Báo Đồng Nai điện tử
En

Chôm chôm Đồng Nai có thể xuất đi Mỹ?

09:09, 29/09/2008

Tiến sĩ Nguyễn Minh Châu, Viện trưởng Viện Nghiên cứu cây ăn quả miền Nam (SOFRI) cho biết, sau khi nhập khẩu trái thanh long, phía Mỹ tiếp tục đặt hàng nhập chôm chôm của Việt Nam. Vừa qua, các chuyên gia của Bộ Nông nghiệp Mỹ đã trực tiếp sang đặt vấn đề với SOFRI giúp cho sản phẩm chôm chôm của Việt Nam sớm đạt tiêu chuẩn GlobalGAP để xuất đi Mỹ.

Tiến sĩ Nguyễn Minh Châu, Viện trưởng Viện Nghiên cứu cây ăn quả miền Nam (SOFRI) cho biết, sau khi nhập khẩu trái thanh long, phía Mỹ tiếp tục đặt hàng nhập chôm chôm của Việt Nam. Vừa qua, các chuyên gia của Bộ Nông nghiệp Mỹ đã trực tiếp sang đặt vấn đề với SOFRI giúp cho sản phẩm chôm chôm của Việt Nam sớm đạt tiêu chuẩn GlobalGAP để xuất đi Mỹ. Đồng Nai là tỉnh có diện tích chôm chôm lớn và khá nổi tiếng, hàng năm cung cấp ra thị trường trên 120.000 tấn quả. Nếu thực hiện theo đúng tiêu chuẩn GlobalGap, thì trái chôm chôm Đồng Nai không chỉ vào được thị trường Mỹ, mà còn có thể vào một số thị trường khó tính khác trên thế giới.

 

* Cơ hội lớn cho các nhà vườn Đồng Nai

 

Diện tích trồng chôm chôm của Đồng Nai hiện nay là trên 12.000 hécta, chủ yếu là chôm chôm Java, nhãn và Thái. Các địa phương có diện tích trồng chôm chôm lớn là Long Khánh (3.546 hécta), Thống Nhất (2.643 hécta) và Xuân Lộc (2.269 hécta) với năng suất bình quân đạt khoảng 13 - 13,5 tấn/hécta/năm. Trong 2 năm gần đây, giá vật tư đầu vào tăng cao, giá chôm chôm không tăng, khiến thu nhập của nhiều nhà vườn rất thấp, vì thế nhiều hộ đã chặt bỏ chôm chôm để trồng cây khác. Thế nhưng gần đây, trước thông tin Mỹ sẽ đặt hàng chôm chôm của Việt Nam, khiến nhiều nhà vườn ở Đồng Nai phấn chấn hẳn lên, chính quyền địa phương cũng đang gấp rút vận động thành lập các câu lạc bộ (CLB) về cây chôm chôm để tiến tới thành lập hợp tác xã (HTX) nhằm thống nhất cùng một quy trình sản xuất đảm bảo về chất lượng và số lượng.

Thu hoạch chôm chôm của nhà vườn Long Khánh.

Ông Lê Văn Thư, Phó chủ tịch UBND TX.Long Khánh cho biết: "Nghe được thông tin Mỹ đặt hàng chôm chôm Việt Nam, thị xã đang gấp rút vận động thành lập CLB chôm chôm, đồng thời đẩy nhanh tiến độ xây dựng thương hiệu trái cây Long Khánh. Sau khi thành lập được các CLB chôm chôm chúng tôi sẽ phối hợp với Sở NN-PTNT chuyển giao kỹ thuật GlobalGap cho bà con. Tôi nghĩ tỉnh Bình Thuận có sản xuất được trái Thanh long xuất khẩu sang Mỹ thì TX.Long Khánh cũng có thể làm được trái chôm chôm để xuất khẩu". Ông Trần Anh Tuấn, Chủ tịch UBND huyện Xuân Lộc nói: "Huyện đang liên hệ với các sở, ngành liên quan để được hỗ trợ thông tin về quy trình thực hiện GlobalGap. Bước tiếp theo, huyện sẽ tiến hành tập huấn theo quy trình này cho bà con và thành lập ra các CLB chôm chôm để xây dựng thành HTX sản xuất ra chôm chôm có đủ tiêu chuẩn để xuất khẩu. Tuy việc này không dễ, nhưng nếu không làm thì bà con nông dân mình sẽ mãi rơi vào cảnh được mùa rớt giá, thu nhập thấp, đời sống bấp bênh".

 

Ông Nguyễn Văn Giàu, Giám đốc Sở NN-PTNT cho hay: "Tôi đi tham quan nhiều nước có nền nông nghiệp phát triển tốt như Hàn Quốc, Thái Lan thì thấy năng suất cây trồng của Đồng Nai không thua kém gì họ. Trái cây của tỉnh ta rất phong phú, nhưng sở dĩ chưa thể xuất khẩu được là do chúng ta còn sản xuất nhỏ lẻ, mỗi người một quy trình nên chưa đảm bảo về chất lượng cũng như số lượng. Để sản phẩm làm ra có giá thành hạ, đảm bảo về chất lượng và số lượng, đủ sức cạnh tranh thị trường trong nước và hướng đến xuất khẩu, thì bà con nông dân mình phải vào HTX cùng sản xuất một loại cây trồng theo một quy trình kỹ thuật chung".

Hiện nay thị trường trái cây trên thế giới rất rộng mở, miền Nam nói chung và Đồng Nai nói riêng là nơi có diện tích trái cây đặc sản có thể xuất khẩu như chôm chôm, nhãn, xoài, sầu riêng v.v... Nhưng để xuất khẩu được, các nhà vườn phải sản xuất theo quy trình GAP, nếu không thì trái cây của Việt Nam không thể xuất khẩu, thậm chí còn thua ngay tại sân nhà.

 

* Chuyển đổi theo hướng sản xuất thực phẩm an toàn

 

GlobalGap là tiêu chuẩn về thực hành nông nghiệp tốt toàn cầu do tổ chức phi lợi nhuận FoodPlus là đại diện pháp nhân. GlobalGap ra đời nhằm bổ sung và thay thế cho EurepGap, (có tên tiếng Anh (Euro-Retailer Produce Working Group Good Agricultural Practices) bởi EurepGap phạm vi chỉ trên sản phẩm trồng trọt còn GlobalGap gồm: sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi và thủy sản. Yêu cầu của GlobalGap đòi hỏi kiểm tra an toàn thực phẩm xuyên suốt bắt đầu từ khâu sửa soạn nông trại canh tác đến khâu thu hoạch, chế biến và tồn trữ. Người sản xuất phải ghi chép lại toàn bộ quá trình sản xuất, bắt đầu từ khâu xuống giống đến khi thu hoạch và bảo quản để phòng ngừa khi xảy ra sự cố có thể truy nguyên được nguồn gốc.

 

Tiến sĩ Nguyễn Minh Châu, Viện trưởng Viện Nghiên cứu cây ăn quả miền Nam cho biết, Mỹ đang đặt vấn đề sẽ nhập chôm chôm của Việt Nam với số lượng lớn và giống nào cũng được, miễn là có số lượng lớn, đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm theo tiêu chuẩn GlobalGap. Muốn đạt tiêu chuẩn này, các nhà vườn ở Đồng Nai phải liên kết lại thành HTX, tổ hợp tác, CLB sản xuất lớn với diện tích phải hàng trăm hécta trở lên mới làm được. Để chôm chôm có thể đi Mỹ, Đồng Nai nên làm như tỉnh Bình Thuận đã làm trái Thanh long, đồng thời tỉnh cần có chính sách hỗ trợ cho cây chôm chôm bằng cách khuyến khích doanh nghiệp gắn với nông dân từ đầu chứ không thể chỉ khi nào có sản phẩm mới đến mua. Nếu Đồng Nai sản xuất chôm chôm đạt tiêu chuẩn GlobalGap vào được thị trường Mỹ, thì giá bán sẽ rất cao và ổn định.

                                                   H.G

 

Thạc sĩ Huỳnh Thành Vinh Giám đốc Trung tâm khuyến nông Đồng Nai cho biết: "GlobalGap là hàng rào kỹ thuật quan trọng, nếu nông dân không vượt qua được hàng rào này sẽ thiệt thòi lớn. Các nước trên thế giới lập ra hàng rào GlobalGap nhằm bảo hộ sản xuất trong nước của họ, vì thế nông dân nước ta phải liên kết sản xuất, những liên kết này tạo điều kiện cho nhà nước đầu tư về khoa học kỹ thuật, chính sách v.v... Về phía các huyện, thị cần nhanh chóng quy hoạch được những vùng sản xuất cây trồng, sau đó giúp dân xây dựng cơ sở hạ tầng và đào tạo nguồn nhân lực sản xuất nông nghiệp đáp ứng được nhu cầu sản xuất theo hướng hàng hóa".

 

Trên thực tế, từ 2 năm nay Sở NN-PTNT Đồng Nai đã phối hợp với các huyện, TX.Long Khánh, TP.Biên Hòa tập huấn rộng rãi quy trình GAP cho bà con nông dân nên về căn bản, bà con cũng đã nắm được nội dung sản xuất theo hướng GAP. Đây cũng là thuận lợi để triển khai GlobalGap trên cây chôm chôm và một số loại trái cây khác.

Khánh Minh

 

 

 

 

Tin xem nhiều