Năm 1996, chủ trương trồng cây gây rừng, phủ xanh đất trống đồi núi trọc được thực hiện trên cả nước. Ở Đồng Nai, phong trào khoán đất rừng để trồng cây nông nghiệp, cây công nghiệp cũng được triển khai khá phổ biến. Các lâm trường khi đó thực hiện việc khoán đất cho người dân sử dụng chủ yếu vào mục đích trồng các loại cây như xoài, mít, điều. Riêng ở lâm trường Hiếu Liêm (cũ) đã có hàng trăm hécta cao su được trồng trong vùng lõi.
Năm 1996, chủ trương trồng cây gây rừng, phủ xanh đất trống đồi núi trọc được thực hiện trên cả nước. Ở Đồng Nai, phong trào khoán đất rừng để trồng cây nông nghiệp, cây công nghiệp cũng được triển khai khá phổ biến. Các lâm trường khi đó thực hiện việc khoán đất cho người dân sử dụng chủ yếu vào mục đích trồng các loại cây như xoài, mít, điều. Riêng ở lâm trường Hiếu Liêm (cũ) đã có hàng trăm hécta cao su được trồng trong vùng lõi. Đến nay, khi hợp nhất các lâm trường thành Khu Bảo tồn thiên nhiên và di tích (BTTNDT) Vĩnh Cửu, thì một trong những loại cây "ngoại lai" như cao su không còn phù hợp...
* Đồn điền cao su trong rừng sâu
Qua hết đường đất đỏ thuộc tiểu khu 123, phân trường 3 (lâm trường Hiếu Liêm cũ), chúng tôi phải đi thêm khoảng 3km trên con đường nhỏ ngoằn nghèo, ngang qua những khu rừng tái sinh, mới đến được đồn điền cao su của ông V.H (ngụ ở xã Suối Tre, thị xã Long Khánh). Khu vực này hiện nằm trong vùng lõi của Khu BTTNDT nên rất vắng người qua lại. Tuy nhiên, ông H. vẫn cho làm hàng rào và cổng bảo vệ khá chắc chắn. Vườn cao su của ông H. khá đẹp. Có những cây chu vi đến 80cm; cao hơn 3 mét. Gặp những công nhân đang cạo mủ nơi đây, họ cho biết đồn điền cao su của ông H. được trồng năm 1996 và bắt đầu cho thu hoạch từ năm 2001. Làm việc tại đây có hàng chục công nhân bảo vệ và cạo mủ. Hiện tại, hàng ngày mỗi hécta cao su trong đồn điền của ông H. cho thu hoạch bình quân 100kg mủ cô đặc. Theo hợp đồng khoán đất trồng cây cao su giữa ông V.H với ông Võ Lương Đống, giám đốc lâm trường Hiếu Liêm (cũ) ký ngày 15-8-1996 thì ông H. được nhận 27,5 hécta đất trống, trảng cỏ; thời gian hợp đồng là 50 năm. Thế nhưng thống kê mới đây cho thấy, diện tích thực trồng cao su của ông H. ở tiểu khu 3 đã tăng thêm 6 hécta (?), xen kẽ là các vườn cây ăn trái.
Tương tự, tại tiểu khu 103, phân trường 5, lâm trường Hiếu Liêm (cũ), vườn cao su của ông N.T.C (ngụ xã Suối Tre, thị xã Long Khánh) rộng ngút ngàn, được đầu tư chăm sóc kỹ và khá xanh tốt. Ông C. cũng ký hợp đồng với lâm trường Hiếu Liêm nhận 55,2 hécta đất trống, trảng cỏ để trồng cao su từ năm 1996 và đã cho thu hoạch 7 năm nay. Cũng giống như trường hợp ông H., ông C. được ký hợp đồng nhận đất trồng cao su là 50 năm, kết thúc thanh lý hợp đồng vào năm 2046.
Thực tế, ngoài hai vườn cao su tập trung ở lâm trường Hiếu Liêm (cũ) như đã nêu ở trên, còn có một số khu vực trồng cao su phân tán của một số người khác. Theo báo cáo mới đây của Khu BTTNDT, tổng số vườn cao su ở khu vực lâm trường Hiếu Liêm (cũ) đang cho thu hoạch là 103 hécta. Ngoài ra, một vài năm trở lại đây, do cao su có giá nên một số người dân cũng đã tận dụng đất vườn, đất rừng để trồng cao su trên diện tích hàng chục hécta.
* Xử lý bằng cách nào?
Phó giám đốc Khu BTTNDT Vĩnh Cửu Nguyễn Danh Báo khẳng định, số hộ nhận khoán đất rừng để trồng cao su ở thời điểm trước là có chủ trương của Sở Nông nghịêp và phát triển nông thôn (văn bản số 261/LN của Sở Nông lâm tỉnh Đồng Nai trước đây). Nếu tính từng giai đoạn thì việc lâm trường Hiếu Liêm (cũ), cũng như các lâm trường khác cho tư nhân nhận khoán đất trồng cây nông nghiệp, cây công nghiệp và cả cao su là đúng với chức năng đối với các lâm trường quốc doanh khi đó thực hiện trồng, khai thác, kinh doanh lâm sản. Nhưng đến nay, khi những diện tích đã thuộc về khu bảo tồn thì đương nhiên, các loài cây "ngoại lai" đều buộc phải thanh lý để cơ quan chủ quản từng bước tái tạo các khu rừng cây bản địa. Về diện tích cây cao su đã trồng ở lâm trường Hiếu Liêm (cũ), ông Báo cho rằng ít nhiều đều có tác hại đối với đất, một khi mủ cao su rơi vãi xuống, không thể phân hủy ngay được. Mặt khác, với loại mủ cao su này khi các loài thú rừng ăn vào sẽ đe dọa đến sự tồn vong của chúng. Do vậy, trước đây lãnh đạo Khu BTTNDT dự kiến sẽ trồng xen canh cây rừng bản địa dưới tán cây cao su, cho đến khi cây rừng lớn mới tính đến việc hủy bỏ cây cao su. Tuy nhiên, hiện cây cao su ở Hiếu Liêm đã quá lớn (cao từ 3 mét trở lên) nên việc trồng cây rừng dưới tán của chúng là không khả thi. Vì thế, lãnh đạo Khu BTTNDT quyết tâm phải thanh lý ngay cây cao su. Vấn đề cơ bản còn phải chờ thống nhất với các chủ đồn điền như ông H., ông C. và một vài người khác. Ông Báo khẳng định, việc Khu BTTNVC lấy lại đất rừng đã trồng cao su là không vi phạm các khoản ước mà lãnh đạo lâm trường Hiếu Liêm (cũ) đã ký với người nhận đất rừng trước đây.
Quá trình đi tìm hiểu thực hư việc các đồn điền cao su tồn tại trong rừng sâu nhiều năm qua, chúng tôi còn được biết có những điều bất hợp lý. Vào những năm trước, trong khi các hộ sản xuất nông nghiệp đều phải làm nghĩa vụ cho Nhà nước trong việc sử dụng đất nông nghiệp, thì ở đây các hộ trồng cao su lại chưa thực hiện điều này. Căn cứ vào luật thuế sử dụng đất nông nghiệp, toàn bộ diện tích đất rừng ở lâm trường Hiếu Liêm (cũ) đã cho tư nhân hợp đồng trồng cao su đều phải nộp thuế. Tính ra, trong 7 năm qua, hàng trăm hécta cao su trồng ở lâm trường Hiếu Liêm (cũ) đã cho khai thác sản phẩm thì phải nộp số tiền thuế đất hàng chục tỷ đồng. Giải thích vấn đề này, ông Báo thừa nhận là đúng. "Mới đây, chúng tôi có mời các chủ đồn điền cao su ở Hiếu Liêm đến để bàn về chuyện truy thu tiền sử dụng đất trong quá trình sử dụng. Đại diện các chủ đồn điền này đều chấp nhận nộp thuế đất trồng cao su, nhưng lại chưa thống nhất cách tính mà Khu BTTNDT đã đề xuất. Chính vì vậy, tôi nghĩ rằng, để không làm thất thoát ngân sách Nhà nước, Khu BTTNDT phải mời cơ quan chuyên môn vào cuộc. Có như vậy, việc truy thu tiền sử dụng đất rừng để trồng cây cao su mới công bằng!". Ông Báo nhấn mạnh.
Tạ Nguyên