Chỉ trong hơn 3 tháng, Chính phủ liên tục đưa ra 3 gói kích cầu để hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp, người dân phục hồi sản xuất. Gói kích cầu 1, 2 đã triển khai và Đồng Nai có vài chục ngàn khách hàng được hỗ trợ lãi suất, trong đó có gần 10 ngàn hộ nông dân vay để phát triển trồng trọt và chăn nuôi với mức hỗ trợ lãi suất 4%.
Chỉ trong hơn 3 tháng, Chính phủ liên tục đưa ra 3 gói kích cầu để hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp, người dân phục hồi sản xuất. Gói kích cầu 1, 2 đã triển khai và Đồng Nai có vài chục ngàn khách hàng được hỗ trợ lãi suất, trong đó có gần 10 ngàn hộ nông dân vay để phát triển trồng trọt và chăn nuôi với mức hỗ trợ lãi suất 4%.
* Đỡ gánh nặng cho nông dân
Gói kích cầu 1 của Chính phủ được triển khai từ đầu tháng 2-2009 nhằm hỗ trợ 4% lãi suất cho doanh nghiệp, cá nhân trong thời gian 8 tháng. Chỉ hai tháng sau, Chính phủ tiếp tục tung ra gói kích cầu thứ 2 dành cho những khách hàng có nhu cầu vay vốn trung hạn, thời gian tối đa là 24 tháng. Đối tượng chính của gói kích cầu 1, 2 là các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Đồng Nai có gần 10 ngàn hộ nông dân được vay trên 700 tỷ đồng hỗ trợ lãi suất để phát triển chăn nuôi, trồng trọt. Từ nguồn vay hỗ trợ này đã giúp nhiều nông dân mạnh dạn đầu tư sản xuất đem lại hiệu quả kinh tế cao. Ông Trần Quốc Tuấn, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Đồng Nai cho biết: "Tính đến hết tháng 4, toàn tỉnh đã cho vay hỗ trợ lãi suất trên 8.200 tỷ đồng với số tiền đã chi trả hỗ trợ lãi suất gần 20 tỷ đồng. Trong đó, cho vay khu vực nông nghiệp, nông thôn chiếm trên 10%, đa số nông dân vay hỗ trợ lãi suất từ các phòng giao dịch và chi nhánh Ngân hàng nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN-PTNT)".
Chị Bùi Thị Hồng, ấp 4, xã Tân Hạnh - Biên Hòa, cho hay: "Gia đình tôi có gần 3.000m2 ao chuyên nuôi cá rô đồng, trước đây mỗi vụ phải vay ngân hàng khoảng 200-300 triệu đồng để đầu tư giống và thức ăn. Do lãi suất cao nên tôi chẳng lời được bao nhiêu. Vừa qua, tôi được vay hỗ trợ lãi suất 4% từ gói kích cầu của Chính phủ tại chi nhánh Ngân hàng NN-PTNT Đồng Nai với lãi suất 6,5%/năm, tính ra mỗi tháng tôi giảm được gần 2 triệu đồng tiền lãi, vì vậy lợi nhuận đem lại sẽ cao hơn". Còn chị Mai Thị Tài, ấp 3, xã Tân Hạnh, vui vẻ kể: "Trước đây khi còn lãi suất cao, tôi không dám mượn để đầu tư cho 2 sào vườn, vì tính ra chẳng còn lời. Từ khi có chính sách hỗ trợ lãi suất, tôi đã mạnh dạn vay 5 triệu đồng đầu tư trồng hành, nhờ thế vụ hành vừa rồi tôi lời được 4-5 triệu đồng, kinh tế gia đình bớt khó khăn". Ông Nguyễn Văn Hải, Chủ tịch Hội Nông dân xã Phú Đông, huyện Nhơn Trạch, nói: "Xã có trên 100 nông dân được vay vốn ưu đãi lãi suất với số tiền trên 1 tỷ đồng, nhờ vậy mà nhiều hộ giảm bớt được khó khăn, tập trung sản xuất đem lại hiệu quả kinh tế cao".
Từ đầu tháng 5, các ngân hàng tiếp tục triển khai gói kích cầu 3 tập trung hỗ trợ lãi suất vốn vay mua máy móc thiết bị, vật tư phục vụ sản xuất nông nghiệp và vật liệu xây dựng nhà ở khu vực nông thôn; trong đó có những khoản vay sẽ được hỗ trợ 100% lãi suất, do đó nông dân cả nước nói chung và Đồng Nai nói riêng đang tiếp cận nguồn vốn ưu đãi này.
* Đơn giản thủ tục để nông dân tiếp cận gói kích cầu
Theo quy định của Chính phủ, muốn vay được vốn hỗ trợ lãi suất, nông dân phải có tài sản thế chấp hoặc hóa đơn đỏ mua hàng, điều này hạn chế khả năng tiếp cận vốn của nhiều nông dân do những hộ sản xuất nhỏ lẻ thường mua vật tư số lượng ít từ các đại lý cấp 2, 3 nên không có hóa đơn đỏ. Để nông dân có thể tiếp cận được nguồn vốn hỗ trợ lãi suất, Ngân hàng NN-PTNT chi nhánh Đồng Nai đã đơn giản và linh hoạt trong một số thủ tục. Ông Nguyễn Văn Tâm, Phó phòng Kế hoạch - kinh doanh của Ngân hàng NN-PTNT Đồng Nai, cho biết: "Toàn tỉnh có gần 7 ngàn nông dân được vay vốn hỗ trợ lãi suất từ các phòng giao dịch và chi nhánh của Ngân hàng NN-PTNT, trong đó rất nhiều nông dân không có hóa đơn đỏ để được vay và hưởng hỗ trợ lãi suất. Trước thực tế này, ngân hàng đã gỡ khó bằng cách cử cán bộ tín dụng xuống các hộ này xác định giá trị hàng hóa đã mua, sau đó tiến hành cho vay và hỗ trợ lãi suất. Tuy nhiên, đó chỉ là giải pháp tạm thời trong khi chờ Ngân hàng Nhà nước kiến nghị Chính phủ nới rộng những quy định cho vay đối với nông dân".
Nếu gói kích cầu 1 có thời gian vay ngắn hạn, gói kích cầu 2 là trung hạn và hạn chế bởi một số thủ tục thì gói kích cầu 3 có rất nhiều thuận lợi vì thủ tục vay vốn đơn giản: không đòi hỏi phải có sổ hồng, sổ đỏ nhà đất để thế chấp; nông dân chỉ cần có địa chỉ cư trú hợp pháp được UBND phường, xã, thị trấn xác nhận là người trực tiếp sản xuất với nguồn vốn cho vay khá dồi dào. Nông dân đủ điều kiện có thể vay vốn ở tất cả các hệ thống ngân hàng và đều được hỗ trợ lãi suất. Hiện Đồng Nai có trên 180 ngàn hộ nông dân, gần 70 HTX nông nghiệp, trong đó đa số đều thiếu vốn, thiếu phương tiện sản xuất, vì vậy gói kích cầu 3 hiện đang được rất nhiều nông dân chờ đợi. Ông Phạm Trọng Thủy, Chủ nhiệm Hợp tác xã rau Xuân Bắc huyện Xuân Lộc, cho hay: "HTX có nhiều xã viên vay được vốn hỗ trợ lãi suất gói kích cầu 1, 2 để đầu tư phát triển rau an toàn nên lợi nhuận đem lại khá cao. Tới đây, ngân hàng triển khai gói kích cầu 3 không đòi hỏi có tài sản thế chấp, HTX sẽ vay tiếp mua một số máy móc nông nghiệp từng bước cơ giới hóa, giảm công lao động tăng thu nhập".
Hương Giang