Báo Đồng Nai điện tử
En

"Sự cố" bắp không hạt ở Tân Phú: Nhà sản xuất giống chỉ hỗ trợ một phần chi phí!?

10:03, 24/03/2008

Liên quan đến "sự cố" bắp không hạt ở xã Thanh Sơn, huyện Tân Phú (báo Đồng Nai đã có bài phản ánh trên số báo ra ngày 15-3-2008), ngày 19-3 Phòng Kinh tế huyện đã cùng Công ty sản xuất giống Syngenta, Công ty bảo vệ thực vật An Giang, Trung tâm khuyến nông tỉnh, Trạm khảo nghiệm giống cây trồng Nam bộ và một số cơ quan chức năng đến các ruộng bắp nhằm kiểm tra, đánh giá nguyên nhân và mức độ thiệt hại từ "sự cố" này.

Liên quan đến "sự cố" bắp không hạt ở xã Thanh Sơn, huyện Tân Phú (báo Đồng Nai đã có bài phản ánh trên số báo ra ngày 15-3-2008), ngày 19-3 Phòng Kinh tế huyện đã cùng  Công ty sản xuất giống Syngenta, Công ty bảo vệ thực vật An Giang, Trung tâm khuyến nông tỉnh, Trạm khảo nghiệm giống cây trồng Nam bộ và một số cơ quan chức năng đến các ruộng bắp nhằm kiểm tra, đánh giá nguyên nhân và mức độ thiệt hại từ "sự cố" này.

 

* Điêu đứng vì bắp không hạt

 

1.900 kg giống bắp NK54 do Công ty Syngenta sản xuất đã  được huyện Tân Phú mua thông qua Công ty bảo vệ thực vật An Giang với giá 42 ngàn đồng/kg để hỗ trợ nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ lúa sang bắp trong vụ đông xuân 2007 - 2008. Nhưng sau gần 3 tháng gieo trồng, cả 80 hécta ruộng được nông dân trồng giống bắp này đã ra trái nhưng không có hạt hoặc hạt rất ít. Bà Lại Thị Nhài, một nông dân ở ấp Suối Đá, xã Thanh Sơn rầu rĩ nói: "Gia đình không có đất phải đi thuê để trồng, nên bao nhiêu công sức và tiền của đều đầu tư vào 1,7 mẫu bắp này. Lúc đầu bắp phát triển rất tốt, nhưng sau Tết Nguyên đán thì xảy ra hiện tượng bắp không hạt. Bây giờ thì đoàn kiểm tra thấy đấy, bóc ra 20 trái không có lấy một trái bắp nào có hạt đầy đủ, khoảng 60% là không có hạt, số còn lại có rất ít. Gia đình tôi đã tốn kém hơn 22 triệu đồng chi phí đầu tư cho 1,7 hécta ruộng bắp này, nay không biết lấy gì bù đắp...".

Còn gia đình bà Phạm Thị Hằng, ở ấp Thanh Quang, xã Thanh Sơn cũng nhận 16kg hạt giống NK54 về trồng trên 8 sào ruộng thay thế cho cây lúa. Lẽ ra trồng lúa bà đã có gạo ăn. Nhưng sau hơn 3 tháng trồng bắp thì giờ này gần đến ngày thu hoạch mới phát hiện ra bắp không có hạt hoặc bị hạt răng cưa. Bà cho biết:  "Nếu như vụ bắp này trúng như một số hộ xung quanh trồng, thì bán đi gia đình tôi cũng lời được khoảng 15 triệu đồng, nhưng nay chúng tôi không biết lấy đâu tiền trả nợ đầu tư".

 

* Nhà sản xuất, quanh co đùn đẩy

 

Mặc dù các hộ trồng bắp cho biết, thời điểm gieo trồng và kỹ thuật canh tác, họ đều làm đúng theo hướng dẫn, thế nhưng trong buổi kiểm tra, nhà sản xuất giống là Công ty Syngenta đã không thừa nhận số giống mà họ bán cho huyện để cung cấp cho nông dân chuyển đổi cây trồng là không đạt chất lượng. Ông Bùi Lê Phi, giám đốc bộ phận sản xuất hạt giống Khu vực miền Nam của Công ty Syngenta một mực cho rằng: "Nguyên nhân gây nên bắp không hạt chính là do lỗi của bà con nông dân xả nước quá nhiều vào thời điểm mà bắp mới trổ bông!". Thực tế cho thấy, trên cùng cánh đồng này, những người trồng các giống bắp khác như: CP 3Q, C 919... thì cây bắp phát triển tốt và năng suất trung bình ước đạt khoảng 7-8 tấn/hécta. 

Qua kiểm tra trên diện rộng với nhiều địa hình thổ nhưỡng và vùng đất khác nhau, như ở các xã Phú Xuân, Núi Tượng,  cho thấy tình trạng bắp giống NK 54 không hạt và kết hạt thưa vẫn có xảy ra với mức độ khác nhau. Trước thực tế như vậy, nhà sản xuất lại cho rằng những vùng trồng bắp này bị các loại rệp đen và có một số diện tích do bắp trổ bông vào thời điểm nắng nóng, làm cho bắp không kết hạt được! Nhưng họ cũng không thể giải thích được vì sao với những loại giống bắp khác do bà con nông dân tự mua tại các đại lý về trồng trên vùng đất này vẫn cho năng suất cao? Tham gia Đoàn kiểm tra, ông Trần Quang Khuông, Trạm khảo nghiệm giống cây trồng Nam bộ nhận xét  rằng, chưa thể kết luận bắp NK 54 không kết hạt và hạt ít có phải là do lô giống này không, nhưng hoàn toàn không phải lỗi do kỹ thuật canh tác của nông dân, cũng như do khí hậu thổ nhưỡng. Bởi vì kiểm tra trên một diện rộng với nhiều xã có nhiều địa hình khác nhau, nhưng đại đa số cây bắp NK54 đều xảy ra hiện tượng tương tự, trong khi các giống bắp khác cùng điều kiện chăm sóc, cùng xuống giống vào một thời điểm và cùng trên một cánh đồng có chung đặc điểm thổ nhưỡng thì lại phát triển tốt.

Mặc dù không thừa nhận về nguyên nhân bắp không hạt hoặc ít hạt là do giống NK54, nhưng Công ty sản xuất giống  Syngenta cũng đã đồng ý hỗ trợ một phần cho bà con nông dân ở xã Thanh Sơn. Cụ thể, nếu thiệt hại từ 10 - 19% sẽ được hỗ trợ 1 triệu đồng/hécta, từ 20 - 39% được hỗ trợ  2,5 triệu đồng/hécta và từ 40% trở lên được hỗ trợ 4 triệu đồng/hécta. Với chi phí đầu tư phân bón, xăng dầu như hiện nay, thì mức hỗ trợ này chỉ mới bù đắp được một phần nhỏ tiền đầu tư. Trong khi đó, có nhiều hộ trồng bắp nằm trong diện nghèo, đời sống rất  khó khăn. Bây giờ muốn chuyển sang trồng cây khác cũng phải mất thêm ít nhất gần 4 tháng nữa mới cho thu hoạch. Như vậy, kể từ khi đưa vào trồng giống bắp NK54, những người nông dân nghèo ở Thanh Sơn phải "gồng mình" chịu đựng nhiều tháng trời không có nguồn thu nhập nào từ đồng ruộng...

Tiến Khang  - Hồng Văn

Tin xem nhiều