Vào lúc này, về những vùng trồng rau lớn ở huyện Xuân Lộc, TX.Long Khánh..., Người nông thôn (NNT) tui thấy bà con nông dân ai cũng rầu rĩ vì giá rau ăn lá, ăn quả xuống quá thấp, chỉ còn 1.000 - 1.500 đồng/kg.
Vào lúc này, về những vùng trồng rau lớn ở huyện Xuân Lộc, TX.Long Khánh..., Người nông thôn (NNT) tui thấy bà con nông dân ai cũng rầu rĩ vì giá rau ăn lá, ăn quả xuống quá thấp, chỉ còn 1.000 - 1.500 đồng/kg. Sau khi thu hoạch, trừ chi phí, bà con lỗ 2-4 triệu đồng/sào. Nhiều nông dân đã giảm đầu tư cho cây rau để bớt chi phí đầu vào. Cách làm đối phó như vậy lại rơi vào cái vòng lẩn quẩn, vì mùa này thường xuyên có mưa, độ ẩm cao nên sâu bệnh dễ phát triển nhanh, nếu không được chăm sóc đầy đủ thì năng suất cây rau sẽ giảm, khiến người trồng rau càng thêm khó khăn. Nhiều bà con than, chưa năm nào giá rau lại bết như năm nay. Từ đầu năm đến nay chỉ được 2-3 đợt giá rau lên 3-4 ngàn đồng/kg, còn lại luôn ở dưới giá thành sản xuất. Thời gian tăng giá cũng chỉ khoảng hơn 1 tuần/đợt, người trồng rau không kịp gỡ vốn.
Một điều đáng nói là giá rau bán tại vườn rẻ gần như cho, nhưng tại các chợ người tiêu dùng vẫn phải mua với giá 6-10 ngàn đồng/kg. NNT tui bèn hỏi bà con nông dân:
- Giá rau tại các chợ vẫn rất cao, sao bán tại vườn lại thấp vậy?
- Dịp này rau từ miền Tây, Lâm Đồng về nhiều nên rau trồng ở Đồng Nai bị dội hàng, các đại lý chỉ mua vào với giá đó. Rau ăn lá, ăn quả đến thời điểm thu hoạch dù rẻ mấy cũng phải bán vì chỉ quá 1, 2 ngày rau sẽ già.
- Vậy chỉ có người tiêu dùng và người trồng rau là chịu thiệt?
- Cũng không hẳn, những đại lý chuyên mua rau cũng khổ lây. Do họ bỏ tiền ra đầu tư cho nông dân trồng rau, giờ rau rẻ nông dân hụt vốn không có tiền trả thành ra họ cũng mang nợ. Thực tế, chỉ những đại lý bán lẻ đến tay người tiêu dùng là lời nhiều. Họ mua rau giá sỉ tại các mối hàng với giá rất rẻ nhưng khi bán ra không chịu giảm giá.
Đồng Nai hiện có gần 4 ngàn hécta đất chuyên sản xuất rau ăn lá, ăn quả tập trung ở huyện Xuân Lộc, Tân Phú, Định Quán. Theo các kỹ sư nông nghiệp, muốn đối phó với tình trạng giá rau xuống thấp như hiện nay, nông dân chỉ còn cách áp dụng khoa học kỹ thuật, giảm đầu tư, nâng cao năng suất để tăng thu nhập. Cụ thể với cây rau bà con canh tác theo hướng IPM sẽ giảm chi phí trên 1 triệu đồng/sào, đồng thời tăng cường dùng phân hữu cơ, giảm phân hóa học. Với cách làm này, bà con giảm được gần một nửa chi phí so với kiểu sản xuất truyền thống.
NNT