Vụ lúa hè-thu năm nay ở Đồng Nai được mùa trúng giá nên đi đến đâu Người nông thôn (NNT) cũng thấy bà con nông dân vui vẻ. Trung bình sau khi thu hoạch 1 hécta lúa, nông dân lời từ 10-14 triệu đồng, song có nhiều hộ lại lời đến gần 20 triệu đồng/hécta.
Vụ lúa hè-thu năm nay ở Đồng Nai được mùa trúng giá nên đi đến đâu Người nông thôn (NNT) cũng thấy bà con nông dân vui vẻ. Trung bình sau khi thu hoạch 1 hécta lúa, nông dân lời từ 10-14 triệu đồng, song có nhiều hộ lại lời đến gần 20 triệu đồng/hécta. Theo cán bộ phụ trách nông nghiệp các địa phương, hộ có thu nhập cao hơn trên cùng một diện tích, cơ bản là do giống mới năng suất cao; đồng thời nhiều người biết áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất nên năng suất tăng cao, và giảm được chi phí đầu vào.
Nhiều năm nay, nông dân trong tỉnh đã quen với cụm từ trồng lúa theo phương pháp "3 giảm, 3 tăng", thế nhưng thực tế nông dân làm theo đúng quy trình này không nhiều. Vì vậy, năng suất lúa của các hộ thường không đồng đều và đương nhiên thu nhập chênh nhau khá lớn. Một cán bộ nông nghiệp nhiều năm gắn bó với nghề tâm sự với NNT: Nơi nào địa phương quan tâm đến nông nghiệp, tích cực vận động nông dân đưa giống mới cho năng suất, chất lượng cao vào canh tác và áp dụng quy trình "3 giảm, 3 tăng" thì nơi đó đạt hiệu quả hơn hẳn. Kinh nghiệm của nhiều nông dân làm theo mô hình này, sẽ giảm được 1/3 chi phí đầu vào. Cụ thể giảm giống, phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật; trong khi năng suất, chất lượng của hạt lúa tăng. Do đó, lợi nhuận của những hộ sản xuất lúa theo phương pháp truyền thống và các hộ áp dụng quy trình "3 giảm, 3 tăng" chênh nhau đến 6-7 triệu đồng/hécta.
Những năm gần đây, mỗi năm Đồng Nai gieo trồng trên 70 ngàn hécta lúa, nếu các địa phương tăng cường công tác vận động nông dân áp dụng kỹ thuật vào sản xuất thì hàng năm thu nhập của bà con sẽ tăng thêm hàng chục tỷ đồng. Ngoài lợi nhuận tăng cao, chất lượng nông sản cũng đảm bảo, như vậy nông dân trồng lúa sẽ không còn phải lo đến đầu ra đối với thị trường ngày càng khó tính.
NNT