Báo Đồng Nai điện tử
En

Hiệu quả từ mô hình trồng mãng cầu ta

09:08, 27/08/2009

Những năm gần đây, nhiều hộ nông dân ở xã Phú Lộc, huyện Tân Phú có nguồn thu nhập cao nhờ một số mô hình sản xuất mới, nổi bật là mô hình thâm canh nâng cao năng suất, cải thiện chất lượng mãng cầu ta.

Những năm gần đây, nhiều hộ nông dân ở xã Phú Lộc, huyện Tân Phú có nguồn thu nhập cao nhờ một số mô hình sản xuất mới, nổi bật là mô hình thâm canh nâng cao năng suất, cải thiện chất lượng mãng cầu ta.

 

Cũng như nhiều hộ dân khác, trước đây anh Nguyễn Văn Kính ở ấp 1, xã Phú Lộc, chưa từng áp dụng kỹ thuật thâm canh nâng cao năng suất mà chỉ trồng mãng cầu ta (na) một cách tự nhiên và xem như một nguồn thu nhập phụ của gia đình. Thế nhưng, sau khi đi tham quan, học hỏi kinh nghiệm về thâm canh tăng vụ cây mãng cầu ta ở Tây Ninh trở về, anh đã thay đổi suy nghĩ, quyết tâm chuyển đổi vườn mãng cầu ta. Lúc đầu, gia đình anh cũng rất lo lắng vì kỹ thuật còn hạn chế, chưa kể đến yếu tố đất đai có phù hợp cho cây mãng cầu ta phát triển tốt hay không? 

 

Trồng mãng cầu ta theo mô hình thâm canh ở Tân Phú đạt hiệu quả cao.

 Tuy nhiên, nhờ mạnh dạn thực hiện mô hình sản xuất này đã giúp gia đình anh Kính tăng thêm nguồn thu nhập, cải thiện đáng kể kinh tế của gia đình. Sau gần hai năm, anh Kính trồng được 3 vụ và vụ thu hoạch nào cũng đều có lợi nhuận rất cao. Vụ vừa rồi, gia đình anh có gần 8 sào với 750 gốc mãng cầu ta đã thu hoạch được gần 4 tấn. Với giá bán 11.000 đồng/kg, trừ chi phí khoảng trên dưới 10 triệu đồng, gia đình anh còn lãi hơn 30 triệu đồng. Theo anh Kính, trồng và chăm sóc mãng cầu ta không quá khó, lại đầu tư ít. Ngoài các yêu cầu về kỹ thuật chăm sóc cây, cắt, tỉa cành yếu và bón phân, thì phải thường xuyên theo dõi tình hình dịch bệnh thường gặp như sâu đục quả (giai đoạn quả mới ra) để phun xịt thuốc kịp thời. Anh Kính nói: "Không phải lo đầu ra cho mãng cầu ta, bởi khi sắp thu hoạch thì đã có thương lái tìm đến hỏi mua và bỏ cọc rồi".

 

  Thấy diện tích đất nhà không phù hợp với cây quýt, gia đình ông Ngô Sương ở ấp 7, xã Phú Lộc, đã quyết định bỏ ra số tiền khoảng 30 triệu đồng mua giống, phân bón để chuyển gần 1,5 hécta quýt kém hiệu quả sang trồng mãng cầu ta. Tuy còn hạn chế về kỹ thuật, nhưng nhờ đất mới, thời tiết tương đối thuận lợi nên vườn mãng cầu hơn một năm tuổi của ông Sương đến nay phát triển rất tốt. Anh Võ Văn Hải, cán bộ phụ trách nông nghiệp, phó chủ nhiệm CLB mãng cầu ta xã Phú Lộc, cho biết một số mô hình thâm canh tăng năng suất, cải thiện chất lượng mãng cầu ta đã mang lại nguồn thu nhập khá ổn định cho bà con nông dân trong xã. Do vậy, vài năm gần đây, ngày càng có nhiều người dân chuyển hướng sang trồng mãng cầu ta có áp dụng khoa học kỹ thuật. Tuy nhiên, việc tiếp thu chuyển giao khoa học kỹ thuật canh tác của nông dân còn hạn chế, cộng với việc thiếu nước tưới nên hiệu quả mang lại chưa như mong muốn. Tới đây, UBND xã với sự giúp đỡ của Trạm khuyến nông huyện và Trung tâm giống cây trồng Miền Đông sẽ tiếp tục giúp đỡ nông dân tham gia vào CLB và tổ hợp tác mãng cầu ta, nhằm tạo thuận lợi trong việc chuyển giao khoa học kỹ thuật để sản xuất đạt kết quả tốt hơn.

Hồ Châu

 

Tin xem nhiều