Báo Đồng Nai điện tử
En

Trái cây nội "vất vả" cạnh tranh với trái cây ngoại

10:07, 06/07/2009

Được tiếng là vùng đất lành với nhiều loại trái cây đặc sản như sầu riêng, chôm chôm, xoài, quýt... song, những năm gần đây, khi nhiều chủng loại trái cây ngoại nhập về với lượng dồi dào quanh năm suốt tháng, nhiều loại trái cây Đồng Nai (và cả nước nói chung) đang "vất vả" cạnh tranh với trái cây ngoại cả về chất lượng lẫn giá cả.

Được tiếng là vùng đất lành với nhiều loại trái cây đặc sản như sầu riêng, chôm chôm, xoài, quýt... song, những năm gần đây, khi nhiều chủng loại trái cây ngoại nhập về với lượng dồi dào quanh năm suốt tháng, nhiều loại trái cây Đồng Nai (và cả nước nói chung) đang "vất vả" cạnh tranh với trái cây ngoại cả về chất lượng lẫn giá cả.

 

* Trái cây ngoại ngày càng "lấn sân"

 

Khảo sát tại nhiều cửa hàng trái cây  cho thấy, tại thời điểm này trái cây trong nước chiếm từ 50 - 60% tổng lượng trái cây tại các sạp. Tuy nhiên, vào các thời điểm khác trong năm, trái cây trong nước thường ít hơn nhiều. Chị Thu, chủ một sạp trái cây lâu năm tại chợ Tân Hiệp, khẳng định: "Vào mùa hè, trái cây trong nước chiếm số lượng nhiều hơn là vì đang là thời điểm "rộ" mùa của nhiều loại trái, như: nhãn xuồng, măng cụt, vải, sầu riêng, chôm chôm... Song ở vào các thời điểm khác, trái cây nội chỉ chiếm khoảng 30% tổng lượng trái cây mà tôi bán hàng ngày". Chị Thảo, chủ một vựa trái cây trên đường Phạm Văn Thuận, cũng nhận xét: "Không thể nói trái cây trong nước không ngon, tuy nhiên, về màu sắc và chất lượng, trái cây Việt vẫn chưa đồng đều, khó cạnh tranh với hàng ngoại, đặc biệt là chưa có nhiều loại trái cây có thể trồng quanh năm hoặc trái vụ. Trong khi trái cây ngoại luôn được cung cấp ổn định suốt năm. Mặt khác, trái cây ngoại ngày càng đa dạng về chủng loại, từ cao cấp như nho Mỹ, kiwi Úc, táo Nhật, táo New Zealand, cam Mỹ đến các loại trái thông dụng hơn như ổi không hạt Thái Lan, xoài Thái, me Thái, lê và quýt  Trung Quốc...".

 

Khách hàng chọn mua nho Mỹ tại một cửa hàng trái cây.

Bà Nguyễn Thị Hồng Khanh, Giám đốc siêu thị CoopMart Biên Hòa, cho biết doanh thu từ trái cây ngoại nhập chiếm khoảng 35% trên tổng lượng trái cây đang bày bán tại siêu thị. Các loại trái cây ngoại chủ yếu nhập từ Mỹ, Nhật, Úc, Chile, Trung Quốc, Hàn Quốc... Ưu thế của trái cây ngoại hình thức đẹp, chất lượng đồng đều... So với trái cây nội địa, hàng  nhập nhìn bắt mắt, sang trọng hơn nên dù giá bán cao hơn trái cây nội khoảng 30% nhưng người tiêu dùng vẫn chấp nhận, nhất là đối với khách hàng mua làm quà biếu. Ông Nguyễn Xuân Hải, Phó tổng giám đốc hệ thống siêu thị Big C, nói: Trái cây ngoại nhập hiện đang chiếm khoảng 45% doanh thu bán trái cây tại hệ thống siêu thị Big C, chủ yếu là những loại trái cây lạ không có ở Việt Nam như kiwi Úc, táo, nho Mỹ... nên ít chịu áp lực cạnh tranh với sản phẩm cùng loại trái cây nội địa. Trái cây trong nước chủ yếu cung cấp dồn dập theo từng mùa, ngược lại hàng ngoại được bày bán quanh năm nên chiếm doanh thu khá cao trong mặt bằng chung.

 

Hiện tại, trái cây ngoại xuất hiện khắp các chợ, từ chợ tự phát đến chợ trung tâm với nhiều chủng loại và giá cả khác nhau. Đặc biệt, các loại táo, lê, quýt, cam... có xuất xứ từ Trung Quốc vì giá cả phải chăng và hình thức đẹp, dù xung quanh những loại trái cây này còn ẩn chứa nhiều thông tin chưa rõ ràng về chất bảo quản.

 

* Cẩn thận với loại trái cây "đội lốt"

 

Với những loại trái cây ngoại đang bán trên thị trường, có thể "phân" thành 2 loại: trái cây ngoại cao cấp xuất xứ từ Mỹ và các nước châu Âu thường có giá khá cao: từ 50.000 - 60.000 đồng/kg đối với cam Mỹ, táo Mỹ và táo New Zealand; 90.000 - 100.000 đồng/kg đối với nho Mỹ; 70.000 - 80.000 đồng/kg đối với kiwi và mận Úc... Còn trái cây nhập từ các nước khu vực châu Á như lê Hàn Quốc, mận Ấn Độ, quýt Thái Lan, bòn bon và măng cụt Thái Lan... có giá từ 30.000 - 45.000 đồng/kg tùy thời điểm. Ngoài ra, trái cây ngoại nhập còn một dạng rất bình dân là các loại quýt Trung Quốc, mận Trung Quốc... bán đầy đường vào những dịp rộ mùa.

Trái cây Đồng Nai khó tiếp cận trực tiếp siêu thị

 

Một thực tế là cho dù Đồng Nai nổi tiếng với nhiều loại trái cây và có nhiều nhà vườn có khả năng cung cấp trái cây với số lượng lớn, song hiện tại, nghịch lý vẫn đang "treo lơ lửng" khi hầu như chưa nhà vườn nào trực tiếp tiếp cận được với siêu thị và các trung tâm thương mại lớn -  những nơi được xem là đầu mối tiêu thụ trái cây ổn định và an toàn nhất hiện nay. Chủ yếu các nhà vườn vẫn đang bán hàng qua các kênh thu mua của tư nhân. Ông Nguyễn Xuân Hải, Phó tổng giám đốc hệ thống siêu thị Big C, cho biết chỉ trong 2 ngày cuối tuần, hệ thống Big C tiêu thụ được khoảng 50 tấn trái cây các loại. Chính vì vậy, các nhà vườn nên nghiên cứu để có cách tiếp cận với siêu thị và tiêu thụ hàng hóa một cách ổn định. Những loại trái cây của Đồng Nai như xoài, sầu riêng, chôm chôm, quýt... đều có chất lượng ngon, diện tích trồng lớn và đủ điều kiện vào các kênh phân phối qua hệ thống tiêu thụ của Big C. Mỗi loại trái cây tiêu thụ tại Big C đều có phiếu kỹ thuật đánh giá về màu sắc, hình thức nhằm quản lý được chất lượng sản phẩm trong suốt quá trình thu mua, tiêu thụ. Ông Hải nói thêm, khâu đóng gói sản phẩm hiện cũng không có yêu cầu kỹ thuật cao, cần nhất là giữ được độ tươi ngon cho sản phẩm và đảm bảo sự đồng đều. Hiện tại, siêu thị không thể trực tiếp thu mua hàng từ nông dân, do vậy cần đến vai trò của một tổ chức trung gian nào đó có tính khách quan và có lợi cho nông dân, chẳng hạn như hợp tác xã, và nếu tổ chức tốt, đây có thể sẽ là đơn vị đại diện cho nông dân ký kết hợp đồng với siêu thị, đồng thời điều phối vấn đề thu hoạch sao cho hợp lý, đảm bảo về số lượng và chất lượng trái cây cung cấp cho siêu thị. Qua đó, trái cây nội cũng tăng được sức cạnh tranh cùng trái cây ngoại nhập.

                                    Gia Hân

Trái cây Đồng Nai vào siêu thị bằng đường đi "ngắn" hơn nếu tổ chức tốt kênh thu mua và phân phối.

 

 

Chị Thanh Thủy, chủ một vựa trái cây trên đường Nguyễn Ái Quốc, cho biết: "Trái cây ngoại luôn có giá cao hơn trái cây cùng loại trồng trong nước khoảng 30 - 40%. Chẳng hạn, cam Mỹ luôn đắt gần gấp đôi các loại cam trong nước nên nhiều người bán hiện nay đã "nhập nhèm" xuất xứ của trái cây, đánh lừa người tiêu dùng để bán hàng với giá cao hơn". Chị Thu, chủ sạp hàng trái cây ở chợ Tân Hiệp, cũng nhận định: "Trái cây giống ngoại nhưng trồng trong nước và trái cây ngoại nhập là khác nhau. Trái cây ngoại nhập từ các nước Mỹ và châu Âu thường qua quá trình kiểm định kỹ càng và có dán tem hẳn hoi nên giá đắt hơn. Chính vì vậy, nhiều người bán đang lợi dụng tâm lý khách hàng để thu lợi bằng cách nói sai xuất xứ trái cây".

 

Theo chị Thu,  giống mận Thái Lan trồng trong nước hay bị "tuyên bố" thành mận Ấn Độ, cam Vinh trồng ở Nghệ An bị "phù phép" thành cam Mỹ, nho Trung Quốc bị "đổi" thành nho Mỹ, bòn bon và măng cụt Lái Thiêu "biến" thành xuất xứ Thái Lan... Với cách làm này, nhiều người bán trái cây thu lợi cao từ chênh lệch giá. Chị Thu tư vấn, người tiêu dùng cần cẩn trọng hơn để tránh bị mua lầm bằng cách xem xét tem dán trên các loại trái nhờ một vài đặc điểm nhận dạng, như: cam Vinh thường kèm theo lá xanh, màu vàng nhạt hơn và trái bóng hơn cam Mỹ; nho Trung Quốc trái mềm và vị hơi chua, trong khi nho Mỹ trái cứng và vị ngọt lịm... Bà Hồng Khanh, Giám đốc siêu thị CoopMart Biên Hòa, nói: "Người tiêu dùng có thể an tâm mua trái cây ngoại nhập từ siêu thị vì ở đây trái cây có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng và được kiểm tra thường xuyên. Với trái cây ngoại nhập, khi mua nên chọn các loại được giữ lạnh và có tem dán trên từng trái hoặc từng chùm trái".

Vi Lâm

 

 

 

Tin xem nhiều