Báo Đồng Nai điện tử
En

Cây mía Vĩnh Cửu và Trảng Bom tìm được đầu ra

10:06, 24/06/2009

Cách đây 2 năm, nông dân trồng mía ở huyện Vĩnh Cửu và Trảng Bom luôn gặp khó khăn vì đầu ra không ổn định. Mỗi vụ mía nông dân chỉ lời khoảng 4-5 triệu đồng/hécta. Tuy nhiên hiện nay, đầu ra của cây mía đã được bao tiêu và vụ mía vừa qua có hộ lời 20 triệu đồng/hécta.

Cách đây 2 năm, nông dân trồng mía ở huyện Vĩnh Cửu và Trảng Bom luôn gặp khó khăn vì đầu ra không ổn định. Mỗi vụ mía nông dân chỉ lời khoảng 4-5 triệu đồng/hécta. Tuy nhiên hiện nay, đầu ra của cây mía đã được bao tiêu và vụ mía vừa qua có hộ lời 20 triệu đồng/hécta.

 

* Cây mía tìm được chỗ đứng

 

Hai năm trước, người trồng mía ở huyện Vĩnh Cửu và Trảng Bom luôn lo lắng đầu ra của cây mía, trung bình mỗi năm họ chỉ lời 4 - 5 triệu đồng/hécta, thậm chí có năm năng suất mía giảm nông dân chỉ huề vốn. Nhiều hộ chuyển qua trồng cây khác nhưng lợi nhuận thu được cũng chẳng hơn cây mía. Từ năm 2007, sau khi Công ty CP đường Biên Hòa mua lại Nhà máy đường Trị An và khôi phục lại sản xuất thì cây mía ở 2 địa phương này đã tìm được đầu ra ổn định. Nhiều hộ đã mạnh dạn thuê vài chục hécta trồng mía, mỗi năm thu lời cả tỷ đồng. Anh Trần Văn Nhân, ấp Hưng Bình xã Hưng Thịnh (Trảng Bom), cho biết: "Gia đình tôi có hơn 10 hécta đất chuyên trồng mía từ vài chục năm nay, trước đây vụ nào được mùa trúng giá cũng chỉ lời khoảng 40 triệu đồng. Kể từ năm 2007, khi biết Nhà máy đường Biên Hòa - Trị An bao tiêu đầu ra, tôi đã hợp đồng cung cấp mía lâu dài cho nhà máy. Do được nhà máy hỗ trợ vốn, tôi đã mạnh dạn mua một số máy móc để cơ giới hóa, giảm bớt công lao động. Vụ mía cuối năm 2007, tôi thu lời trên 100 triệu đồng, tăng gấp hơn 2 lần trước đây. Sau đó, tôi đã thuê thêm hơn 40 hécta đất đưa giống mía mới K88-65 vào trồng. Do chăm sóc đúng kỹ thuật nên vụ mía vừa qua năng suất bình quân đạt 115 tấn/hécta, trừ chi phí tôi còn lời gần 1 tỷ đồng". Anh Đỗ Ngọc Hải, ấp Hưng Bình, xã Hưng Thịnh (Trảng Bom), kể: "Thấy anh Nhân trồng mía thu nhập ổn định, năm 2008, tôi cũng hợp đồng trồng 5 hécta để cung cấp mía cho nhà máy. Vì được nhà máy hỗ trợ vốn sản xuất với lãi suất thấp nên tôi yên tâm mua máy cày, máy xới và đầu tư cho cây mía, nhờ vậy năng suất đạt 125 tấn/hécta. Tôi lời gần 100 triệu đồng". Ông Thiều Quang Minh ở xã Bình Lợi (Vĩnh Cửu) cho hay: "Trước đây, tôi trồng mía không dám đầu tư nhiều vì sợ giá mía thấp không đủ chi phí, nhưng từ khi đầu ra được bảo đảm thì tôi và nhiều bà con trồng mía trong xã đã yên tâm đầu tư vì vậy, cây mía cho năng suất 80 tấn/hécta và lợi nhuận cũng tăng gấp 2 lần".

 

Anh Nhân bên ruộng mía giống mới K88-65.

Ông Nguyễn Phan Biên, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Vĩnh Cửu, cho hay: "Trước đây, nông dân trồng mía ở Vĩnh Cửu luôn gặp khó khăn vì đầu ra không ổn định, nhiều nông dân đã phải chuyển qua trồng mì nhưng thu nhập rất thấp. Từ năm 2008 đến nay, khoảng 400 hécta mía trong huyện được Nhà máy đường Biên Hòa - Trị An bao tiêu sản phẩm nên đời sống của nông dân trồng mía cũng ổn định hơn. Tuy lợi nhuận cây mía đem lại chưa cao nhưng đảm bảo đầu ra, do vậy huyện đang vận động nông dân chuyển những cây trồng kém hiệu quả sang trồng mía".

 

* Khi nông dân và doanh nghiệp liên kết

 

Hiện nay, khó khăn nhất của nông dân trong tỉnh vẫn là đầu ra của nông sản, đa số sản phẩm làm ra hay gặp cảnh được mùa rớt giá, khiến đời sống của nhiều nông dân rất chật vật. Cây mía cũng là một trong những cây trồng trong thời gian qua chịu khá nhiều chìm nổi, do đó tìm được đầu ra ổn định là mơ ước của nhiều nông dân trồng mía. Ông Nguyễn Văn Lộc, Tổng giám đốc Công ty cổ phần đường Biên Hòa, cho biết: "Sau khi mua lại nhà máy, công ty đã cải tạo lại hệ thống máy móc nâng công suất lên 200 ngàn tấn/năm, vì vậy nhà máy rất cần nguồn nguyên liệu để hoạt động. Tuy diện tích mía Đồng Nai hơn 8 ngàn hécta nhưng năm vụ mía 2008-2009 nhà máy chỉ ký hợp đồng mua được trên 50 ngàn tấn mía, còn lại phải mua qua thương lái và các tỉnh lân cận. Thời gian tới, nhà máy rất mong được ký hợp đồng trực tiếp với nông dân để bà con được hưởng thêm một số ưu đãi về vốn, giống, kỹ thuật và giá".

 

Thực tế, vụ mía năm 2008-2009, nông dân huyện Nhơn Trạch và một số huyện khác phải bán mía cho thương lái với giá 280-350 ngàn đồng/tấn, trong khi Nhà máy đường Biên Hòa - Trị An có thời điểm phải mua lại qua các khâu trung gian với giá gần 600 ngàn đồng/tấn.

 

Được biết trong thời gian tới, Nhà máy đường Biên Hòa - Trị An sẽ đầu tư mở rộng vùng nguyên liệu tại huyện Nhơn Trạch và Thống Nhất. Do đó, những hộ hợp đồng với nhà máy nếu trồng mới mía có nhu cầu về vốn sẽ được vay 15 triệu đồng với lãi suất thấp hơn ngân hàng 0,2%/tháng và đến vụ thu hoạch sẽ trừ vào tiền mía. Với các hộ đang chăm sóc và thâm canh được vay 2 - 8 triệu đồng/vụ. Bên cạnh đó, nhà máy còn hỗ trợ không hoàn lại cho diện tích trồng mới 3 triệu đồng/hécta và từ vụ thu hoạch mía 2009-2010 công ty sẽ thành lập đội chuyên vận chuyển thu hoạch mía tại ruộng giảm chi phí cho bà con nông dân.

 

Có thể nói, việc liên kết trực tiếp giữa nông dân và doanh nghiệp đã tạo ra được thuận lợi cho cả đôi bên.

Hương Giang

 

Tin xem nhiều