Phường Bửu Hòa (TP.Biên Hòa) hiện có gần 200 hộ dân sinh sống bằng nghề chăn nuôi và trồng trọt. Thế nhưng, từ năm 2006, khi thành phố có chủ trương ngưng chăn nuôi gia súc, gia cầm và hàng loạt ruộng đất dính vào quy hoạch, nhiều người dân ở đây hết sức lo lắng.
Phường Bửu Hòa (TP.Biên Hòa) hiện có gần 200 hộ dân sinh sống bằng nghề chăn nuôi và trồng trọt. Thế nhưng, từ năm 2006, khi thành phố có chủ trương ngưng chăn nuôi gia súc, gia cầm và hàng loạt ruộng đất dính vào quy hoạch, nhiều người dân ở đây hết sức lo lắng.
Đến thăm trại nấm bào ngư rộng 100m2 của gia đình chị Ngô Thị Ngọc Quý ở khu phố 2 - một mô hình trồng nấm thí điểm đầu tiên của phường, chúng tôi được chị Quý cho biết, bước đầu trại nấm làm ăn khá thuận lợi. Hiện mỗi ngày trại cho thu hoạch trên dưới 30kg nấm, toàn bộ được tiêu thụ ở các chợ trong TP.Biên Hòa với giá 20 ngàn đồng/kg. Như vậy, mỗi ngày trại nấm của chị Quý cũng cho thu nhập khoảng 600 ngàn đồng. Chị Quý cho hay, trong thời gian tới, chị sẽ mở thêm trại nấm rơm để tận dụng nguồn nguyên liệu từ nấm bào ngư thải ra. Được biết, hiện nay, mô hình trồng nấm bào ngư của chị Quý cũng đang được khá nhiều người dân trong phường Bửu Hòa quan tâm và đây cũng là mô hình nằm trong dự án phát triển kinh tế hộ vừa mới được phường triển khai. Ngoài mô hình trồng nấm, các mô hình khác như: trồng hoa lan, nuôi ếch v.v... cũng đang được nhiều người dân ở phường Bửu Hòa kỳ vọng. Ông Lê Văn Bửu, một nông dân ở khu phố 1, người đang triển khai phát triển mô hình trồng hoa lan bộc bạch: "Qua tìm hiểu, tôi thấy thị trường hoa lan vẫn còn làm ăn được nên tôi quyết định đầu tư. Dù sao đi nữa, thì đây cũng là ngành nông nghiệp của đô thị, phù hợp với tương lai".
Bà Hà Thanh Vân, Chủ tịch Hội Nông dân phường Bửu Hòa cho biết, từ đầu năm đến nay, Hội đã tổ chức 2 đợt cho nông dân trong phường đi tham quan, tìm hiểu các mô hình sản xuất mới ở TX.Long Khánh, huyện Củ Chi - TP.Hồ Chí Minh và sắp tới Hội sẽ tổ chức thêm một đợt tham quan nữa. "Nhìn chung, hiện tại một số hộ nông dân đã chọn lựa được cho mình những mô hình phù hợp để sản xuất. Riêng các cánh đồng của phường năm nay cũng đang được người dân chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng các loại hoa màu khác cho hiệu quả kinh tế cao hơn" - bà Vân nhận xét.
Tuy nhiên, đứng trước thực tế đất đai sản xuất nông nghiệp ngày càng bị thu hẹp dần; các trại chăn nuôi gia súc, gia cầm phải ngừng hoạt động theo đúng lộ trình của UBND TP.Biên Hòa, nên các hộ sinh sống bằng nghề nông vẫn gặp nhiều khó khăn. Bà Vân nói: "Hiện tại, Hội Nông dân phường cũng chỉ đưa nông dân đi tham quan, học tập các mô hình và áp dụng được đến đâu hay đến đó. Còn việc xây dựng những mô hình phát triển kinh tế bền vững thì xem ra rất khó. Thời gian tới, khi các công trình xây dựng triển khai hàng loạt, lúc ấy vấn đề giải quyết việc làm cho nông dân sẽ không đơn giản chút nào. Số lao động trẻ có thể dễ dàng kiếm việc hơn, còn những người trung niên sẽ rất khó khăn. Đây cũng là vấn đề còn khá nan giải, đòi hỏi các cấp chính quyền có sự quan tâm hơn đến đối tượng này".
Quốc Khánh