Hiện nay, bà con nông dân ở một số địa phương đang chuẩn bị xuống giống vụ hè - thu, nhưng do thời tiết mưa nắng bất thường, khiến nhiều người hết sức lo lắng...
Hiện nay, bà con nông dân ở một số địa phương đang chuẩn bị xuống giống vụ hè - thu, nhưng do thời tiết mưa nắng bất thường, khiến nhiều người hết sức lo lắng...
* Xuống giống sớm và đồng loạt
Ông Phan Minh Báu, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn, cho biết: "Vụ hè - thu năm 2009, toàn tỉnh dự kiến sẽ xuống giống khoảng 50.000 hecta lúa và bắp, do đó mùa mưa năm nay đến sớm, vào khoảng cuối tháng 4, là điều khá thuận lợi cho gieo trồng vụ hè - thu vì giảm được hạn đầu vụ. Thời điểm xuống giống thuận lợi nhất là cuối tháng 4, đầu tháng 5. Đối với những vùng chủ động được nước tưới nên gieo trồng trong tháng 4, còn các khu vực sản xuất nhờ nước trời nên tập trung xuống giống trong tháng 5. Đặc biệt, những địa bàn dễ xảy ra ngập lụt như các huyện: Tân Phú, Định Quán, Long Thành, Trảng Bom... thì xuống giống sớm trong tháng 4 hoặc đầu tháng 5 sẽ giảm được khả năng mất mùa do lũ. Khi xuống giống, bà con nông dân cần xuống đồng loạt trên cùng một cánh đồng để dễ quản lý và phòng trừ các loại sâu bệnh hại cây trồng".
Theo Trung tâm Khuyến nông Đồng Nai, vụ hè - thu năm 2009, nông dân nên sử dụng những giống cây trồng có thời gian sinh trưởng ngắn để có thể kết thúc vụ hè - thu sớm, triển khai vụ mùa kịp thời nhằm tránh hạn cuối vụ. Các địa phương căn cứ vào chân đất ở từng vùng để xác định cơ cấu giống cho phù hợp. Cụ thể với cây lúa, mỗi vùng chỉ bố trí từ 4-5 giống chủ lực và bổ sung thêm một vài giống mới có triển vọng; lưu ý mỗi giống chủ lực gieo trồng không quá 20% diện tích của vùng. Hiện các giống lúa chủ lực trong vụ hè - thu cho năng suất cao là VNĐ 95-20, OMCS 2000,
* Áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất
Thông thường, đầu tư cho vụ hè - thu cũng tương đương vụ đông - xuân, nhưng năng suất bình quân của cây lúa toàn tỉnh chỉ đạt trên 4 tấn/hécta, bắp 5,5 tấn/hécta, thấp hơn từ 1- 1,5 tấn/hécta so với vụ đông - xuân. Năng suất thấp, kéo theo thu nhập trên mỗi hécta của nông dân giảm từ 4-6 triệu đồng. Vì vậy, muốn nâng cao hiệu quả cho cây lúa hè - thu, nông dân cần áp dụng phương pháp "3 giảm, 3 tăng" (giảm giống, phân bón và thuốc BVTV để tăng năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế). Trong đó, việc sạ hàng sẽ giúp nông dân giảm 1/2 lượng giống (còn 80-100 kg/hécta), bón phân theo bảng so màu lá lúa giảm lượng đạm dư thừa và áp dụng biện pháp quản lý dịch hại tổng hợp giảm lượng thuốc BVTV. Thực tế, khi nông dân thực hiện tốt "3 giảm" thì sẽ đạt được kết quả "3 tăng". Theo tính toán của các kỹ sư nông nghiệp thì áp dụng phương pháp "3 giảm, 3 tăng" nông dân sẽ bớt được 1/3 chi phí đầu vào so với canh tác truyền thống, trong khi năng suất cây trồng cao hơn.
Trong vụ hè - thu, do mưa nhiều sẽ tạo điều kiện cho nhiều loại sâu bệnh phát triển, đặc biệt trên cây lúa. Ông Nguyễn Công Tú, Phó chi cục trưởng Chi cục BVTV Đồng Nai, cho hay: " Vào vụ hè - thu, tình hình rầy nâu, bệnh vàng lùn, đạo ôn vẫn còn tiếp tục gây hại, vì vậy muốn hạn chế rầy nâu thì nông dân phải sạ theo lịch né rầy do các Trạm BVTV đưa ra. Bà con nông dân cũng có thể theo dõi rầy vào đèn; nếu thấy rầy bay vào đèn nhiều thì ngâm giống chuẩn bị sạ".
Một "loại dịch" khá phổ biến đầu vụ hè - thu là cỏ dại, vì thế bà con nên phòng trừ ngay từ giai đoạn đầu, có thể sử dụng các loại thuốc cỏ tiền nẩy mầm để phun trong giai đoạn 1-3 ngày sau sạ, nhưng phải chủ động nguồn nước nếu không cỏ sẽ mọc lại. Ốc bươu vàng cũng là dịch hại khá nguy hiểm với cây lúa. Do vậy, khi làm đất, bà con cần bón thêm vôi bột 500-1.000 kg/hécta để diệt ốc. Ngoài ra, bón vôi còn giúp giảm độ phèn và diệt một số mầm bệnh trong đất.
Các kỹ sư nông nghiệp cũng khuyến cáo, trồng bắp vụ hè - thu cần phải làm rãnh thoát nước, vì cây bắp không chịu được ngập úng. Lượng giống cần cho 1 hécta bắp khoảng 13-17kg. Các loại sâu bệnh hay phát sinh trên cây bắp trong vụ này là sùng trắng, sâu xám, đốm vằn và gỉ sắt, do đó bà con thường xuyên thăm đồng kịp thời phát hiện sâu bệnh để phòng trừ.
Hương Giang