Báo Đồng Nai điện tử
En

Túc Trưng: Chuyển đổi cơ cấu cây trồng còn nhiều khó khăn

08:07, 15/07/2009

Là xã thuần nông của huyện Định Quán, trong những năm qua, Túc Trưng đã tạo mọi điều kiện giúp nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng để đem lại hiệu quả kinh tế cao. Điển hình là tại 2 ấp 94 và Suối Dzui, chiếm trên 60% diện tích đất nông nghiệp của xã. Tuy vậy, người dân vẫn còn nhiều khó khăn...

Là xã thuần nông của huyện Định Quán, trong những năm qua, Túc Trưng đã tạo mọi điều kiện giúp nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng để đem lại hiệu quả kinh tế cao. Điển hình là tại 2 ấp 94 và Suối Dzui, chiếm trên 60% diện tích đất nông nghiệp của xã. Tuy vậy, người dân vẫn còn nhiều khó khăn...

 

Nhiều hộ chuyển sang trồng cây ăn trái vẫn còn gặp khó khăn vì thiếu điện, thiếu nước tưới.

Gia đình anh Nguyễn Thành Long, ngụ tại ấp Suối Dzui, xã Túc Trưng, huyện Định Quán có hơn 2 hécta giống mít Viên Linh đang trong giai đoạn bói trái. Vườn mít xanh mướt của anh với những trái ngon đầu mùa, đang có giá ở mức khá cao từ 7 đến 8 ngàn đồng/kg. Cách đây 2 năm, diện tích này còn là vườn điều chỉ cho thu hoạch chưa tới 1 tấn/hécta. Do vườn điều già cỗi, năng suất thấp và giá hạt cũng bấp bênh, khiến cho thu nhập hàng năm của gia đình anh thấp kém. Nghe theo sự hướng dẫn của chính quyền địa phương, cùng với sự tìm tòi, học hỏi từ các mô hình sản xuất hiệu quả khác, anh đã mạnh dạn chặt bỏ cây điều, thay vào 600 gốc mít Viên Linh, đồng thời khoan giếng và đầu tư thêm hệ thống máy bơm với tổng chi phí hơn 70 triệu đồng. Đến nay, vườn mít của anh Long đã bắt đầu cho thu hoạch và dự tính ở mức thấp nhất, anh có thể thu vào trên 40 triệu đồng. Mặc dù, đã tìm ra hướng đi đúng trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nhưng khó khăn mà anh đang gặp phải hiện nay là vẫn chưa có hệ thống đường điện hạ thế để phục vụ sản xuất nông nghiệp. Hàng năm, anh vẫn phải sử dụng máy dầu để tưới với chi phí 20 triệu đồng/năm. Số tiền này sẽ giảm xuống còn khoảng 10 triệu đồng/năm nếu như có điện.

 

Tương tự như nhà anh Long, gia đình anh Phùng A Phúc, ngụ cùng ấp, sau nhiều năm thất thu từ cây cà phê và cây điều, anh đã xuống giống 300 gốc xoài Đài Loan. Sau hơn 2 năm trồng, vườn xoài nhà anh đã cho thu hoạch, giá xoài cũng ở mức khá cao từ 10 đến 15 ngàn/kg nên hàng năm đã đem về cho gia đình anh một khoản thu nhập khá lớn. Thấy xoài Đài Loan đạt hiệu quả kinh tế cao, anh đã xuống giống thêm 400 gốc nữa. Tuy nhiên, anh cho biết: "Hàng năm, tôi tốn hàng trăm lít dầu để chạy máy tưới, điều đó đã gây tốn kém rất nhiều về tiền của và công sức. Ngoài ra, còn gặp nhiều khó khăn về nguồn nước và vốn đầu tư cho cây trồng".

 

Theo thống kê, xã Túc Trưng có trên 5.000 hécta đất nông nghiệp thì 2 ấp 94 và Suối Dzui đã chiếm 3.200 hécta với  trên 700 hộ sinh sống. Trong những năm gần đây, địa phương vận động bà con nông dân chuyển đổi sang trồng các loại cây công nghiệp lâu năm, cây ăn trái có giá trị kinh tế cao như: cao su, xoài, quýt, mít... Bà Nguyễn Thị Mỹ Dung, Chủ tịch UBND xã Túc Trưng, cho biết: "Khó khăn lớn nhất ở địa phương là đến nay ở ấp 94 và Suối Dzui vẫn chưa có điện; nước tưới cũng hạn chế và vốn còn thiếu... Điều này ảnh hưởng đến phát triển sản xuất nông nghiệp và giảm thu nhập của nông dân".

 

Văn Tuấn - Tuyết Mai

 

Tin xem nhiều