án "Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM giai đoạn 2010 - 2020 và tầm nhìn đến năm 2030", Phó thủ tướng Chính phủ Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh: Nếu không xây dựng NTM một cách căn cơ thì Việt Nam chưa thể trở thành một nước công nghiệp bền vững vào năm 2020.

Tạ Nguyên

 

 

 

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều