Báo Đồng Nai điện tử
En

Làm thế nào để sản xuất nông nghiệp ở Đồng Nai phát triển nhanh và bền vững thời hội nhập?
Bài 3: Cần những vùng sản xuất nông nghiệp chuyên canh, tập trung

08:06, 27/06/2008

Mặc dù trong những năm qua, ngành nông nghiệp đã có nhiều nỗ lực để đầu tư thúc đẩy sản xuất phát triển, nhưng sự phát triển ấy vẫn chưa cao, do sản xuất còn manh mún, thiếu những vùng chuyên canh tập trung, lượng hàng hóa chưa đủ để cạnh tranh...

Mặc dù trong những năm qua, ngành nông nghiệp đã có nhiều nỗ lực để đầu tư thúc đẩy sản xuất phát triển, nhưng sự phát triển ấy vẫn chưa cao, do sản xuất còn manh mún, thiếu những vùng chuyên canh tập trung, lượng hàng hóa chưa đủ để cạnh tranh...

 

Thu hoạch xoài ở La Ngà, huyện Định Quán.

* Nhìn từ những vùng chuyên canh

 

Cùng ở huyện Cẩm Mỹ, nhưng có nơi trồng mãng cầu xiêm (mãng cầu gai) chỉ để ăn không bán được, nhưng cũng có nơi lại làm giàu bằng loại cây này. Trong đó, xã Xuân Bảo là một điển hình làm kinh tế bằng cây mãng cầu xiêm, khi người dân ở cả 3 ấp: Tân Hạnh, Nam Hà và Tân Mỹ đều phát triển cây mãng cầu rất mạnh. Diện tích mãng cầu xiêm toàn xã đến nay đã lên tới 300 hécta, mỗi năm cung cấp cho thị trường vài ngàn tấn trái. Anh Bùi Đức Hải, chủ 1 hécta vườn mãng cầu xiêm ở ấp Tân Hạnh cho biết, đầu ra của sản phẩm tương đối ổn định, giá từ 3.000 đến 10.000 đồng/kg (tùy theo thời kỳ). Anh Hải nói: "Nhiều khi lượng mãng cầu trong vườn ít, không đủ chuyến, bạn hàng phải chạy đôn chạy đáo đi tìm hàng mua thêm cho đủ". Thị trường mãng cầu ở đây khá sôi động, trái lớn, nhỏ đều được khách hàng mua hết. Trong khi cách đó vài chục cây số, tại những xã giáp ranh với tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, người dân chỉ trồng mãng cầu để ăn, vì không có người mua. Chị Nguyễn Thị Lập ở xã Nhân Nghĩa (huyện Cẩm Mỹ) cho biết: "Mấy năm trước tôi trồng một ít mãng cầu xiêm quanh vườn ăn không hết, phải đem đi bán, nhưng có khi có người mua, có khi không, nên năm rồi phải chặt bỏ gần hết". Giải thích vấn đề này, anh Hải nói: "Nếu loại trái cây này thực sự là hàng hiếm thì có ít cũng bán được, nhưng do nó là hàng bình thường nên bạn hàng ít muốn đi mua gom nhiều nơi vì gom cả ngày mới được 1 đến 2 tạ thì làm sao có lãi? Trong khi đó, đến những vùng trồng nhiều, chỉ 1 vườn cũng được cả tấn". Nhờ vào người dân ở đây sản xuất thâm canh và tập trung nên mẫu mã mãng cầu xiêm khá đẹp, có ưu thế cạnh tranh lớn.

Tương tự như cây mãng cầu xiêm ở xã Xuân Bảo, cây xoài trên đất La Ngà (huyện Định Quán) cũng là một điển hình về canh tác tập trung. Toàn xã La Ngà đến nay đã có trên 770 hécta xoài, hàng năm cung cấp cho thị trường vào khoảng 23 ngàn tấn xoài. Vào mùa thu hoạch xoài (tháng 2 - 3) xe tải lớn, nhỏ tấp nập đến mua. Trong khi đó, nhiều nhà vườn trồng xoài nhỏ lẻ ở nơi khác phải tự chở hàng đi bán. Chị Nguyễn Thị Kim Phượng, chủ vườn xoài ở ấp 3, người từng có thâm niên trồng xoài nơi đây cho hay,  việc bán xoài tại đây khá dễ dàng, sắp đến mùa thu hoạch rất nhiều thương lái tới từng nhà vườn hỏi mua. Ông Lý Văn Ngọc, Phó chủ tịch UBND xã La Ngà cho biết, xã La Ngà đang đẩy mạnh việc thành lập các câu lạc bộ (CLB) trồng xoài năng suất cao và xúc tiến xây dựng thương hiệu cho xoài La Ngà. Ông Ngọc nói: "Xoài La Ngà muốn cạnh tranh tốt trên thị trường thì phải xây dựng cho được thương hiệu. Để làm điều đó bắt buộc khâu sản xuất phải được tổ chức bài bản để nâng cao năng suất và chất lượng, tiến tới hướng dẫn các nhà vườn cung cấp cho thị trường những loại sản phẩm như xoài an toàn hay xoài sạch".

Hiện nay, không chỉ đối với cây ăn trái, mà ngay cả những cây hoa màu khác khi sản xuất tập trung vẫn có được lợi thế cạnh tranh rất lớn. Đơn cử là cây bắp ở vụ đông - xuân tại huyện Xuân Lộc. Vào vụ đông - xuân, nhiều xã  như: Lang Minh, Xuân Phú, Xuân Tâm... đã hình thành những cánh đồng bắp rộng lớn và bắp luôn luôn bán được giá cao hơn ở các nơi khác từ 1 đến 2 giá.

 

* Sản xuất tập trung sẽ có lợi thế

Một góc cánh đồng bắp đông - xuân của xã Lang Minh, huyện Xuân lộc.

 

Tiến sĩ Nguyễn Minh Châu, Viện trưởng Viện Cây ăn quả miền Nam cho rằng, Đồng Nai cũng như cả nước hiện vẫn còn thiếu quy hoạch phát triển cây trồng chuyên canh, tập trung với quy mô lớn. Ông nói: "Chừng nào người nông dân chúng ta còn sản xuất manh mún, nhỏ lẻ thì chừng ấy họ còn gặp phải cảnh đụng hàng dội chợ".  TS Châu khẳng định, chỉ khi nào có được những vùng cây trồng chuyên canh khi đó mới có được sản phẩm đồng đều, sản lượng lớn, và việc tiêu thụ sản phẩm mới dễ dàng hơn. Tiến sĩ Nguyễn Văn Ngãi, Trưởng khoa Kinh tế - Trường đại học nông lâm TP.Hồ Chí Minh cũng cho rằng, phát triển nông nghiệp cần phải theo hướng tập trung, sản phẩm nông nghiệp làm ra phải mang tính hàng hóa lớn. Ông Ngãi  nói: "Có thể do nông dân tự liên kết, cũng có thể phát triển theo mô hình HTX, hoặc doanh nghiệp đầu tư v.v... nhưng cuối cùng là phải sản xuất tập trung để có số lượng sản phẩm lớn".

X.Phú - K.Giới - H.Giang

Bài 1: Những mô hình cho thu nhập cao vì sao không thể nhân rộng?

Bài 2: Thiếu những kỹ sư ngoài đồng ruộng

Kỳ sau: Lãnh đạo các sở, ngành và huyện nói gì?

Tin xem nhiều