Báo Đồng Nai điện tử
En

Hội Nông dân Đồng Nai trước yêu cầu phát triển mới về "tam nông"

09:06, 25/06/2008

Theo Hội Nông dân tỉnh, Đồng Nai hiện có hơn 190.000 hộ nông dân, chiếm gần 65% dân cư và 52,17% lao động xã hội. Nhiều năm qua, nông dân Đồng Nai đã chủ động khắc phục khó khăn, đầu tư ứng dụng các quy trình kỹ thuật tiên tiến, các loại giống mới, chuyển dịch cơ cấu sản xuất và thực hiện các biện pháp thâm canh làm cho sản xuất nông nghiệp và nông thôn có sự khởi sắc...

Theo Hội Nông dân tỉnh, Đồng Nai hiện có hơn 190.000 hộ nông dân, chiếm gần 65% dân cư và 52,17% lao động xã hội. Nhiều năm qua, nông dân Đồng Nai đã chủ động khắc phục khó khăn, đầu tư ứng dụng các quy trình kỹ thuật tiên tiến, các loại giống mới, chuyển dịch cơ cấu sản xuất và thực hiện các biện pháp thâm canh làm cho sản xuất nông nghiệp và nông thôn có sự khởi sắc...

 

 

Trồng huệ ở cánh đồng Tân Uyên, Gia Tân Ba, huyện Thống Nhất.

* Những nỗ lực của nông dân

 

Dù sản xuất đang có chiều hướng giảm diện tích để nhường đất cho trào lưu công nghiệp và đô thị hóa, nhưng năm 2007, tổng giá trị sản phẩm lĩnh vực nông nghiệp thu được gần 6.641 tỷ đồng, chiếm 12,1% tổng giá trị sản phẩm toàn  tỉnh. Diện tích cây gieo trồng ngắn ngày đạt gần 200.000 hécta, sản lượng cây lương thực đạt 633.000 tấn. Xu hướng chuyển dịch từ cây lúa sang cây bắp trong vụ đông xuân vừa qua cũng đã đạt 1.614 hécta, tăng 94% so với cùng kỳ. Diện tích cây lâu năm đạt hơn 89.520 hécta  (không kể diện tích cây cao su) và 49.181 hécta cây ăn quả được tuyển chọn giống tốt, cho năng suất và chất luợng cao. Kết hợp trồng trọt với chăn nuôi là tập quán của nông dân Đồng Nai, dù điều kiện chăn nuôi ngày càng ngặt nghèo hơn. Hơn 1,1 triệu con heo, hơn 113 ngàn con trâu, bò và trên 5 triệu gia cầm và một số vật nuôi khác đã góp phần làm cho giá trị chăn nuôi trong ngành nông nghiệp tăng gần 8%. Trong đó còn phải kể đến hơn 31.000 tấn thủy sản/năm thu hoạch được từ nghề nuôi thủy sản.

Có thể nói, nông dân Đồng Nai đã sớm tiếp cận với nền sản xuất hàng hóa khi cơ chế thị trường bắt đầu mở. Tùy theo thời cuộc, nhu cầu thị trường mà nông dân quyết định trồng cây gì, nuôi con gì cho phù hợp. Do vậy, từng thời gian mà Đồng Nai đã có những vùng chuyên canh nổi tiếng về đậu nành, cà phê, điều, tiêu, mì, thuốc lá, cây ăn trái và những trang trại nuôi heo, gà, bò lai Sind, dê; cá, tôm... Với việc hình thành hàng ngàn trang trại, có thể nói các "ông chủ nông dân" đã là những người dám mạnh dạn thực hiện các ý tưởng để làm giàu cho mình và mở đường cho các hộ còn nghèo cố gắng phấn đấu vượt lên. Số hộ nghèo ở khu vực nông thôn hiện chiếm khoảng 77,55% hộ nghèo toàn tỉnh. Thu nhập hộ nghèo tăng hơn 2 lần so với cách nay 5 năm.

 

* Thách thức trong thời hội nhập

 

Bằng nỗ lực của mình, các cấp Hội Nông dân (HND) trong tỉnh nhiệm kỳ qua cũng đã củng cố thực lực bằng các phong trào cổ vũ, động viên nông dân tham gia phong trào nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi, lồng ghép công tác xây dựng Hội với công tác phối hợp thực hiện các chỉ tiêu kinh tế - xã hội  và bảo vệ trật tự trị an ở địa phương, xây dựng và giữ gìn bản sắc văn hóa Việt. Hội đã vận động hội viên đoàn kết, tương trợ giúp nhau phát triển sản xuất, giảm nghèo; tham gia đóng góp xây dựng các công trình phúc lợi địa phương; liên kết với các cơ quan liên quan để hình thành các tổ, nhóm hợp tác, hợp tác xã... sản xuất, dịch vụ. Mô hình câu lạc bộ năng suất cao cũng đã và đang kích thích phong trào sản xuất ở nông thôn có nhiều chuyển biến, trong đó Xuân Lộc là một điển hình về việc xây dựng các mô hình CLB này.

Nhiều mô hình trồng trọt và chăn nuôi theo phương thức tiên tiến đã được ứng dụng ở Đồng Nai.

Tuy có nhiều tiến bộ đáng kể trên mặt trận sản xuất nông nghiệp, tạo ra nhiều của cải cho xã hội và đóng góp cho an ninh lương thực - thực phẩm địa phương và quốc gia nhưng từ thực tiễn sản xuất nhiều năm qua, HND tỉnh đã nhận định việc sản xuất còn mang tính tự phát, sản xuất manh mún, trình độ ứng dụng khoa học công nghệ còn nhiều bất cập, nhận thức về hội nhập, về kinh tế thị trường và kỹ năng quản lý còn nhiều hạn chế... Đời sống một bộ phận nông dân chưa được cải thiện; khoảng cách giữa nhóm hộ giàu và nhóm hộ nghèo có giảm, nhưng đời sống hộ giàu so với hộ nghèo còn chênh lệch khá xa. Việc nhân rộng các mô hình áp dụng kỹ thuật tiên tiến tại địa bàn thôn ấp, xã còn khó khăn...

Đây là những vấn đề quan trọng trong việc ổn định và phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng bền vững và hội nhập WTO. Vậy, HND đứng ở đâu trong những khó khăn, thách thức mà nông dân còn đối mặt? Có lẽ  chương trình nghị sự của Đại hội đại biểu Hội Nông dân lần thứ VII (nhiệm kỳ 2008-2013) sẽ đề cập đến vấn đề này một cách rõ ràng hơn.

 

* Cần tiếng nói của hội từ cuộc sống

5 năm qua, Hội ND các cấp trong tỉnh đã vận động đóng góp xây dựng Quỹ hỗ trợ nông dân từ hơn 2 tỷ đồng (năm 2003) lên 2 tỷ 661 triệu đồng (năm 2007). Với số tiền này, hàng ngàn lượt hội viên, nông dân đã được vay vốn để vượt qua những ngặt nghèo trong sản xuất và đời sống. Bên cạnh đó, Hội còn cùng với Ngân hàng chính sách xã hội triển khai chương trình ủy thác cho vay hộ nghèo với việc vận động thành lập 1.478 tổ và đã có gần 17.200 hộ nghèo được vay 170 tỷ đồng để phát triển sản xuất. Nhiều hoạt động khác liên quan đến việc hỗ trợ nông dân tín chấp mua vật tư phân bón, máy nông nghiệp... cũng đã được Hội ND các cấp thực hiện.

 

Không thể phủ nhận những gì mà các HND các cấp ở Đồng Nai đã cùng chia sẻ, lo toan với hội viên, nông dân của mình vì sự phát triển chung trong sản xuất và đời sống. Tổ chức Hội cũng ngày càng phát triển về lượng, với hơn 200.000 hội viên/190.000 nông hộ, tính bình quân hơn 1 hộ có hơn 1 hội viên. Nhưng với những vấn đề thời sự đang đặt ra trong lĩnh vực "tam nông" của thời hội nhập, như sự tăng tốc công nghiệp hóa, đô thị hóa đang thu hẹp diện tích đất nông nghiệp; sản xuất nông nghiệp vẫn còn bấp bênh về thời tiết và đầu ra chưa ổn định, năng suất  chưa thật cao và vấn đề chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm cũng còn phải quan tâm. Đó còn là việc một bộ phận nông dân bị hy sinh đất cho phát triển công nghiệp và đô thị và cuộc sống trở nên bấp bênh, vì thiếu việc làm...

Những vấn đề này đòi hỏi Hội phải thực sự sâu sát với tình hình cơ sở, nhạy bén hơn với những gì đang đặt ra trong nông nghiệp -nông dân - nông thôn để là cầu nối kịp thời phản ảnh lên các cấp, các ngành về những bức xúc đặt ra từ thực tiễn cuộc sống. Hơn ai hết, tiếng nói của Hội phải đại diện cho hội viên, nông dân trong các vấn đề về chính sách chưa phù hợp, làm ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp, chính đáng của hội viên, nông dân. Hội phải là chỗ dựa cho nông dân  để phản biện những vấn đề còn chưa thấu tình đạt lý. Có như vậy thì vai trò của Hội mới nâng tầm lên đáp ứng yêu cầu của giai đoạn mới, phục vụ cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại  nông nghiệp, nông thôn.

Kim Loan

 

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều