Báo Đồng Nai điện tử
En

Mô hình an toàn dịch bệnh: Hướng phát triển bền vững cho ngành chăn nuôi Đồng Nai

11:07, 18/07/2009

Vừa qua, 20 cơ sở chăn nuôi đầu tiên của Đồng Nai được Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn cấp giấy chứng nhận an toàn dịch bệnh (ATDB). Đây là "giấy thông hành" cho các cơ sở chăn nuôi mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm.

Vừa qua, 20 cơ sở chăn nuôi đầu tiên của Đồng Nai được Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn cấp giấy chứng nhận an toàn dịch bệnh (ATDB). Đây là "giấy thông hành" cho các cơ sở chăn nuôi mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm.

 

Cơ sở nuôi gà của ông Tiến ở xã Cây Gáo (huyện Trảng Bom) được công nhận ATDB.

* Lợi cho đầu ra

 

Đồng Nai là tỉnh có tổng đàn gia súc, gia cầm rất lớn, với khoảng 7 triệu con, trong đó nuôi theo hình thức trang trại chiếm 60%. Do vậy, việc xây dựng mô hình ATDB có thuận lợi hơn, vì một số quy định trong chăn nuôi như tiêm phòng, vệ sinh chuồng trại... đã được các chủ trang trại thực hiện. Ông Trần Bá Tiến, ấp Tân Lập 2, xã Cây Gáo (huyện Trảng Bom) cho hay: "Trang trại của tôi nuôi trên 100 ngàn gà đẻ trứng, gà thịt nên tôi thực hiện tiêm phòng các bệnh bắt buộc. Ngoài ra, các yêu cầu khác như: con giống, thức ăn chăn nuôi, dụng cụ chăn nuôi, vệ sinh chuồng trại đều được tôi quản lý rất kỹ theo đúng quy định về vệ sinh thú y. Nhiều năm nay, trang trại của tôi chưa xảy ra dịch bệnh". Ông Tiến cũng cho biết, đầu năm 2009, Chi cục thú y tỉnh có vận động thực hiện mô hình ATDB và ông đã đăng ký thực hiện. Thực tế, theo các quy định để được cấp giấy chứng nhận ATDB thì ông đều đã làm nên không hầu như gặp khó khăn gì. Hiện sản phẩm của trang trại ông Tiến được Công ty CP bao tiêu, không phải lo lắng tìm thị trường tiêu thụ. Bà Lê Thị Ánh, chủ trang trại gà đẻ ở ấp Tân Lập 1, xã Cây Gáo (huyện Trảng Bom) kể: "Gia đình tôi nuôi gà đẻ trứng gia công cho Công ty CP,  yêu cầu về ATDB khá nghiêm ngặt. Có được giấy chứng nhận này sẽ giúp phía đối tác yên tâm hơn với sản phẩm của chúng tôi. Điều này đồng nghĩa với việc sản phẩm của chúng tôi luôn có đầu ra ổn định và đương nhiên lợi nhuận sẽ cao hơn".

 

Anh Phong,  cán bộ của Trạm thú y Trảng Bom, cho biết: "Đợt đầu tiên này toàn tỉnh có 20 cơ sở được cấp chứng nhận ATDB, thì ở Trảng Bom chiếm đến 15 cơ sở. Đây như là tấm vé thông hành giúp sản phẩm chăn nuôi của các trang trại có đầu ra ổn định, đủ sức cạnh tranh trên thị trường".

 

* Sẽ nhân rộng mô hình

 

Đồng Nai hiện có hàng ngàn trang trại chăn nuôi. 6 tháng đầu năm 2009, tuy có gặp khó khăn về tiêu thụ nhưng vẫn đạt doanh thu 950 tỷ đồng, tăng gần 7% so với cùng kỳ năm 2008. Ngành chăn nuôi đang chiếm một vị thế rất quan trọng trong sản xuất nông nghiệp ở Đồng Nai nói riêng và miền Đông Nam bộ nói chung. Ông Hoàng Sơn Hải, Chi cục trưởng Chi cục thú y tỉnh, nói: "Để chăn nuôi phát triển bền vững, người dân phải hướng đến chăn nuôi tập trung theo mô hình ATDB. Các cơ sở được cấp giấy chứng nhận vừa qua chủ yếu là trang trại nuôi gà đẻ trứng. Tới đây, chi cục sẽ tiến hành nhân rộng mô hình này ra các trang trại nuôi gà thịt, heo, bò... Đối với các trang trại, những điều kiện về thú y đa số được thực hiện rất tốt, việc nhân rộng mô hình ATDB sẽ không gặp trở ngại gì. Chi cục dự kiến thời gian tới sẽ hướng dẫn, hỗ trợ  trên 100 trang trại đăng ký cơ sở ATDB".

Thủ tục đăng ký còn rườm rà

Theo Chi cục thú y Đồng Nai hiện nay, thủ tục đăng ký và công nhận vùng, cơ sở ATDB còn quá rườm rà. Một cơ sở đã đủ các điều kiện để cấp chứng nhận, song thời gian làm hồ sơ chờ xét duyệt, thẩm định và ra quyết định công nhận mất gần 4 tháng. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến việc khuyến khích các trang trại đăng ký thực hiện cơ sở ATDB.

 

Theo bà Trần Thị Liên, chủ trang trại gà xã Cây Gáo (huyện Trảng Bom), việc  làm theo các quy trình về ATDB, ngoài giúp các trang trại thuận lợi đầu ra còn giúp họ yên tâm trong quá trình sản xuất. Vì được tiêm phòng đầy đủ các bệnh bắt buộc, tiến hành kiểm tra huyết thanh và vệ sinh sát trùng chuồng trại sạch sẽ... thì nguy cơ dịch bệnh khó có thể xảy ra.

 

Thực tế, gần 3 năm nay, Đồng Nai không xảy ra dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm là do người chăn nuôi đã ý thức được việc chăm sóc và phòng bệnh cho vật nuôi. Song, tình hình của bệnh cúm gia cầm, dịch heo tai xanh, lở mồm long móng vẫn diễn biến khá phức tạp và muốn đối phó các dịch bệnh này người chăn nuôi chỉ có lựa chọn duy nhất là xây dựng những vùng, cơ sở ATDB.

 

Hương Giang

 

 

 

Tin xem nhiều