Báo Đồng Nai điện tử
En

Quản lý dịch bệnh trong chăn nuôi:
Đến bao giờ mới hết tình trạng "cá mè một lứa"?

09:07, 21/07/2008

Đồng Nai hiện có đàn heo với khoảng 1,2 triệu con, nhiều nhất nước. Trong đó, các trại chăn nuôi lớn chiếm trên 60% đầu heo. Do đó, các trại chăn nuôi chuyên nghiệp rất cần ngành thú y có những chính sách điều kiện thoáng hơn trong lưu thông sản phẩm.

Đồng Nai hiện có đàn heo với khoảng 1,2 triệu con, nhiều nhất nước. Trong đó, các trại chăn nuôi lớn chiếm trên 60% đầu heo. Do đó, các trại chăn nuôi chuyên nghiệp rất cần ngành thú y có những chính sách điều kiện thoáng hơn trong lưu thông sản phẩm.

 

     Ông Phạm Đức Bình, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty TNHH Thanh Bình cho rằng, nhìn vấn đề quản lý dịch bệnh trong chăn nuôi như hiện nay thì thấy, việc đánh giá đúng mức và "tôn trọng" những người chăn nuôi chuyên nghiệp là chưa có. Ông Bình nói: "Với cách quản lý của thú y hiện tại tôi thấy giữa người chăn nuôi lớn với người chăn nuôi nhỏ được đánh đồng như nhau. Tất cả được xem như "cá mè một lứa", như vậy vừa lãng phí nhân lực của đội ngũ thú y, vừa khiến cho người chăn nuôi lớn không chủ động. Chúng tôi nuôi hơn 10 ngàn con heo, được phòng ngừa dịch bệnh rất bài bản cũng không khác gì với người nuôi hơn chục con". Ông Bình dẫn chứng như việc mỗi lần xuất gia súc phải đợi cán bộ thú y đến kiểm tra xác nhận rồi mới được xuất đi. Đối với xuất heo giống còn bị kiểm tra gay gắt hơn. Xuất gia cầm thì phải đợi kết quả xét nghiệm huyết thanh v.v... Những việc như vậy theo ông Bình thì chỉ cần thiết khi tình hình dịch bệnh đang xảy ra gần khu vực trại chăn nuôi. Còn việc kiểm tra quá kỹ đối với những trại nuôi chuyên nghiệp trong thời gian không có dịch bệnh chỉ khiến người chăn nuôi mất tính chủ động. Và ông cho rằng, ngành thú y nên đưa ra những tiêu chí và xếp theo bậc A, B, C rồi yêu cầu các trại phải thực hiện theo các tiêu chí ấy, sau đó tiến hành kiểm tra đột xuất, nếu trại nào đạt loại A thì cấp giấy "thông hành" cho chủ trại. Có giấy đó chủ trại muốn xuất gia súc, gia cầm khi nào thì tùy. Giấy "thông hành" đó không chỉ dễ dàng cho chủ trại xuất sản phẩm mà còn tăng thêm thương hiệu cho trại chăn nuôi. Ở những bậc B, C thì sẽ bị kiểm tra nhiều hơn, chặt hơn. Làm như vậy sẽ khuyến khích được người chăn nuôi phát triển và tiến đến mức chuyên nghiệp cao.

 

Nhân viên thú y đang chích ngừa cho heo tại trại heo Trí Công.

 

    Cùng chung quan điểm này, ông Ngô Văn Đức, chủ một trại heo lớn gần 1.000 con ở huyện Xuân Lộc cho rằng, những trại chăn nuôi lớn việc phòng dịch luôn được tuân thủ nghiêm ngặt. Các cơ quan chức năng nên tin tưởng ở các chủ trại. Các chủ trại tự biết phải làm gì để đảm bảo đàn gia súc, gia cầm của mình. Ông Đức nói: "Không cần đợi cán bộ thú y đến nhắc tiêm phòng mà chúng tôi đã chủ động tự tiêm phòng trước rồi. Cả gia sản đặt cả vào đó nên phải phòng bệnh rất kỹ. Tôi nghĩ cơ quan quản lý nên kiểm tra rồi cấp giấy chứng nhận trại chăn nuôi an toàn dịch bệnh để chúng tôi chủ động hơn trong việc lưu thông sản phẩm".

 

    Trao đổi vấn đề này, ông Hoàng Sơn Hải, Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh cho biết: Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn cũng vừa có chủ trương sẽ cấp giấy chứng nhận cho những cơ sở và vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh sau khi đã được các cơ quan chuyên môn thẩm định đủ tiêu chuẩn. Giấy chứng nhận này có thời hạn 2 năm nếu như cơ sở hoặc vùng chăn nuôi đó đảm bảo được những tiêu chí quy định. Ông Hải nói: "Tôi nghĩ, ở Đồng Nai đến nay đã có nhiều cơ sở chăn nuôi đạt đủ tiêu chuẩn cấp loại giấy này.  Tuy nhiên, theo ông Hải, việc triển khai cấp giấy chứng nhận cơ sở chăn nuôi an toàn dịch bệnh cho các trại chăn nuôi chưa thể tiến hành ngay do vấn đề thẩm định liên quan đến nhiều cơ quan chuyên môn khác nhau.

Vân Nam

 

Tin xem nhiều