Báo Đồng Nai điện tử
En

Vì sao giống cây trồng chưa được quản lý chặt chẽ?

08:08, 27/08/2008

Hiện nay, trên địa bàn Đồng Nai có hơn 350 điểm kinh doanh các loại giống cây trồng lâu năm, thế nhưng việc quản lý còn khá nhiều bất cập. Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN-PTNT) là đơn vị trực tiếp quản lý các cơ sở sản xuất, kinh doanh giống cây trồng, song hàng năm Sở chỉ phối hợp với các huyện, thị xã, thành phố đi kiểm tra định kỳ được 2 - 3 đợt và nếu phát hiện có sai phạm chỉ xử phạt hành chính. Trong khi không ít cơ sở kinh doanh vì lợi nhuận sẵn sàng bán giống kém chất lượng, khiến nhiều nông dân sau 5 - 6 năm đổ tiền của vào chờ dài cổ cho đến ngày cây ra hoa kết trái mới phát hiện...

Hiện nay, trên địa bàn Đồng Nai có hơn 350 điểm kinh doanh các loại giống cây trồng lâu năm, thế nhưng việc quản lý còn khá nhiều bất cập. Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN-PTNT) là đơn vị trực tiếp quản lý các cơ sở sản xuất, kinh doanh giống cây trồng, song hàng năm Sở chỉ phối hợp với các huyện, thị xã, thành phố đi kiểm tra định kỳ được 2 - 3 đợt và nếu phát hiện có sai phạm chỉ xử phạt hành chính. Trong khi không ít cơ sở kinh doanh vì lợi nhuận sẵn sàng bán giống kém chất lượng, khiến nhiều nông dân sau 5 - 6 năm đổ tiền của vào chờ dài cổ cho đến ngày cây ra hoa kết trái mới phát hiện...

 

 

Cây giống được bày bán rất nhiều nơi trong tỉnh.

 

* Biên pháp chế tài chưa đủ mạnh

 

Đồng Nai có tổng diện tích cây trồng gần 370 ngàn hécta. Trong quá trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nhiều nông dân đã chuyển qua những cây lâu năm có giá trị kinh tế cao như: xoài, sầu riêng, bưởi... Nhưng hiện nay tình trạng cây giống kém chất lượng khá phổ biến đã khiến nhiều hộ nông dân sau 5 - 6 năm đổ tiền của vào đầu tư lại phải chịu cảnh trắng tay, nợ nần chồng chất. Điển hình là hàng loạt cây sầu riêng cơm vàng hạt nép bị sượng gây thiệt hại hàng chục tỷ đồng cho bà con nông dân ở huyện Xuân Lộc, Cẩm Mỹ, TX.Long Khánh hay như nhiều diện tích điều "cao sản" ở xã Hưng Lộc (Thống Nhất) và  xã An Viễn (Trảng Bom) bị giống dỏm nên dù được chăm sóc rất tốt cây cũng chỉ cho năng suất hơn 1 tấn/hécta, bằng khoảng 1/3 so với cây điều cao sản, khiến nhiều nông dân đã nghèo trồng điều lại càng nghèo. Một số hộ đã phải lựa chọn phương pháp trồng xen cây ca cao trong vườn điều vì nếu chặt đi để trồng mới thì không có tiền đầu tư.

 

Ông Phan Minh Báu, Phó giám đốc Sở NN-PTNT cho hay, Sở NN-PTNT là đơn vị trực tiếp quản lý giống cây trồng, nhưng chủ yếu vẫn bằng hình thức tuyên truyền, nhắc nhở các đơn vị kinh doanh thực hiện đúng quy định của Nhà nước. Hàng năm Sở có phối hợp với chính quyền địa phương tiến hành kiểm tra 2 - 3 đợt song chủ yếu kiểm tra xem có đầy đủ giấy phép kinh doanh hay không, có đảm bảo yêu cầu về nhãn mác, bao bì; còn về chất lượng cây giống hơi khó và chỉ qua những sai phạm về hình thức kinh doanh mà suy ra chất lượng chưa đảm bảo! Nếu phát hiện ra những điểm kinh doanh sử dụng bằng bảo hộ giống cây trồng giả thì mức bị phạt tiền chỉ từ 3 - 5 triệu đồng. Mức xử phạt trường hợp vi phạm về sản xuất, kinh doanh giống cây trồng tối đa không quá 30 triệu đồng. Ông Báu cũng tỏ ra bức xúc: "Điều bất cập hiện nay là sau khi phát hiện sai phạm chỉ được xử phạt hành chính chứ không được tịch thu tiêu hủy những cây giống kém chất lượng, do vậy việc xử lý là không triệt để".

 

Có thể thấy rằng các biện pháp chế tài chưa đủ sức răn đe và ngăn chặn việc kinh doanh giống cây giả. Do vậy trên thị trường vẫn diễn ra hoạt động của cơ sở giống dỏm vì lợi nhuận từ kinh doanh giống kém chất lượng rất cao. Ví như một cây sầu riêng nếu điểm kinh doanh lấy giống từ những cơ sở sản xuất có uy tín chỉ lời 3 - 5 ngàn đồng/cây, nhưng kinh doanh giống kém chất lượng có thể lời gấp 6 - 8 lần!

 

* Để hạn chế tối đa cây giống kém chất lượng

 

Hiện nay tại Đồng Nai đa số cây giống được đưa từ miền Tây lên và loại cây bị giả nhiều nhất là sầu riêng, bưởi, quýt, xoài, điều. Một số kỹ sư nông nghiệp cho biết chỉ có dùng phương pháp phân tích gen mới phân biệt được cây giống tốt hay kém chất lượng. Nhưng phương pháp này không thể được thực hiện vì kinh phí cao và thời gian kiểm tra phải từ 3 - 5 ngày mới có kết quả. Trong khoảng thời gian chờ kết quả đó cũng đủ cho cơ sở kinh doanh tẩu tán hoặc bán hết những cây giống kém chất lượng. 

 

Để quản lý giống cây trồng được chặt chẽ, Đồng Nai phải có những vườn ươm cây đầu dòng giống tốt để nhân giống và Sở NN-PTNT phải sát cánh cùng chính quyền địa phương giám sát chặt chẽ từ khâu nhân giống đến khâu lưu thông bán ra thị trường. Có được nhiều điểm nhân giống và bán giống đảm bảo tốt người dân sẽ hạn chế việc mua và trồng nhầm giống giả, kém chất lượng. Hiện mới có TX.Long Khánh thực hiện được vườn cây đầu dòng giống cà phê tốt để nhân giống hay như Công ty Donafoods có vườn ươm giống đầu dòng điều cao sản...

* Nhằm hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng sản xuất, kinh doanh giống cây trồng kém chất lượng, đầu tháng 6-2008, Bộ NN-PTNT đã ban hành quyết định 64 về  "Quản lý sản xuất, kinh doanh giống cây công nghiệp và cây ăn quả lâu năm". Quyết định này quy định về trình tự, thủ tục, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong việc đăng ký, chứng nhận, khai thác nguồn giống, chứng nhận chất lượng giống; điều kiện sản xuất, kinh doanh giống cây công nghiệp và cây ăn quả lâu năm bằng phương pháp nhân giống vô tính.

* Về trách nhiệm của chủ cơ sở sản xuất giống:

1. Hàng năm báo cáo kết quả sản xuất cây giống (thời gian, chủng loại, số lượng xuất vườn) về Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn sở tại.

2. Lập sổ theo dõi nhân giống riêng cho từng lô cây giống, có sơ đồ, biển hiệu ghi rõ mã hiệu lô cây giống trong vườn ươm.

3. Cấp hóa đơn bán hàng và giấy tờ có liên quan về nguồn gốc giống cho người mua.

4. Trả chi phí chứng nhận chất lượng theo thỏa thuận với Tổ chức chứng nhận và quy định tại Quyết định số 11/2008/QĐ-BTC ngày 19-2-2008 của Bộ trưởng Bộ Tài chính.

(Trích điều 7 Quyết định 64/2008/QĐ-BNN)

 

Mặc dù từ năm 1996 đến nay Sở NN-PTNT hàng năm đều tổ chức hội thi trái ngon giống tốt trên cây bưởi, sầu riêng, mãng cầu ta v.v... nhằm công nhận cây đầu dòng giống tốt sau đó sẽ tổ chức sản xuất nhân rộng, nhưng hội thi cũng mới chỉ dừng lại ở việc... trao giải! Gần 100 cây giống tốt các loại trong 12 năm qua tại Đồng Nai đã bị bỏ phí do người đạt giải không có yêu cầu để công nhận cây đầu dòng giống tốt và họ cũng không sản xuất nhân giống. Theo một số hộ từng có cây đạt giải trong các hội thi hàng năm, do không có vốn và cũng không biết kỹ thuật nhân giống nên khi nhận được giải rồi về để đấy. Về vấn đề này, ông Phan Minh Báu nói: "Sở NN-PTNT đang tiến hành rà soát lại tất cả những cây từng đạt giải trong những năm qua, sau đó sẽ đứng ra giúp những hộ này xin chứng nhận cây đầu dòng giống tốt và hướng dẫn hỗ trợ họ cách sản xuất cây giống. Trường hợp các hộ này không đủ vốn đầu tư sản xuất giống, Sở sẽ làm cầu nối để những đơn vị, cá nhân có khả năng về vốn cùng phối hợp đầu tư, nhanh chóng triển khai nhiều điểm nhân giống tốt nhằm hạn chế rủi ro cho bà con nông dân ".

 

Tuy nhiên, để có thể giảm thiệt hại cho chính mình, bà con nông dân khi có nhu cầu mua giống nên chọn những điểm bán giống có uy tín, cần xem kỹ cây giống phải có nhãn mác nguồn gốc xuất xứ rõ ràng và phải làm hợp đồng mua bán cụ thể với các cơ sở kinh doanh.

 

Nguyệt Hạ

 

 

Tin xem nhiều