Dù đã được nghe kể trước về anh, nhưng khi gặp mặt, tôi vẫn khá bất ngờ vì dáng vẻ bề ngoài trông rất "đại gia" của anh Lý Phát Sáng, người dân tộc Hoa Nùng ở ấp Tây Minh, xã Lang Minh (huyện Xuân Lộc).
Dù đã được nghe kể trước về anh, nhưng khi gặp mặt, tôi vẫn khá bất ngờ vì dáng vẻ bề ngoài trông rất "đại gia" của anh Lý Phát Sáng, người dân tộc Hoa Nùng ở ấp Tây Minh, xã Lang Minh (huyện Xuân Lộc). Ít ai biết rằng, hơn 10 năm trước, anh cùng vợ con về vùng đất Lang Minh lập nghiệp với 2 bàn tay trắng, con cái lại đông. Hàng ngày vợ chồng anh phải lăn lộn đủ nghề mới kiếm được miếng ăn.
Sau 5 năm làm lụng vất vả, vợ chồng anh mới tích cóp mua được 2 hécta đất để trồng lúa. Tuy là người dân tộc, nhưng nghe ở đâu có mô hình trồng lúa hiệu quả là anh khăn gói đến học hỏi kinh nghiệm. Qua đó, anh đã đưa giống lúa mới năng suất cao và chất lượng tốt vào sản xuất, lợi nhuận thu được luôn cao gấp 1,5 - 2 lần so với những hộ xung quanh. Năm 2004, anh mạnh dạn đưa cây bắp về để tăng vụ, với mô hình 2 lúa, 1 bắp/năm đã cho anh lời 60 triệu đồng/hécta/năm. Với số tiền lời, anh vay thêm ngân hàng, bạn bè mua thêm đất mở rộng diện tích sản xuất. Hiện anh đã có gần 8 hécta đất chuyên canh tác 3 vụ/năm, với lợi nhuận trên 500 triệu đồng/năm.
Ngoài làm kinh tế giỏi, anh Sáng còn rất nhiệt tình giúp đỡ bà con trong ấp về kỹ thuật trồng trọt, giống... để họ thoát nghèo. Năm 2008, anh là một trong 50 nông dân được tỉnh chọn để tôn vinh nhân kỷ niệm 310 năm Biên Hòa - Đồng Nai. Hiện anh còn tiếp tục đầu tư nhiều máy móc để thực hiện cơ giới hóa nhiều khâu trong sản xuất để giảm chi phí, với ước muốn sẽ đạt lợi nhuận lên gần 100 triệu đồng/hécta/năm.
Khánh Minh