Báo Đồng Nai điện tử
En

Giải quyết xung đột giữa voi và người bằng cách nào?

10:04, 17/04/2009

Như Báo Đồng Nai đã thông tin, trong thời gian gần đây, voi ở Khu Bảo tồn thiên nhiên và di tích Vĩnh Cửu (BTTN&DT) thường xuyên ra rẫy của nông dân phá phách hoa màu. Mới đây nhất là vào khuya ngày 14-4, đàn voi đã vào ấp 2, xã Phú Lý (huyện Vĩnh Cửu) phá hỏng một căn nhà xây. Điều này cho thấy, xung đột giữa voi và người ngày càng trầm trọng. Liệu có giải pháp nào để "dung hòa" mối quan hệ này?

Như Báo Đồng Nai đã thông tin, trong thời gian gần đây, voi ở Khu Bảo tồn thiên nhiên và di tích Vĩnh Cửu (BTTN&DT) thường xuyên ra rẫy của nông dân phá phách hoa màu. Mới đây nhất là vào khuya ngày 14-4, đàn voi đã vào ấp 2, xã Phú Lý (huyện Vĩnh Cửu) phá hỏng một căn nhà xây. Điều này cho thấy, xung đột giữa voi và người ngày càng trầm trọng. Liệu có giải pháp nào để "dung hòa" mối quan hệ này?

 

* Bắt và thuần dưỡng voi: không khả thi!

 

Phó giáo sư, tiến sĩ Lê Xuân Cảnh, Viện trưởng Viện Sinh thái và tài nguyên sinh vật - một trong những chuyên gia hàng đầu Việt Nam về động vật hoang dã nói chung và voi rừng nói riêng, khẳng định: Voi không hung dữ như người ta tưởng. Lâu nay, sự "tưởng tượng" voi dẫm nát thây người; hoặc hình dung thái quá về một loài vốn hiền lành như voi, đã khiến cho rất nhiều người sinh sống gần rừng phải sợ; thậm chí không ít người không dám gọi voi bằng "con" (voi), mà phải kính cẩn gọi bằng "ông" (bồ). Chính vì quá sợ "ông" vì thân hình vạm vỡ, nên mỗi lần chạm trán với "ông", người ta hay hoảng loạn nên thiếu bình tĩnh, dẫn đến chỗ có những hành động ứng phó không phù hợp. Qua quá trình nghiên cứu, các nhà khoa học đã chứng minh, chỉ cần tiếp cận và tạo được ấn tượng một lần thì voi sẽ nhớ suốt đời. Ngược lại, nếu hành xử có tính bạo lực với loài này, thì cũng chỉ một lần, nó sẽ ghi dấu ấn mãi mãi và tấn công ngay tức khắc - một khi gặp lại những hình dáng na ná như "đối thủ" đã từng xua đuổi nó. Ví dụ: voi chỉ cần ăn được một thứ gì đó (đu đủ, xoài, mía...), ngon hơn những thứ có trong rừng mà chúng tìm thấy hàng ngày, chắc chắn nó sẽ quay trở lại tìm kiếm để tiếp tục thưởng thức.

 

Voi ngà lệch "dạo chơi" ở bìa rừng.

Đối với việc bắt, thuần dưỡng voi, tiến sĩ Cảnh cho biết, trong hai đợt bắt, "di lý" voi từ huyện Tánh Linh (tỉnh Bình Thuận) và Khu Bảo tồn Bình Châu, Phước Bửu (Bà Rịa - Vũng Tàu) về Bản Đôn những năm trước, gần như phá sản hoàn toàn. Tất cả voi đã trưởng thành, khi đưa về cao nguyên này đều đã chết không lâu sau đó. Chỉ có một vài cá thể khi bắt đưa đến môi trường mới, còn rất nhỏ và được chăm sóc chu đáo nên đã thành voi nhà. Một trong những nguyên nhân làm voi chết là nó không thích nghi trong môi trường mới. Thực tế, sinh cảnh rừng mỗi nơi mỗi khác. Chẳng hạn, khảm thực vật rừng ở các tỉnh miền Đông khác hẳn với khảm thực vật trên Tây nguyên gồm cả khí hậu, môi trường di trú và thức ăn cho voi. Tiến sĩ Cảnh còn kể, trường hợp bắt voi ở Bình Châu, loài này đã thể hiện trí thông minh tới mức, khi bị chở đi, có con đã dùng vòi treo mình lủng lẳng trên thành xe để... tự tử. Vì vậy, ý tưởng di dời voi ở Phú Lý là không khả thi.

 

* Giải pháp nào tránh xung đột người - voi?

 

Tiến sĩ Cảnh cho biết: "Voi không bao giờ tấn công người trước, mà nó luôn tỏ ra thân thiện. Bằng những kinh nghiệm của mình, tôi cho rằng đối với đàn voi ở huyện Vĩnh Cửu, chúng ta không nên xua đuổi theo cách đốt lửa, đánh trống, gõ kẻng... Bởi như thế là tạo sự kích thích, khiến đàn voi trở nên hung dữ hơn. Theo tôi, cách duy nhất để bảo đảm an toàn cho người, cũng như bảo vệ đàn voi, cần tạo ra một khoảng cách nhất định giữa rừng và khu dân cư. Mặt khác, vùng di chuyển của voi rất rộng lớn, trong khi rừng liền kề ở Đồng Nai - tính từ Vườn quốc gia Cát Tiên về Khu BTTN&DT Vĩnh Cửu tới hàng trăm ngàn hécta, thì đây chính là điều kiện thuận lợi để bào tồn loài động vật quý hiếm này...".

 

"Quá trình theo dõi đàn voi ra khỏi rừng, chúng tôi thấy voi không đói, mà chỉ đi tìm thức ăn ngon, lạ như xoài và đu đủ hoặc muối - là những thứ trong rừng không có. Tôi dám khẳng định rằng, gặp voi nếu chúng ta đừng bỏ chạy, hoặc làm gì đó, khiến voi bất an thì sẽ không bị chúng tấn công. Việc anh em chúng tôi lại gần, thậm chí sờ vào vòi, nó không phản ứng gì, mà còn tỏ ra rất thân thiện, là điều khẳng định được: Voi rất hiền!" - một kiểm lâm trong Khu BTTN&DT Vĩnh Cửu cho biết.   

Cùng quan điểm với tiến sĩ Cảnh, chuyên gia về voi Trịnh Việt Cường (Phòng Động vật có xương sống thuộc Viện Sinh thái và tài nguyên sinh vật) - người nhiều năm theo dõi, nghiên cứu các đàn voi trên cả nước và là người trực tiếp tham gia di dời đàn voi ở Tánh Linh - Bình Thuận lên Tây nguyên khẳng định: Trước đây, tại Tánh Linh có vụ voi đạp chết người. Nhưng nguyên nhân chính trong vụ này, không phải voi "đi tìm" người để giết, mà là khi quy hoạch đất rừng sang trồng cây công nghiệp, con người đã lấn quá sâu vào vùng sinh hoạt của voi. Thêm vào đó, thức ăn trong chòi của những người làm rẫy đã kích thích voi vì chúng thấy lạ, ăn một lần thì quen. Từ đây, mâu thuẫn giữa người và voi phát sinh, khiến chúng trở nên hung hăng, hay phá phách. "Tôi nghĩ rằng, sự xung đột giữa người và voi ở Phú Lý chưa đến mức nghiêm trọng. Có điều, chúng ta phải nhanh chóng tìm ra giải pháp hữu hiệu thì mới có thể giải quyết một cách hiệu quả mối "hiềm khích" này. Nếu không, xung đột sẽ ngày càng tăng thêm. Dĩ nhiên, nếu đến giai đoạn hai bên căng thẳng tột cùng, thì khó có thể lường trước được điều gì sẽ xảy ra..." - ông Cường nói.

Trước những đe dọa làm ảnh hưởng đến đời sống loài voi, năm 2006, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt kế hoạch hành động khẩn trương, nhằm bảo tồn voi. Bởi, theo các nhà khoa học, cả nước hiện chỉ còn khoảng 150 con voi. Tuy nhiên, đến thời điểm này, đề án chỉ mới bắt đầu triển khai thực hiện.

 

Trong khi đó, Thạc sĩ Trần Văn Mùi, Giám đốc Khu BTTN&DT Vĩnh Cửu thì đặt vấn đề: Phải xác định voi hay người làm nương rẫy ở vùng rừng có trước. Điều này, có thể xác định, do điều kiện lịch sử để lại chúng ta đã "lấn rừng", làm thu hẹp môi trường sống của các loài động vật hoang dã nói chung và voi nói riêng. Tuy nhiên đến nay, nhân dân xã Phú Lý đã ổn định cuộc sống, không thể di dời đi chỗ khác. Vì vậy, giải pháp cấp bách là làm sao ngăn chặn, không để voi vào khu dân cư phá phách. Theo ông Mùi, trước mắt nên lập hàng rào điện tử để ngăn không cho voi ra khỏi rừng. Cách làm này, nhiều nước trên thế giới đã thực hiện rất hiệu quả và ít tốn kém. Mặt khác, để người và voi sống chung hòa hợp, lâu dài, cần nhanh chóng chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở khu vực bìa rừng - nơi voi hay ra. Trong đó, nông dân ở những vùng giáp ranh với khu bảo tồn nên trồng những loại cây mà voi không ăn được (chẳng hạn như tiêu) và tránh trồng những loại cây cho quả mà voi thích như: xoài, đu đủ...

Tạ Nguyên

 

 

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều