Trong hai năm qua, nhờ vào trồng nấm bào ngư do Trung tâm dạy nghề huyện Tân Phú hướng dẫn, hơn 300 hộ đã vươn lên thoát nghèo, có việc làm ổn định, bình quân mỗi ngày thu nhập trên 100 ngàn đồng.
Trong hai năm qua, nhờ vào trồng nấm bào ngư do Trung tâm dạy nghề huyện Tân Phú hướng dẫn, hơn 300 hộ đã vươn lên thoát nghèo, có việc làm ổn định, bình quân mỗi ngày thu nhập trên 100 ngàn đồng.
Nhờ tận dụng được nguồn nguyên liệu từ rơm rạ, cùi bắp nên việc trồng nấm của các hộ nghèo ở Tân Phú được thực hiện khá thuận lợi. Mô hình trồng nấm đã được nhân rộng và phát triển mạnh. Đến nay có 15/18 xã, thị trấn trồng nấm, điển hình như: Nam Cát Tiên, Phú Sơn, Phú Bình, thị trấn Tân Phú. Nhiều hộ đã chọn trồng nấm bào ngư, do khi nguồn nguyên liệu rơm rạ hết thì người dân có thể trồng bằng mùn cưa, mạt gỗ. Bà Lê Thị Kim Hương ở khu 10, thị trấn Tân Phú nói: "Tôi học trồng nấm ở Trung tâm dạy nghề huyện Tân Phú. Qua thực tế, tôi thấy trồng nấm bào ngư dễ và lại cho thu nhập cao. Mô hình trồng nấm rất phù hợp với những hộ nghèo như tôi". Ông Ngô Ngọc Tân ở xã Phú Sơn cho biết: "Tôi thấy kỹ thuật trồng nấm không có gì là khó, chỉ tốn nhiều công chăm sóc khi vào thu hoạch. Thị trường tiêu thụ rất tốt, bình quân gia đình tôi thu trên 100 ngàn đồng/ngày, tính ra còn cao hơn nhiều so với nghề khác".
Qua 8 lớp đào tạo trồng nấm với trên 500 học viên, Trung tâm dạy nghề Tân Phú đã giúp cho khoảng hơn 300 hộ thoát nghèo nhờ có thu nhập ổn định. Để tạo thuận lợi cho người dân nghèo trồng nấm, Trung tâm dạy nghề huyện đã tự cấy meo nấm cung cấp cho bà con với giá 2 ngàn đồng/bịch. Do vậy, người dân chỉ việc mua bịch meo nấm về treo và chăm sóc thu hoạch. Với diện tích trồng 15m2 có thể treo 1.000 bịch và sau 30 ngày chăm sóc người dân đã có nấm thu hoạch. Bình quân mỗi bịch meo lấy được từ 1,3 - 1,5kg nấm, với giá bán trên thị trường hiện nay từ 10 - 12 ngàn đồng/kg nấm thì người nông dân cũng có lời trên 3 triệu đồng/tháng. Ông Nguyễn Văn Thành ở thị trấn Tân Phú tâm sự: "Bây giờ ở Tân Phú ai cũng có thể trồng nấm. Vì nếu không nắm kỹ thuật trồng thì đến trung tâm dạy nghề học rồi mua bịch meo về nhà treo và chỉ tốn công tưới. Với giá nấm như hiện nay, người trồng chỉ cần bỏ ra ít vốn sau 1 tháng trồng đã có lời".
Theo các kỹ sư của Trung tâm dạy nghề huyện cho biết, trồng nấm mức đầu tư thấp, thời gian chăm sóc ngắn, nhưng cho thu nhập cao, lại có thị trường tiêu thụ. Do vậy, nhiều xã trong huyện coi đây là nghề mới nhằm giúp cho bà con nông thôn tăng thu nhập cho gia đình. Chị Vũ Thị Kim Hoàng, cán bộ Trung tâm dạy nghề huyện, cho biết: "Hiện nay ở xung quanh trung tâm có nhiều trại nấm đang cho thu hoạch, hầu hết là của những hộ nghèo ít vốn đầu tư. Nhưng nhờ cho chăm sóc kỹ nên cho năng suất khá cao, có ngày thu từ 10 đến 14kg nấm. Với đà phát triển như hiện nay, sắp tới trung tâm sẽ đầu tư hệ thống máy đóng bịch meo với số lượng lớn để cung cấp cho bà con trồng".
Do trồng nấm hiệu quả, đa số các học viên của trung tâm là các hộ nghèo đều ghi danh vào các lớp trồng nấm, đồng thời các mô hình trồng nấm được triển khai ở các xã cũng tăng nhiều hơn.
Hồng Văn