Báo Đồng Nai điện tử
En

Huyện Định Quán: Bệnh đạo ôn gây hại trên lúa hè - thu

11:07, 03/07/2009

Vụ hè - thu năm 2009, nông dân huyện Định Quán gieo trồng được 4.700 hécta lúa. Hiện nay, lúa đang trong giai đoạn trổ đòng, nhưng do thời tiết diễn biến phức tạp, nhiều diện tích lúa bị sâu bệnh phá hoại. Trong đó đáng lo ngại là bệnh đạo ôn đang có chiều hướng phát triển mạnh và lây lan ra diện rộng.

Vụ hè - thu năm 2009, nông dân huyện Định Quán gieo trồng được 4.700 hécta lúa. Hiện nay, lúa đang trong giai đoạn  trổ đòng, nhưng do thời tiết diễn biến phức tạp, nhiều diện tích lúa bị sâu bệnh phá hoại. Trong đó đáng lo ngại là bệnh đạo ôn đang có chiều hướng phát triển mạnh và lây lan ra diện rộng.

 

Gia đình ông Nguyễn Văn Thêm tại ấp 2, xã Phú Hòa, có 3 sào lúa đang trong giai đoạn trổ bông. Vụ hè - thu này do thiếu nguồn nước và thời tiết biến đổi thất thường nên ruộng lúa nhà ông đang gánh chịu bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá và bị nhiễm phèn. Sau một thời gian phòng trị dứt điểm các bệnh này, thấy có mưa, ông đã tăng cường bón phân đạm để cây lúa được phát triển bình thường trở lại. Nhưng không ngờ, trên ruộng lúa này lại bị vàng lá và xuất hiện những đốm vằn. Đó chính là dấu hiệu lúa đã bị bệnh đạo ôn. Ông cho biết: "Dù đã phun xịt đủ loại thuốc, nhưng trị được bệnh thì lúa cứ trổ lưa thưa. Năm nay, ước tính ruộng lúa nhà tôi phải thất thu khoảng 50% so với vụ hè - thu năm rồi".

 

Nhiều hộ nông dân tại Phú Hòa cũng đang đứng trước tình trạng: lúa thu vào không đủ tiền đầu tư. Bà Trần Thị Nữ có 2 sào lúa tại cánh đồng Cao Cang, tuy thường xuyên thăm đồng và phát hiện ra bệnh đạo ôn ngay từ lúc lúa mới chớm bệnh nhưng cũng đành... bó tay! Bà Nữ cho biết, hễ nghe ai mách bảo thuốc gì phòng trừ bệnh này đều mua về phun xịt, song cũng không ngăn chặn được bệnh mà ngược lại còn lây lan ra nhiều diện tích khác. Bà cho biết: "Giá cả đầu tư tăng cao. Cây lúa lại bị bệnh đạo ôn hoành hành, nếu có thu hoạch lúa chắc cũng không đủ để trả tiền phân, tiền thuốc".

 

Hiện nay, bệnh đạo ôn (nông dân thường gọi là bệnh cháy lá) là bệnh gây hại nhiều nhất trên cây lúa hè - thu tại Định Quán. Nấm gây bệnh phát triển tốt trong điều kiện thời tiết mát và dễ phát sinh thành dịch. Bệnh xuất hiện trên lá, đốt thân của cây, cổ bông hoặc những phần khác trên bông, đôi khi cả trên hạt. Dấu hiệu nhận biết ban đầu là những đốm nhỏ li ti trên mặt lá, sau đó là những đốm nâu hình thoi... Theo số liệu của Trạm bảo vệ thực vật liên huyện Định Quán - Tân Phú, hiện nay trên địa bàn huyện Định Quán đã có 250 hécta lúa bị nhiễm bệnh đạo ôn, với tỷ lệ từ 15 đến 25%. Các xã có diện tích nhiễm bệnh nhiều là Thanh Sơn, Gia Canh và Phú Hòa. Trước tình hình bệnh đạo ôn đang phát triển và còn có dấu hiệu lây lan ra nhiều diện tích khác, trạm bảo vệ thực vật liên huyện đã cùng với các chính quyền địa phương tổ chức nhiều lớp tập huấn hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh trên cây lúa và khuyến cáo nông dân cần thăm đồng thường xuyên để sớm phát hiện và chủ động phòng trừ.

 

Ông Nguyễn Quý Thắng, Trưởng trạm bảo vệ thực vật Định Quán - Tân Phú, cho biết: "Nếu thấy xuất hiện bệnh đạo ôn thì bà con ngưng bón phân đạm, kali và lân; tập trung vào phun thuốc để diệt bệnh với một số thuốc nên dùng là Fuji-one hoặc Beam, Flash. Đó là một số thuốc trừ bệnh đạo ôn hiệu quả mà trạm khuyến cáo để cho nông dân phun xịt trên đồng. Sau khi phun xịt thì bà con kiểm tra lại nếu hết bệnh thì bón phân cho cây lúa để cây lúa hồi phục. Tuy nhiên, nông dân cũng cần lưu ý là trong quá trình phun xịt thì sẽ gặp một số trường hợp như: ruộng càng khô thì bệnh càng nặng hơn và nếu bệnh nặng hơn mà bà con không phun xịt kịp thời thì sẽ giảm năng suất của cây lúa".

Ngọc Điểm – Tiết Mai

 

Tin xem nhiều