Báo Đồng Nai điện tử
En

Xóa sổ một vùng quýt ở Long Thành

09:11, 10/11/2008

Vùng trồng quýt ở thôn 7, xã Bình Sơn và thôn Bàu Tre, xã Bình An (do hai thôn sát nhau nên người dân còn gọi là thôn 7 - Bàu Tre) ở huyện Long Thành từng một thời nổi tiếng nhưng đến nay đã bị xóa sổ hoàn toàn. Những vuờn quýt trĩu quả trước đây nay được "chuyển đổi" sang cây trồng khác do người dân quá "oải" với quýt nói riêng và cây có múi nói chung.

Vùng trồng quýt ở thôn 7, xã Bình Sơn và thôn Bàu Tre, xã Bình An (do hai thôn sát nhau nên người dân còn gọi là thôn 7 - Bàu Tre) ở huyện Long Thành từng một thời nổi tiếng nhưng đến nay đã bị xóa sổ hoàn toàn. Những vuờn quýt trĩu quả trước đây nay được "chuyển đổi" sang cây trồng khác do người dân quá "oải" với quýt nói riêng và cây có múi nói chung.

 

Một vườn quýt ở thôn 7 - Bàu Tre được thay thế bằng vườn cao su.

Trở lại vùng trồng quýt nổi tiếng ở thôn 7 - Bàu Tre mới đây, chúng tôi rất ngỡ ngàng khi không còn thấy bóng dáng một vườn quýt nào nữa. Thay vào đó là những vườn bắp, điều, cao su, cà phê hoặc cây ăn trái khác. Chị Nguyễn Thị Hoa, ở thôn 7, xã Bình Sơn vừa chặt đi 5 sào quýt cho hay, hai năm trở lại đây cây quýt vùng này đã bị lão hóa cho thu nhập thấp nên các chủ vuờn đành chặt bỏ và chuyển sang trồng cây khác. Theo chị Hoa, cho dù có tăng mức đầu tư cho vườn quýt thì cũng bị thua lỗ. 

 

Cây quýt già cho năng suất thấp lại gặp sâu bệnh phát triển mạnh cùng với giá vật tư nông nghiệp tăng cao đã khiến cho những người trồng quýt có kinh nghiệm ở đây cũng không trụ nổi. Theo nhận xét của các chủ vườn quýt, do chất đất vùng thôn 7 - Bàu Tre không được tốt như các nơi khác nên cây quýt chỉ cho năng suất cao đến năm thứ 7 hoặc năm thứ 10, sau đó là bị già cỗi. Ông Nguyễn Văn Ga, người trồng cây có múi (cam và quýt) rất có kinh nghiệm, cũng thừa nhận trồng cây quýt tại vùng này không được quá 15 năm. Năm ngoái ông phải chặt đi 1,5 hécta cam và quýt: "Đầu tư chăm sóc cho quýt hàng năm rất tốn kém, nếu quýt kém năng suất là phải bỏ ngay, vì theo là lỗ" - ông Ga nói. Trong những năm quýt cho năng suất bình thường, mỗi năm ông Ga thu khoảng 15 tấn trái, thu nhập đạt trên 150 triệu đồng. Đến năm 2005 vườn quýt của ông được hơn 10 năm tuổi, năng suất bắt đầu giảm. Khi cây quýt đến thời kỳ suy kéo theo trái quýt cũng giảm chất lượng. Phần lớn quýt trái trong vườn năm đó rơi vào loại 3 và quýt bi nên giá bán thấp. Trong khi quýt loại 1 và 2 có giá trên dưới 10 ngàn đồng/kg thì quýt loại 3 và quýt bi chỉ bán được giá 4.000 - 5.000 đồng/kg. Năng suất giảm, quýt bán giá thấp, năm đó thu nhập của gia đình ông  bị giảm gần một nửa. Vụ quýt năm sau 2006, ông Ga quyết định tăng mức đầu tư lên từ 15 triệu đồng/hécta lên 20 triệu đồng/hécta, tuy nhiên tình hình cũng không được cải thiện. Cứ nghĩ tăng mức đầu tư sẽ tăng được thu nhập, ai ngờ vụ quýt đó ông bị lỗ tiền công. Sau vụ này, ông quyết định chặt sạch vườn quýt và chuyển sang trồng chôm chôm giống mới. Nhiều chủ vườn quýt ở đây còn cho biết, sau khi chặt quýt già và trồng lại cây quýt mới cũng bị thất bại do cây quýt không phát triển được như trước nữa. Những vườn quýt nổi tiếng một thời tại thôn 7 - Bàu Tre như anh Lý Hoàng Dũng, Huỳnh Văn Hồng, Phan Viết Hùng... nay chỉ còn là quá khứ.

 

Giá vật tư nông nghiệp tăng cao cũng khiến các chủ vườn quýt ngán ngại đầu tư. Từ cuối năm 2007 và đầu năm 2008, các loại phân bón và thuốc bảo vệ thực vật tăng cao cũng là thời điểm các chủ vườn quýt ở thôn 7 - Bàu Tre mạnh tay hơn khi chặt bỏ quýt. Anh Nguyễn Văn Cảnh ở thôn Bàu Tre đã phá bỏ 1 hécta quýt, tâm sự: "Giá quýt không lên, năng suất quýt giảm, trong khi đó giá phân bón và thuốc trừ sâu tăng lên hơn gấp đôi. Ngày trước chi phí cho 1 hécta quýt chỉ tốn từ 15 đến 20 triệu đồng  nhưng nay lên đến gần 50 triệu đồng".

 

Gần 50 hécta quýt ở thôn 7 - Bàu Tre mỗi năm cung cấp cho thị trường vài trăm tấn trái đến nay đã hoàn toàn bị xóa sổ. Mặc dù nhiều chủ vườn đang còn loay hoay chọn lựa cây trồng nhưng nhắc đến quýt ai cũng đều lắc đầu ngán ngẩm.

Vân Nam

 

Tin xem nhiều