Báo Đồng Nai điện tử
En

Làm thế nào để sản xuất nông nghiệp ở Đồng Nai phát triển nhanh và bền vững thời hội nhập?
Bài 4: Lãnh đạo các sở, ngành và huyện nói gì ?

08:07, 01/07/2008

Các ý kiến của lãnh đạo các đơn vị quản lý nhà nước chuyên ngành về lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, về cho vay hộ nông dân, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật và UBND các huyện cho thấy vẫn còn nhiều vấn đề bức thiết phải được đầu tư đồng bộ để thúc đẩy nông nghiệp trên địa bàn phát triển nhanh và bền vững.

Các ý kiến của lãnh đạo các đơn vị quản lý nhà nước chuyên ngành về lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, về cho vay hộ nông dân, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật và  UBND các huyện cho thấy vẫn còn nhiều vấn đề bức thiết phải được đầu tư đồng bộ để thúc đẩy nông nghiệp trên địa bàn phát triển nhanh và bền vững.

 

* Ông Nguyễn Văn Giàu, Giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn: Cần quy hoạch, thiết kế lại đất trồng trọt theo hướng sản xuất tập trung

Theo tôi, đây là vấn đề hết sức khó, vì Việt Nam đã hội nhập với nền kinh tế thế giới, do vậy những biến động của thế giới sẽ tác động vào sản xuất và đầu ra của nông sản. Ví dụ như dầu hỏa thế giới tăng dẫn đến giá mủ cao su tăng hay Mỹ và một số nước khác sử dụng nông sản vào sản xuất nhiên liệu sinh học dẫn đến giá lương thực tăng... Cho nên vấn đề cần quan tâm nhất hiện nay là phải quy hoạch, thiết kế lại diện tích đất canh tác, giống như tỉnh đã chỉ đạo cho các huyện quy hoạch vùng chăn nuôi tập trung. Đây là một việc cũng rất khó làm nhưng cứ để cây trồng (hoặc chăn nuôi) theo kiểu manh mún và phân tán thì khó vận động hộ nông dân tăng diện tích tập trung, xây dựng sản xuất nông nghiệp theo tiêu chuẩn GAP (thực hành sản xuất tốt) để đáp ứng yêu cầu hội nhập. Hai là, chuyển giao và xây dựng các mô hình ứng dụng kỹ thuật mới để giảm chi phí đầu vào và tăng lợi nhuận cho hộ nông dân, như: tưới nước tiết kiệm, bón phân qua đường ống tưới, trồng rau sạch trong nhà lưới... Hiện nay, Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn đã xây dựng được nhiều mô hình kỹ thuật mới cho cây tiêu, xoài, sầu riêng, cam, quýt cho năng suất tăng gấp 1,5 - 2 lần so với canh tác bình thường. Tôi muốn lưu ý rằng, việc nhân rộng những mô hình này để thay đổi thói quen sản xuất theo kinh nghiệm của nông dân rất cần sự quan tâm của chính quyền và các đoàn thể địa phương, đặc biệt là Hội Nông dân. Ba là, phải tăng cường đào tạo phát triển đội ngũ cán bộ kỹ thuật cho các xã, gồm có kỹ sư, trung cấp kỹ thuật và cộng tác viên nông nghiệp. Sắp tới, Sở sẽ tổ chức tập huấn lại cho cán bộ kỹ thuật nông nghiệp toàn tỉnh về quy trình sản xuất mới và nhân giống các loại cây ăn trái, cây dài ngày. Một vấn đề nữa là xây dựng và phát triển kinh tế hợp tác để có thể thực hiện mối liên kết "4 nhà" đảm bảo đầu ra ổn định.

* Bà Huỳnh Thị Nhân, Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng nông nghiệp và phát triển nông thôn: Đẩy mạnh liên kết "4 nhà" để tạo điều kiện cho hộ nông dân vay vốn tốt hơn

Trong đầu tư cho vay hộ sản xuất nông nghiệp ở Đồng Nai, ngân hàng chúng tôi thấy cũng có những thuận lợi, nhờ vậy, trong những năm qua dư nợ cho vay đối với hộ nông dân ở Đồng Nai đều tăng cao. Cụ thể như năm 2007 tăng 20% so với năm 2006, 5 tháng năm 2008 tăng 8,5% so với cuối năm 2007. Đến nay, toàn tỉnh còn hơn 110 ngàn hộ nông dân vay vốn với tổng dư nợ trên 3.000 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 52% trên tổng dư nợ toàn chi nhánh, trong đó cơ cấu nợ trung, dài hạn chiếm 31%. Chi nhánh cũng cho 731 trang trại vay với tổng dư nợ hiện nay 167 tỷ đồng, tăng gấp gần 2 lần so với năm 2007.

Tuy nhiên, Chi nhánh Ngân hàng nông nghiệp và phát triển nông thôn cũng gặp không ít khó khăn, như: sản phẩm nông nghiệp luôn gắn liền với thiên tai - dịch bệnh, mặc dù tỉnh có nhiều cố gắng nhưng không tránh khỏi bị ảnh hưởng. Việc bảo hiểm cho sản xuất nông nghiệp chưa được thực hiện; việc quy hoạch cây con chưa khoa học, dẫn đến tình trạng nông dân chạy đua trồng trọt, chăn nuôi theo phong trào nên thường xảy ra tình trạng "được mùa thì mất giá". Việc phối kết hợp "4 nhà" trong sản xuất nông nghiệp chưa đạt kết quả cao, sản phẩm nông nghiệp không được bảo hiểm giá nên hiệu quả sản xuất không ổn định. Điều này cũng làm hạn chế việc cho vay hộ nông dân. Ngoài ra, Ngân hàng nông nghiệp hoạt động trên địa bàn rộng, chi phí cao nên lãi suất cho vay thường cao hơn các tổ chức tín dụng khác, không có nguồn vốn rẻ hỗ trợ ổn định cho sản xuất nông nghiệp và rủi ro cũng không nhỏ.

* Ông Huỳnh Thành Vinh, Giám đốc Trung tâm khuyến nông Đồng Nai: Tạo cơ hội cho nông dân ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật

Hiện nay, sản xuất nông nghiệp của Đồng Nai đa số còn manh mún và nông dân canh tác cây trồng chưa theo nhu cầu thị trường, do đó sản phẩm làm ra thường phải bán với giá rẻ và ít xuất khẩu được. Để nông nghiệp trên địa bàn tỉnh phát triển ổn định và bền vững, trước tiên nông dân phải tự khẳng định được vị trí của mình bằng cách định hướng được thị trường và sản xuất theo nhu cầu của thị trường. Muốn làm được điều này bắt buộc nông dân phải áp dụng khoa học kỹ thuật (KHKT) vào trong sản xuất nhằm giảm chi phí đầu vào, tăng năng suất để giảm giá thành, sản phẩm làm ra sẽ đồng đều chất lượng cao, dễ dàng cạnh tranh với thị trường trong và ngoài nước. Nông dân phải cùng hợp tác để sản xuất, cụ thể nên thành lập các CLB tiến đến thành lập HTX, có như vậy mới đưa cơ giới hóa vào trong sản xuất để giảm công lao động, đồng thời ứng dụng cùng một quy trình kỹ thuật, sản phẩm làm ra sẽ có số lượng lớn, đồng đều, đáp ứng được các đơn đặt hàng lớn, góp phần ổn định đầu ra.

Hiện nay, đa số nông dân trên địa bàn tỉnh chưa ứng dụng được các tiến bộ KHKT vào trong sản xuất là do đòi hỏi đầu tư ban đầu rất cao, nông dân không đủ khả năng để đầu tư, dù biết rằng ứng dụng KHKT sẽ cho năng suất cao. Để nông dân có thể tiếp cận và áp dụng những tiến bộ KHKT vào trong sản xuất,  Nhà nước cần có hỗ trợ vốn cho dân, xây dựng các cơ sở hạ tầng phục vụ cho sản xuất nông nghiệp, như: hệ thống thủy lợi, điện, đường, đồng thời giúp dân xây dựng được thương hiệu cho sản phẩm của mình và xúc tiến thương mại để mở rộng thị trường tiêu thụ.

* Ông Trần Anh Tuấn, Phó chủ tịch Thường trực UBND huyện Xuân Lộc: Chuyển dịch cơ cấu cây trồng theo hướng sản xuất chuẩn GAP

Huyện Xuân Lộc sẽ tiếp tục chuyển dịch cơ cấu cây trồng theo hướng sản xuất hàng hóa và thực hành nông nghiệp tốt (GAP), quy hoạch đầu tư các cánh đồng 2 lúa + 1 màu hoặc  2 màu + 1 lúa. Đầu tư thâm canh tăng vụ để nâng cao giá trị thu nhập/hécta canh tác. Khuyến khích cải tạo giống đối với vườn cây già cỗi như chôm chôm, sầu riêng, xoài nhãn; đặc biệt, huyện Xuân Lộc đầu tư giống mới cho nông dân trồng thử nghiệm lúa lai đạt năng suất từ 8 đến 9 tấn/hécta, hiện đang nhân rộng và đang trồng thử nghiệm khoai lang Nhật diện tích 12 hécta bước đầu có hiệu quả và sẽ nhân rộng mô hình này. Đến nay, huyện Xuân Lộc đã có nhiều vùng có giá trị sản xuất từ 100 triệu đến 250 triệu đồng/hécta/năm, như: vùng sản xuất 1 vụ bắp + 2 vụ lúa tại Lang Minh, Suối Cát, Xuân Phú; tiêu tại Suối Cao; xoài tại Xuân Hưng và rau tại Xuân Phú, Xuân Bắc.

Xuân Lộc củng cố và xây dựng các CLB năng suất cao trên các loại cây trồng, vật nuôi, thực hiện quy hoạch các vùng chuyên canh các loại cây trồng có giá trị sản xuất cao để xuất khẩu, như: vùng chuyên canh cây điều, tiêu, cây ăn trái, phát triển sản xuất rau sạch trở thành hàng hóa cung cấp cho các vùng đô thị tập trung (hiện rau sạch Xuân Lộc đã tiêu thụ tại siêu thị Metro với sản lượng cung cấp từ 500 - 800kg/ngày, các đô thị Vũng Tàu, TP. Hồ Chí Minh với sản lượng 80 - 100 tấn/ngày). Đến nay, toàn huyện đã xây dựng được 135 CLBNSC. Nhiều tổ hợp tác từ các CLB đã được hình thành, như: tổ liên đới vay vốn, tổ bảo vệ thực vật, tổ khuyến nông, tổ cơ giới hóa... qua đó hỗ trợ cho các hội viên sản xuất đạt hiệu quả. Huyện cũng quan tâm đến phối hợp với các ngành chuyên môn, cán bộ khoa học kỹ thuật, quản lý kinh tế - xã hội, các doanh nghiệp phát triển mô hình liên kết "4 nhà" nhằm thúc đẩy cùng phát triển nhanh, mạnh và vững chắc; phát triển mạnh các loại hình kinh tế hợp tác trong nông nghiệp, nông thôn và kinh tế trang trại.

* Ông Phạm Văn Dung, Chủ tịch UBND huyện Thống Nhất: Làm tốt công tác quy hoạch và định hướng sản xuất

Tôi cho rằng, tính cạnh tranh của sản xuất nông nghiệp còn thấp và thiếu bền vững là do sản xuất còn nhỏ lẻ, theo thói quen còn phổ biến, dẫn đến năng suất thấp và giá bán cao, đồng thời thị trường tiêu thụ không ổn định và hạ tầng phục vụ sản xuất còn yếu kém. Tôi cũng nhận thấy, Việt Nam là một quốc gia về nông nghiệp nhưng về số lượng lẫn chất lượng đào tạo cán bộ phục vụ ngành nông nghiệp còn thấp, nhất là cán bộ trực tiếp ở cơ sở; chưa có sự liên kết, gắn bó giữa các viện, trường đào tạo với địa phương... Theo tôi, cần phải làm tốt công tác nghiên cứu thị trường và quy hoạch vùng sản xuất. Quy hoạch và định hướng sản xuất cùng với các chính sách liên quan đến "tam nông" là việc mà Nhà nước phải làm trên cơ sở thu thập, xử lý thông tin từ thế giới và khu vực. Không nên để nông dân sản xuất theo kiểu "tự phát". Cùng với đó, phải đẩy mạnh công tác quản lý Nhà nước về môi trường, về chất lượng sản phẩm, đặc biệt là nông sản xuất khẩu. Cần quan tâm đến việc tổ chức thị trường và có cái nhìn thông thoáng hơn về thị trường. Bởi, cùng với quá trình phát triển thì thị trường cũng sẽ có những thay đổi do đó sản xuất cũng đừng quá phụ thuộc khi thị trường có sự thay đổi. Vấn đề nữa là bằng các chính sách đòn bẩy phải khuyến khích nông dân tổ chức lại sản xuất, hợp tác với nhau làm ăn.

* Ông  Nguyễn Hữu Lý, Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Cửu: Tập trung hiện đại hóa nông thôn

 Đây là vấn đề cực kỳ lớn và cũng cực khó. Tuy nhiên, cũng đừng quá "sốt ruột", bởi lẽ nếu có thật nhiều tiền cũng không thể làm cho "tam nông" của chúng ta hiện đại và giàu có lên trong một sớm một chiều được. Nóng vội và cùng với thiếu trách nhiệm có thể dẫn đến việc hoạch định chính sách, chiến lược sai và sẽ dẫn đến đầu tư sai, mà hậu quả của đầu tư sai còn tệ hại hơn nhiều là không đầu tư. Thực tế,  chúng ta cũng đã có những bài học thất bại trong nông nghiệp.

Theo suy nghĩ cá nhân tôi, không cần đô thị hóa mà tập trung hiện đại hóa nông thôn và trong những trường hợp cần thiết phải ngăn chặn việc đô thị hóa nông thôn. Bởi, không có hạ tầng kỹ thuật sẽ không có gì cả. Do vậy, đầu tư hạ tầng kỹ thuật phải đi trước một bước. Cần phải thay đổi cách nghĩ là "mở đường, xây cầu cho ai đi và thu được cái gì?". Nhà nước cũng cần có chính sách thỏa đáng đầu tư cho giáo dục ở nông thôn nhằm tạo cơ hội cho nông dân có khả năng tiếp cận việc làm và nâng cao năng lực đối phó của nông dân với những rủi ro, bất trắc. Tôi nghĩ, đã đến lúc phải thực sự quan tâm lãnh đạo, hoàn thiện quan hệ sản xuất trong nông nghiệp, một vấn đề trước đây nói rất nhiều nhưng hiện nay ít được quan tâm. Một vấn đề quan trọng nữa là xây dựng, củng cố đội ngũ cán bộ cơ sở có đủ tầm, có tâm và hoạt động chuyên nghiệp mới đủ sức giải quyết những vấn đề ở địa phương, đồng thời tổ chức thực hiện các chương trình, dự án của Chính phủ và tỉnh về phát triển "tam nông" một cách có hiệu quả.

Bài 1: Những mô hình cho thu nhập cao vì sao không thể nhân rộng?

Bài 2: Thiếu những kỹ sư ngoài đồng ruộng

Bài 3: Cần những vùng sản xuất nông nghiệp chuyên canh, tập trung

X.Phú - K.Giới - H.Giang

Tin xem nhiều