Trước tình hình các khu công nghiệp và khu dân cư đô thị ngày càng phát triển, khiến cho đất sản xuất nông nghiệp và diện tích nuôi trồng thủy sản bị ít đi, trong quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp theo hướng phát triển đô thị giai đoạn 2007 - 2010 và định hướng đến năm 2020, huyện Nhơn Trạch xác định có 4 vùng chuyên canh cây trồng và vật nuôi để tăng hiệu quả thu nhập cho nông dân.
Trước tình hình các khu công nghiệp và khu dân cư đô thị ngày càng phát triển, khiến cho đất sản xuất nông nghiệp và diện tích nuôi trồng thủy sản bị ít đi, trong quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp theo hướng phát triển đô thị giai đoạn 2007 - 2010 và định hướng đến năm 2020, huyện Nhơn Trạch xác định có 4 vùng chuyên canh cây trồng và vật nuôi để tăng hiệu quả thu nhập cho nông dân.
Những cánh đồng lúa trong "bức tranh" khu công nghiệp đang hối hả mọc lên ở Nhơn Trạch ngày càng nhiều. |
Theo đó, ở vùng đô thị (thuộc trung tâm thành phố mới) có hơn 3.600 hécta đất nông nghiệp nằm trong quy hoạch phát triển đô thị nhưng chưa xây dựng sẽ được sử dụng theo hướng chuyển đổi cây trồng hàng năm sang trồng hoa, cây cảnh, rau xanh... cung cấp cho các nhà máy, khu công nghiệp. Riêng đối với cây trồng lâu năm và đất rừng sẽ chuyển sang trồng các loại cây xanh tại những khu vực được quy hoạch làm dải cây xanh phân cách. Đến năm 2020 sẽ hình thành các mảng cây xanh đan xen với cụm dân cư như công viên, khu du lịch sinh thái, nhà vườn, cây xanh vỉa hè...
Vùng ven sông Đồng Nai được phân chia làm 3 tiểu vùng, bao gồm xã Đại Phước và một phần diện tích của các xã Phú Hữu, Phú Thạnh và Long Tân nằm xung quanh cù lao ông Cồn chuyển sang mô hình 1 vụ lúa - 1 vụ thủy sản hoặc 1 vụ lúa - 1 vụ màu. Phần diện tích còn lại của các xã Long Tân, Phú Hội và Phước Thiền sẽ chuyển sang trồng lúa với nuôi trồng thủy sản. Còn khu vực đất nông nghiệp ở xã Hiệp Phước sẽ chuyển đổi qua trồng lúa, rau màu.
Vùng khu vực Ông Kèo sẽ hình thành 4 tiểu vùng. Trong đó, tiểu vùng phía đông sông Ông Kèo (khoảng 500 hécta) hình thành các làng trồng rau, hoa và cây cảnh có ứng dụng công nghệ cao. Tiểu vùng phía nam xã Phú Đông và một phần diện tích xã Phú Hữu (khoảng 1.500 hécta) sẽ hình thành mô hình nông nghiệp sinh thái hỗn hợp theo mô hình vườn - ao kết hợp du lịch sông nước, nghỉ dưỡng. Tiểu vùng nằm ngoài đê Ông Kèo (500 hécta) sẽ phát triển cây lâu năm kết hợp nuôi trồng thủy sản và tiểu vùng xã Phước Khánh (1.500 hécta) hình thành các vườn cây ăn trái chịu phèn như dứa, mãng cầu xiêm. Vùng ngập mặn thuộc xã Phước An và Long Thọ sẽ ổn định diện tích rừng phòng hộ và nuôi trồng thủy sản trong rừng. Mở rộng diện tích nuôi trồng thủy sản thâm canh lên 100 hécta, phần diện tích còn lại phát triển mô hình lâm nghiệp kết hợp nuôi trồng thủy sản. Đến năm 2020 tại khu vực này sẽ thành vùng lâm nghiệp sinh thái phục vụ du lịch sông nước.
Đến nay, Nhơn Trạch đã hình thành các vùng chuyên canh như 8.200 hecta lúa, 1.300 hécta mì, 200 hécta dứa, 950 hécta rau, 2.200 hécta mía, 850 hécta sen. |
Để hình thành 4 vùng chuyên canh chính theo quy hoạch đến năm 2010, Nhơn Trạch dự kiến sẽ phải giảm một số lớn cây trồng khác. Trong đó, sẽ giảm nhanh diện tích trồng mì xuống còn 500 hécta (sẽ tiếp tục giảm vào những năm kế tiếp), đồng thời áp dụng thâm canh tăng năng suất lên 30 tấn/hécta. Cây mía cũng sẽ được giảm diện tích xuống còn 1.000 hécta và sau đó sẽ còn lại không đáng kể vì diện tích này đã chuyển qua đất phi nông nghiệp hoặc chuyển sang mô hình trồng cây rau, hoa, cây cảnh có hiệu quả kinh tế cao hơn. Trong khi đó, các loại cây rau, hoa và cây kiểng sẽ được khuyến khích phát triển để trở thành các loại cây trồng chủ lực; dự kiến đến năm 2010 sẽ tăng lên 1.400 hécta và đến năm 2020 đạt khoảng 3.000 hécta. Các loại cây ăn trái đặc sản như xoài, sầu riêng, bưởi sẽ được phát triển theo mô hình nhà vườn hoặc vườn - ao nuôi trồng thủy sản để phục vụ du lịch với diện tích đến năm 2010 sẽ có khoảng 800 hécta và tăng lên 1.000 hécta vào năm 2020. Riêng cây dứa sẽ ổn định diện tích khoảng 300 hécta và sẽ tăng lên vào những năm sau.
Kim Loan