Báo Đồng Nai điện tử
En

Vùng Đông Nam bộ: Nguy cơ "bùng nổ" dịch heo tai xanh rất cao

09:05, 19/05/2008

Tại Diễn đàn "Giải pháp phát triển ngành chăn nuôi heo hàng hóa theo hướng bền vững" do Trung tâm khuyến nông quốc gia (Bộ NN-PTNT) cùng báo Nông nghiệp Việt Nam tổ chức vào cuối tuần qua tại Bà Rịa - Vũng Tàu, tiến sĩ Nguyễn Xuân Bình, Phó giám đốc Cơ quan thú y vùng 6 cảnh báo, huyện Cát Tiên (tỉnh Lâm Đồng - giáp ranh tỉnh Đồng Nai) hiện đang là cao điểm dịch heo tai xanh. Nếu heo tai xanh từ Cát Tiên mà "đâm thủng" phòng tuyến Đồng Nai thì hàng ngàn người chăn nuôi sẽ nguy khốn, thị trường thịt heo sẽ biến động khôn lường.

Tại Diễn đàn "Giải pháp phát triển ngành chăn nuôi heo hàng hóa theo hướng bền vững" do Trung tâm khuyến nông quốc gia (Bộ NN-PTNT) cùng báo Nông nghiệp Việt Nam tổ chức vào cuối tuần qua tại Bà Rịa - Vũng Tàu, tiến sĩ Nguyễn Xuân Bình, Phó giám đốc Cơ quan thú y vùng 6 cảnh báo, huyện Cát Tiên (tỉnh Lâm Đồng - giáp ranh tỉnh Đồng Nai) hiện đang là cao điểm dịch heo tai xanh. Nếu heo tai xanh từ Cát Tiên mà "đâm thủng" phòng tuyến Đồng Nai thì hàng ngàn người chăn nuôi sẽ nguy khốn, thị trường thịt heo sẽ biến động khôn lường.

 

Hủy heo bệnh tai xanh.

* Khó kiểm soát

 

Theo Cơ quan thú y vùng 6 (TY 6) thì huyện Cát Tiên (tỉnh Lâm Đồng) hiện vẫn là cao điểm dịch heo tai xanh: 8/12 xã đã có dịch với 107 hộ chăn nuôi có heo tai xanh. Khả năng phải đến cuối tháng 5, Lâm Đồng mới khống chế được dịch, chứ chưa phải dập tắt. Theo khảo sát của TY6, khi Cát Tiên cấm giết mổ, vận chuyển, đã có tình trạng người chăn nuôi xót của tìm mọi ngõ ngách để vận chuyển heo mang mầm bệnh ra vùng không dịch bệnh. Mặc dù những trục đường chính (đơn cử QL20) đi sang các tỉnh đều có các trạm kiểm dịch của thú y nhưng thú y không thể kiểm soát hết được. Trong khi đó, từ Cát Tiên có rất nhiều ngõ ngách đường rừng để heo mang mầm bệnh lọt về Đồng Nai, Bình Phước. "Mặc dù chính quyền địa phương đã siết chặt quản lý, song việc kiểm soát hiện rất khó khăn. Vì vậy, trong thời gian này, nguy cơ lây lan cao nhất và gần nhất là huyện Tân Phú (tỉnh Đồng Nai) và huyện Bù Đăng (tỉnh Bình Phước) nơi giáp ranh với huyện Cát Tiên!" - ông Bình lo lắng.

Mầm bệnh heo tai xanh có thể phát tán theo không khí, theo chính cán bộ thú y đi tiêm phòng dịch, theo những người đi xem tiêu hủy v.v... Đáng lưu ý, độc lực của virus heo tai xanh ở Cát Tiên là loại có độc lực cao từng phát hiện ở miền Trung. Trong môi trường mới, virus này cực kỳ dễ phát tán và tiêu diệt nhanh hệ miễn dịch của heo bản địa. Nhận định về sức phát tán và tác hại ghê gớm về mặt kinh tế của dịch heo tai xanh, PGS.TS Lê Thanh Hải (Phó chủ tịch Hội KHKT chăn nuôi Việt Nam) phải thốt lên: "Dịch heo tai xanh giống như một cơn bão, nó quét đến đâu, sẽ tiêu tan sạch sẽ đến đó!".

 

* "Lá chắn thép" ở Đồng Nai ra sao?

 

Các cơ quan chức năng hiện lo nhất là Đồng Nai, nơi mệnh danh là "Vương quốc heo" của miền Đông với tổng đàn khoảng 1,1 triệu con, gấp 3-4 lần các tỉnh Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, TP.Hồ Chí Minh. Đồng Nai cũng là cửa ngõ để vào các tỉnh Đông Nam bộ đến miền Tây. Vì vậy, nếu Đồng Nai - lá chắn thép - mà bị "thủng" thì hàng ngàn người chăn nuôi cả miền Đông, thậm chí miền Tây lâm nguy. Trong bối cảnh "thập phần" nguy hiểm nêu trên, cơ quan chức năng tỉnh Đồng Nai đã tăng cường lực lượng kiểm soát vùng giáp ranh và đặc biệt, mới đây đã ra lệnh tạm ngưng nhập heo từ Lâm Đồng về.

Tuy nhiên, khâu kiểm soát giết mổ là vấn đề cần phải đặc biệt quan tâm, vì các lò giết mổ tập trung được kiểm soát chặt ở Đồng Nai chỉ đếm trên đầu ngón tay. Trong khi đó, lại có hàng trăm điểm giết mổ nhỏ lẻ mà ngành thú y không thể đủ người để kiểm soát đóng dấu kiểm dịch, không thể biết rõ nguồn gốc heo từ đâu "chui" vào những lò này. Vì vậy, chỉ cần 1 con heo mang bệnh "chui" vào lò giết mổ rồi tung ra thị trường, thì nguy cơ phát tán bệnh phải tính theo cấp số nhân của từng kg thịt heo. Bài học từ Lâm Đồng cho thấy, nguy cơ phát tán dịch bệnh từ việc giết mổ heo thiếu kiểm soát là chủ yếu. TS Nguyễn Xuân Bình nói thêm: "Để ngăn chặn hiệu quả, hơn ai hết người chăn nuôi phải tự cứu mình. Kinh nghiệm từ Lâm Đồng, có trại chăn nuôi cả 1.000 con heo kề vùng có dịch nhưng được quản lý, tiêu độc khử trùng tốt, nên đến nay vẫn chưa phát bệnh".

Ngô Sơn

 

Tin xem nhiều