Báo Đồng Nai điện tử
En

Cây tiêu ở Đồng Nai: Năng suất cao nhưng chất lượng thấp !

09:05, 13/05/2009

Đồng Nai là tỉnh có diện tích hồ tiêu lớn thứ hai trong cả nước, hàng năm cung cấp ra thị trường gần 13 ngàn tấn tiêu hạt, trong đó trên 95% sản lượng tiêu xuất khẩu. Tuy nhiên, đa số các nhà vườn trồng tiêu ở Đồng Nai vẫn đang canh tác theo phương pháp truyền thống.

Đồng Nai là tỉnh có diện tích hồ tiêu lớn thứ hai trong cả nước, hàng năm cung cấp ra thị trường gần 13 ngàn tấn tiêu hạt, trong đó trên 95% sản lượng tiêu xuất khẩu. Tuy nhiên, đa số các nhà vườn trồng tiêu ở Đồng Nai vẫn đang canh tác theo phương pháp truyền thống.

 

* Chất lượng tiêu?

 

Hiện toàn tỉnh có trên 7 ngàn hécta tiêu, tập trung ở các huyện: Cẩm Mỹ, Xuân Lộc, Tân Phú và TX. Long Khánh, với năng suất bình quân 1,8 tấn/hécta. Hàng năm tổng sản lượng tiêu của Đồng Nai đạt gần 13 ngàn tấn, đứng thứ hai cả nước về diện tích cũng như sản lượng (chỉ sau tỉnh Bình Phước). Trong thời gian qua, mặc dù nông dân trong tỉnh đã từng bước áp dụng kỹ thuật vào trong canh tác để đẩy năng suất lên, song vấn đề đảm bảo chất lượng vẫn chưa được nhà vườn chú trọng. Thạc sĩ Huỳnh Thành Vinh, Giám đốc Trung tâm khuyến nông tỉnh, cho biết: "Năng suất tiêu bình quân ở Đồng Nai hiện là 1,8 tấn/hécta, cao gấp 2 lần thế giới (bình quân thế giới đạt 0,9 tấn/hécta); cá biệt một số vườn tiêu ở huyện Xuân Lộc và Tân Phú đã đẩy năng suất lên 7-10 tấn/hécta. Song về chất lượng tiêu hiện nay vẫn đáng lo ngại do các nhà vườn chưa quan tâm đầu tư kỹ thuật đúng mức và sản xuất còn nhỏ lẻ, manh mún chưa theo quy trình chung, khâu bảo quản sau thu hoạch còn rất nhiều bất cập. Vừa qua, tôi tham gia một số hội thảo lớn về cây tiêu, các chuyên gia của Hiệp hội Hồ tiêu thế giới có khuyến cáo, nếu người trồng tiêu ở Việt Nam không sản xuất theo hướng GAP thì xuất khẩu trong tương lai sẽ gặp rất nhiều khó khăn". 

 

Sản xuất tiêu theo hướng an toàn sẽ có năng suất, chất lượng cao.

Hiện nay, đa số các nước nhập khẩu nông sản với số lượng lớn đều đòi hỏi sản phẩm phải an toàn, rõ nguồn gốc. Nhưng nông sản của Việt Nam nói chung trong thời gian qua luôn có giá bán thấp hơn các nước khác là vì chưa đáp ứng đầy đủ quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm.

 

* Để cây tiêu phát triển bền vững

 

Một số nhà vườn ở Đồng Nai đã áp dụng phương pháp trồng tiêu theo hướng an toàn cho hay, quy trình thực hiện không khó, trong khi hiệu quả mang lại khá cao. Ông Lê Nam ở ấp Gia Lào, xã Suối Cao, huyện Xuân Lộc cho biết: "Gia đình tôi có một hécta đất trồng thâm canh giống tiêu Vĩnh Linh từ năm 2002. Trước đây do chỉ canh tác theo hướng truyền thống nên năng suất tiêu của gia đình không cao. Năm 2007, tôi đầu tư lắp đặt hệ thống tưới tiết kiệm và bón phân qua đường ống, đồng thời chăm sóc cây tiêu theo hướng an toàn, nhờ vậy tôi là người đầu tiên ở Đồng Nai có năng suất tiêu đạt 7 tấn/hécta. Vừa qua giá tiêu xuống thấp, tôi vẫn lời trên 100 triệu đồng/hécta".

 

Theo đánh giá của các kỹ sư nông nghiệp, tuy năng suất tiêu của tỉnh cao gấp đôi so với bình quân của thế giới nhưng cây tiêu của Đồng Nai vẫn đang gặp nguy cơ lớn là nhiều diện tích bị bệnh chết nhanh, chết chậm; có những năm bệnh này đã làm chết 300-400 hécta tiêu, gây thiệt hại cho nông dân hàng chục tỷ đồng. Vì vậy, muốn phát triển cây tiêu bền vững theo hướng an toàn thì nông dân phải áp dụng các phương pháp phòng bệnh là chính. Đối với bệnh chết nhanh, chết chậm ở tiêu, cách phòng bệnh hữu hiệu nhất là bà con đào mương thoát nước trong mùa mưa. Với những vườn tiêu gần vườn cao su phải có bờ bao xung quanh ngăn nước mưa từ vườn cao su chảy vào có thể mang theo nấm bệnh. Cần chú ý tỉa các cành tiêu già cỗi tạo thông thoáng cho vườn cây để phòng tránh một số loại bệnh khác có thể phát sinh. Ngoài ra, việc sử dụng nước tưới và phân bón cũng ảnh hưởng lớn đến năng suất, chất lượng của cây trồng. Thạc sĩ Võ Văn Phi, Phó chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh, khuyến cáo: "Nông dân không nên làm bồn quanh gốc tiêu để tưới, vì như vậy sẽ làm gốc tiêu bị tổn thương, nấm bệnh sẽ dễ dàng xâm nhập. Khi tưới chỉ vừa đủ, không nên tưới nhiều sau đó để vườn quá khô mới tưới tiếp cây sẽ bị sốc có thể chết hàng loạt. Bón phân nên dùng nhiều phân hữu cơ, giảm lượng phân vô cơ để tăng độ phì cho đất giúp cây tiêu sẽ sinh trưởng tốt, ít sâu bệnh". 

Giá tiêu hạt trên thị trường hiện nay dao động ở mức 30 - 32 ngàn đồng/kg, với mức giá này nông dân phải đạt năng suất tiêu trên 1,5 tấn/hécta thì mới có lời. Theo Hiệp hội Hồ tiêu thế giới, tổng sản lượng tiêu toàn cầu năm 2009 đạt khoảng 305 ngàn tấn, tăng 5% so với năm 2008, song nhu cầu tiêu thụ không tăng, vì vậy giá tiêu trong thời gian tới chưa thể tăng cao.

 

Hiện nay, khâu thu hoạch và bảo quản tiêu sau thu hoạch vẫn chưa được các nhà vườn quan tâm. Vào vụ thu hoạch do không đủ sân phơi, nhiều hộ phơi tiêu trên sân đất, sau đó đóng bao xếp lại góc nhà. Thói quen này làm ảnh hưởng lớn đến chất lượng. Về lâu dài muốn cây tiêu Đồng Nai có đầu ra ổn định và thu nhập cao, nông dân phải từng bước ứng dụng quy trình kỹ thuật cao vào trong canh tác để giảm chi phí đầu vào, nâng cao năng suất, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. 

 

Việt Nam là nước có sản lượng tiêu xuất khẩu chiếm trên 40% xuất khẩu của thế giới với thị trường tiêu thụ chính là: Mỹ, Nhật, Đức và Hà Lan. Để giữ vững những thị trường lớn này và và tìm kiếm thêm thị trường tiêu thụ mới thì người trồng tiêu phải làm quen và hướng đến sản xuất theo quy trình GAP. 

Hương Giang

 

 

 

Tin xem nhiều