Báo Đồng Nai điện tử
En

Một hộ chăn nuôi gia cầm chấp hành nghiêm việc di dời ra khỏi nội ô thành phố

09:05, 26/05/2008

Cách đây hơn 10 năm, đến tổ 1, khu phố 4, phường Tân Hiệp (TP. Biên Hòa) hỏi cơ sở chăn nuôi gia cầm của ông Dương Quốc Cường thì hầu như ai cũng biết. Bởi, vào thời điểm đó, trang trại của ông là một trong những cơ sở lớn chuyên cung cấp giống, thịt và trứng gia cầm cho thị trường trong và ngoài tỉnh...

Cách đây hơn 10 năm, đến tổ 1, khu phố 4, phường Tân Hiệp (TP. Biên Hòa) hỏi cơ sở chăn nuôi gia cầm của ông Dương Quốc Cường thì hầu như ai cũng biết. Bởi, vào thời điểm đó, trang trại của ông là một trong những cơ sở lớn chuyên cung cấp giống, thịt và trứng gia cầm cho thị trường trong và ngoài tỉnh...

Ông Cường cho chúng tôi biết, vào thời điểm đó, với hơn 300m2 chuồng trại, gia đình ông thường xuyên chăn nuôi trên 100.000 con gia cầm, cùng với một số máy ấp trứng được trang bị khá hiện đại, cung cấp cho thị trường trong và ngoài tỉnh hàng trăm ngàn quả trứng mỗi tuần. Sau khi trừ chi phí, mỗi tháng gia đình ông thu nhập không dưới 40 triệu đồng và tạo công ăn việc làm, đem lại thu nhập ổn định cho khoảng 10 lao động. Tuy nhiên, cũng như một số hộ chăn nuôi gia cầm khác, sau khi có dịch gia cầm xảy ra ở một số địa phương trong cả nước, đặc biệt là sau khi UBND  TP. Biên Hòa  có chủ trương ngưng chăn nuôi gia cầm, vợ chồng ông đã quyết định di dời chuồng trại đi nơi khác. Ông Cường cho biết: "Khi tỉnh và thành phố có chủ trương di dời tất cả hộ chăn nuôi ra khỏi nội ô thành phố, gia đình tôi chấp hành ngay. Vì tôi thấy không chỉ có gia đình tôi mà những hộ chăn nuôi heo, bò khác đều gây ô nhiễm rất lớn. Thứ hai là hiện có nhiều nguồn bệnh từ gia súc, gia cầm rất nguy hiểm, nếu bùng phát thì ảnh hưởng rất lớn, do đó chủ trương của tỉnh và thành phố là rất đúng và hợp lý...". Tuy nhiên, cũng như một số chủ trang trại chăn nuôi quy mô lớn khác, với ông Cường bên cạnh khó khăn về nguồn vốn đầu tư, thì địa điểm để di dời cũng là một vướng mắc không nhỏ, nhất là đối với một cơ sở chăn nuôi gia cầm quy mô lớn như cơ sở của ông.

Thế nhưng, được sự hướng dẫn và tạo điều kiện của ngành chức năng, sự động viên và hỗ trợ của người thân, đặc biệt là của Ban chủ nhiệm HTX chăn nuôi Hiệp Thành Phát, đầu năm 2005, ông Cường  cũng đã chủ động liên hệ và di dời trang trại đến khu quy hoạch chăn nuôi tập trung ở Lộ Đức, xã Hố Nai 3 (huyện Trảng Bom) để tiếp tục nghề chăn nuôi gia cầm. Với quyết tâm mở rộng quy mô trang trại, trên diện tích 10.000m2 đất, một cơ ngơi chuồng trại có quy mô hiện đại được xây dựng gồm có cả phòng làm việc, kho chứa hàng, kho ấp trứng cùng với hàng chục máy hiện đại, với tổng nguồn vốn đầu tư của ông đến thời điểm này đã lên đến hơn 10 tỷ đồng.

Tính đến thời điểm này, tức sau gần 3 năm di dời đến địa điểm mới, trang trại của ông Cường cũng đã tạm ổn định, với số lượng gia cầm hiện lên đến hơn 200 ngàn con và 500.000 quả trứng được ấp nở  hàng tháng. Trong tình hình dịch cúm gia cầm tái phát ở một số địa phương trong cả nước làm tử  vong nhiều người và gây thiệt hại lớn cho nhiều hộ chăn nuôi, động thái tích cực của ông Dương Quốc Cường ở phường Tân Hiệp thật đáng biểu dương.

Huỳnh Giới

Tin xem nhiều