Báo Đồng Nai điện tử
En

Lúa và bắp được mùa, trúng giá

09:04, 06/04/2009

Chỉ mới vụ trước, nhiều nông dân tỏ ra "hối hận" vì trồng lúa và bắp với diện tích lớn thì vụ này, họ lại vui khôn xiết do vừa được mùa lại vừa trúng giá.

Chỉ mới vụ trước, nhiều nông dân tỏ ra "hối hận" vì trồng lúa và bắp với diện tích lớn thì vụ này, họ lại vui khôn xiết do  vừa được mùa lại vừa trúng giá.

 

* Mùa vàng cho những người trồng bắp

 

Lúa đông - xuân được mùa, trúng giá.

Từ khi cây bắp lai bén rễ ở Đồng Nai thì đây là vụ đầu tiên người trồng bắp trong tỉnh có nhiều niềm vui, vì vụ này năng suất bắp vượt trội, đầu ra thuận lợi và giá lại bán cao. Vụ đông - xuân 2008 - 2009, toàn tỉnh gieo trồng gần 8 ngàn hécta bắp, năng suất bình quân đạt hơn 7 tấn/hécta, cao hơn vụ đông - xuân trước khoảng 2 tạ/hécta. Với giá bắp khoảng 3.800 - 4.000 đồng/kg, người trồng bắp lời trên 15 triệu đồng/hécta. Đặc biệt, bà con nông dân ở nhiều xã thuộc các huyện: Xuân Lộc, Cẩm Mỹ và Tân Phú đã đẩy năng suất bắp lên trên 10 tấn/hécta, cá biệt có những hộ đạt 13 - 14 tấn/hécta và lời lên đến 30 triệu đồng/hécta.

 

Ông Trần Quang, Chủ nhiệm Liên hiệp CLB NSC Xuân Tiến, xã Xuân Phú (Xuân Lộc) cho hay: "Toàn Liên hiệp có hơn 120 hécta đất sản xuất cây hàng năm thì vụ đông - xuân này đã trồng bắp đến 111 hécta. Hiện đang vào vụ thu hoạch bắp với năng suất dự tính bình quân trên 11 tấn/hécta, trong đó có một số hộ đạt năng suất hơn 12 tấn/hécta. Với giá bắp khoảng 3.800 đồng/kg, sau khi  trừ chi phí, các hộ lời 24 - 28 triệu đồng/hécta". Ông Nguyễn Văn Nam, xã Lang Minh (Xuân Lộc) cũng cho biết: "Gia đình tôi trồng bắp gần 4 năm, nhưng đây là vụ bắp đầu tiên gặp được 2 cái may: vừa được mùa lại vừa trúng giá. Vụ này tôi trồng khoảng 4 hecta bắp, ước lời gần 100 triệu đồng".

 

Về xã Xuân Đông và Xuân Tây (Cẩm Mỹ),  nơi được coi là "thủ phủ" của cây bắp lai, đến đâu chúng tôi cũng nghe bà con bàn tán vui vẻ về cây bắp. Hầu hết nông dân ở đây đều đạt năng suất bắp 10 tấn/hécta, thậm chí có nhiều người đã đưa năng suất bắp lên trên 12 tấn/hécta và thu lời 30 triệu đồng/hécta.

 

Tại những xã vùng sâu, vùng xa của huyện Tân Phú như Đắc Lua, Nam Cát Tiên... nông dân cũng đã mạnh dạn đưa cây bắp lai vào trồng, và kết quả cây bắp đã giúp nhiều hộ thoát nghèo, vươn lên khá giả. Vụ đông - xuân này năng suất bắp ở nhiều xã của Tân Phú cũng không thua kém so với huyện Xuân Lộc. Tính ra, mỗi hécta bắp nông dân lời 16 - 25 triệu đồng. Ngoài cho thu nhập cao, trồng bắp vụ đông - xuân còn có thuận lợi là cắt được một số sâu bệnh hại lúa như rầy nâu, bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá..., đồng thời giải quyết được thiếu nước sản xuất. Chỉ với lượng nước đủ dùng cho 1 hécta lúa có thể tưới cho 2 - 3 hécta bắp.

 

* Trồng lúa đã đến hồi "thái lai"

 

Vụ mùa năm 2008, giá lúa giảm xuống còn 2.500 - 2.800 đồng/kg, nông dân phải chịu lỗ 2 - 5 triệu đồng/hécta. Thế nhưng, vụ đông - xuân 2008 - 2009, giá lúa đã tăng lên 4.200 - 4.500 đồng/kg, trong khi một số vật tư đầu vào giảm, do vậy lợi nhuận của người trồng lúa thu được rất cao. Ông Trần Văn Giỏi, ấp Bảo Vinh A, xã Bảo Vinh (TX.Long Khánh) nói: "Vụ này tôi gieo trồng 2 hécta lúa, năng suất đạt 8,5 tấn/hécta. Với giá lúa 4.200 đồng/kg, trừ các chi phí còn lời khoảng 22 triệu đồng/hécta. Tôi đã trồng lúa nhiều năm, nhưng ít khi gặp may như vụ này: vừa được mùa, lại vừa trúng giá". Nhiều nông dân trồng lúa xã Sông Ray (Cẩm Mỹ) cho biết vụ đông - xuân đầu tư cho cây lúa chỉ hết khoảng 8 - 9 triệu đồng/hécta, trong khi năng suất đạt 7 - 8 tấn/hécta, tính ra mỗi hecta lãi 18 - 20 triệu đồng.

 

Một vụ bắp bội thu.

Vụ đông - xuân 2008 - 2009, nông dân Đồng Nai sản xuất trên 15 ngàn hecta lúa, chủ yếu tập trung ở huyện Tân Phú, Long Thành, Nhơn Trạch và Vĩnh Cửu. Để tăng hiệu quả kinh tế, một số nông dân các địa phương nói trên đã đưa giống mới năng suất cao vào canh tác, đồng thời cơ giới hóa một số khâu nhằm giảm công lao động. Ông Trần Văn Út ở xã Phú Đông (huyện Nhơn Trạch) nói: "Từ ngày sắm được máy xới, tôi giảm được hơn 1 triệu đồng/hécta tiền thuê công thợ, vì vậy lợi nhuận cao hơn gần 2 triệu đồng/hécta so với các hộ làm thủ công. Ngoài ra, nhờ có máy móc nên ruộng lúa của tôi gieo trồng chủ động và đúng thời vụ, do đó sâu bệnh ít hơn. Nếu trúng một vài vụ lúa nữa tôi sẽ mua thêm máy xạ hàng để giảm tối đa công lao động, vì hiện nay lao động nông nghiệp ngày một khan hiếm". Theo tính toán của ông Út, nếu cơ giới hóa được khâu làm đất, gieo sạ, cắt, tuốt sẽ giảm được 1/3 chi phí đầu tư, như vậy nếu giá lúa có xuống thấp nông dân vẫn có lời.

Hương Giang

 

                                        

Tin xem nhiều