Báo Đồng Nai điện tử
En

Tân Phú: Đồng ruộng úng ngập vì kênh thủy lợi

09:04, 27/04/2009

Hồ Đa Tôn thuộc xã Thanh Sơn (huyện Tân Phú) được tỉnh đầu tư xây dựng từ năm 1987, với hệ thống kênh mương ban đầu còn rất thô sơ. Năm 2002, hệ thống kênh mương này được đầu tư nâng cấp bê tông hóa 3,5km. Đây là hệ thống kênh mương kiên cố đầu tiên của huyện cung cấp nước tưới cho hàng ngàn hécta lúa của 4 xã: Thanh Sơn, Phú Lâm, Phú Thanh và Phú Điền.

Hồ Đa Tôn thuộc xã Thanh Sơn (huyện Tân Phú) được tỉnh đầu tư xây dựng từ năm 1987, với hệ thống kênh mương ban đầu còn rất thô sơ. Năm 2002, hệ thống kênh mương này được đầu tư nâng cấp bê tông hóa 3,5km. Đây là hệ thống kênh mương kiên cố đầu tiên của huyện cung cấp nước tưới cho hàng ngàn hécta lúa của 4 xã: Thanh Sơn, Phú Lâm, Phú Thanh và Phú Điền. Thế nhưng, do thiết kế không phù hợp đã khiến cho hàng trăm hécta của cánh đồng luôn bị ngập úng mỗi khi đập xả nước, kể cả trong mùa khô!

 

Những cánh đồng ngập nước trong mùa khô nắng.

* Úng ngập giữa mùa khô

 

Chúng tôi đến xã Thanh Sơn (huyện Tân Phú) vào một buổi trưa nắng nóng tháng 4 này. Nhìn hình ảnh nhiều người đang tát nước, ít ai nghĩ rằng trong mùa khô này mà bà con nông dân ở cánh đồng Đa Tôn, xã Thanh Sơn lại phải tát nước từ ruộng ra mương thủy lợi để... chống úng! Ông Vũ Văn Năm ở ấp Đa Tôn cho biết, gia đình ông có 8 sào ruộng nằm trong cánh đồng này, mấy năm nay do bệnh vàng lùn lùn xoắn lá gây hại nên xã vận động bà con chuyển đổi sang trồng bắp. Nhưng khi cây bắp trổ cờ thì cũng là lúc Công ty khai thác công trình thủy lợi xả nước để cung cấp nước cho các xã lân cận, vì thế cánh đồng này ngập chìm trong nước. Cực chẳng đã, ngày hai bữa thay phiên nhau hết chồng đến vợ túc trực tát nước chống úng. Bức xúc mấy năm nay ruộng thường xuyên bị ngập, nhiều lần ông đã trực tiếp phản ánh lên UBND xã nhưng chẳng thấy chuyển biến gì. "Không hiểu mương thủy lợi ở đây họ làm như thế nào mà khi đập xả nước, chảy vào mương không được bao nhiêu mà lại tràn hết vào ruộng, nên ruộng của tôi và bà con xung quanh đây không thể nào canh tác được, tối ngày phải lo tát nước ra. Hai năm nay, chuyển đổi sang trồng bắp đều bị ngập nước. Riêng năm nay đã hơn một tháng từ hồi bắp bắt đầu trổ cờ, là chúng tôi phải tát cầm cự cho tới giờ. Một điều hết sức vô lý là giữa mùa khô nhiều cánh đồng "khát" nước, thì bà con ở đây lại phái tát nước từ ruộng ra!" - ông Năm bức xúc nói.

 

Không chỉ có ông Năm mà nhiều hộ nông dân khác cũng nằm trong hoàn cảnh tương tự, hễ cứ đập xả nước thì đất lại phải bỏ hoang, bởi có muốn xuống giống cũng chịu vì nước luôn luôn ngập sâu ở mức 30cm. Ông Ngô Thái Tuyền, ở ấp Đa Tôn, có trên 4 sào ruộng lúa, nhưng một năm chỉ trồng được hai vụ, còn vào mùa khô thì phải bỏ hoang, không phải vì khô hạn mà lại do bị ngập úng!

 

* Thủy lợi hay... thủy hại?

 

Không chỉ có cây bắp, tại cánh đồng này, chúng tôi chứng kiến còn rất nhiều diện tích rau màu cũng bị chết do ngập úng. Sự bất cập này chính là do hệ thống kênh tiêu thiết kế sai với thực tế, mương nằm quá thấp nên vào thời điểm xả nước chống hạn cho mấy xã lân cận thì khu vực cánh đồng Đa Tôn thường bị ngập úng. Bà con đã có kiến nghị với xã và Công ty khai thác công trình thủy lợi Đồng Nai nhưng chưa có giải pháp khắc phục. Đặc biệt trong hai năm nay, khi bà con chuyển đổi cơ cấu cây trồng trong mùa khô thì đã có nhiều vụ gây mất trật tự do nước xả bên trong lại gây ngập úng bên ngoài. Mới đây, khi công ty xây nâng cao bờ kênh lên 50cm và chiều dài khoảng 30m, nhưng nước vẫn cao hơn bờ thành 30cm, còn so với kênh cũ thì chìm sâu cả mét.

 

Hệ thống kênh mương thủy lợi Đa Tôn, không chỉ phục vụ tưới tiêu cho cánh đồng Đa Tôn mà còn cung cấp nước tưới cho hàng ngàn hécta lúa thuộc các xã: Phú Lâm, Phú Thanh và Phú Điền. Nhưng việc thiết kế, xây dựng không phù hợp đã làm cho nơi thì bị gây ngập úng và nơi thì thiếu nước khô hạn. Với người dân ở xã Thanh Sơn, cuộc sống của họ chủ yếu phụ thuộc cánh đồng này, nhưng bị ngập úng triền miên sẽ làm cho họ càng thêm khó khăn.

Lê Chương

 

Tin xem nhiều