Báo Đồng Nai điện tử
En

Hướng tới quy trình sản xuất GAP

09:02, 28/02/2008

Để đạt được mục tiêu trên, Trung tâm Khuyến nông Đồng Nai tiếp tục thực hiện tốt hơn nữa công tác thông tin tuyên truyền kết hợp với xây dựng mô hình giúp nông dân nắm bắt được những kiến thức mới, áp dụng trực tiếp vào sản xuất, tăng cường tập huấn, hội thảo, tổ chức tham quan chú trọng đến những mô hình thực hành sản xuất nông nghiệp an toàn vệ sinh thực phẩm, các mô hình sản xuất tiên tiến, các tập thể, cá nhân làm ăn có hiệu quả...

Để đạt được mục tiêu trên, Trung tâm Khuyến nông Đồng Nai tiếp tục thực hiện tốt hơn nữa công tác thông tin tuyên truyền kết hợp với xây dựng mô hình giúp nông dân nắm bắt được những kiến thức mới, áp dụng trực tiếp vào sản xuất, tăng cường tập huấn, hội thảo, tổ chức tham quan chú trọng đến những mô hình thực hành sản xuất nông nghiệp an toàn vệ sinh thực phẩm, các mô hình sản xuất tiên tiến, các tập thể, cá nhân làm ăn có hiệu quả... Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh cũng đã và đang phối hợp với các ban ngành và chính quyền địa phương trong và ngoài tỉnh thực hiện tốt công tác tuyên truyền và có những biện pháp cụ thể như chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật cho người dân, tạo sự liên kết và hợp tác tích cực của 4 nhà, không ngừng hoàn thiện kinh tế hợp tác xã.
 
Trồng trọt và chăn nuôi theo mô hình GAP.

Đến nay, ngoài những mô hình đã xây dựng, các chương trình hỗ trợ cây giống lâm nghiệp cho nông dân, chương trình khí học (Biogas), chương trình bảo vệ rừng và phát triển nông thôn ở Đồng Nai có những tác động tích cực đối với sản xuất nông nghiệp cũng như giải pháp vấn đề môi trường trong sản xuất và đời sống xã hội nông thôn, đã có khá nhiều chương trình khuyến nông mang lại hiệu quả to lớn cho người dân. Chẳng hạn, chương trình trồng ngô đông xuân trên chân đất lúa một vụ trên địa bàn tỉnh đã trở thành một trong những chương trình nông nghiệp hiệu quả nhất. Mỗi vụ ngô nông dân thu lãi được từ 15 đến 20 triệu đồng/hécta, gấp từ 3 đến 4 lần giá trị so với trồng lúa. Chương trình sản xuất lúa giống mới ở HTX nông nghiệp Bình An, huyện Long Thành; chương trình phòng chống dịch hại tổng hợp trên cây lúa cũng đã gắn liền với các câu lạc bộ IPM trên địa bàn toàn tỉnh. Bên cạnh đó, sự thành công của các mô hình nâng cao chất lượng vườn cây ăn trái, tưới nước tiết kiệm, bón phân qua đường ống trên nhiều loại cây công nghiệp, cây ăn trái ở các câu lạc bộ (CLB) năng suất cao, CLB khuyến nông... từng bước khẳng định vai trò quan trọng của công tác khuyến nông. Cũng nhờ các chương trình khuyến nông mà trên địa bàn Đồng Nai ngày càng xuất hiện nhiều khu vực trồng rau an toàn được hỗ trợ tích cực về việc quản lý sản xuất, chất lượng sản phẩm thông qua việc hỗ trợ xây dựng thương hiệu cho rau an toàn phường Trảng Dài (TP.Biên Hòa).

Nhờ có các hướng đi đúng đắn của chương trình mà nhiều mô hình mới mang lại sự thành công, như mô hình nuôi cá - lúa hay nuôi tôm càng xanh tại HTX dịch vụ nông nghiệp Trà Cổ ở huyện miền núi Tân Phú.

Chỉ riêng trong 5 năm trở lại đây, Trung tâm Khuyến nông Đồng Nai đã tổ chức 4.356 mô hình khuyến nông và 1.916 lớp tập huấn cho gần 110.000 lượt người tham dự trên các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, lâm nghiệp... cho nông dân. Các mô hình khuyến nông ngoài việc khảo nghiệm, trình diễn những giống và quy trình sản xuất mới, còn hỗ trợ kỹ thuật và một phần kinh phí xây dựng mô hình cho người nông dân, từ đó giúp giảm bớt những khó khăn và rủi ro trong việc ứng dụng kỹ thuật mới. Cùng thời gian này, Chi cục Bảo vệ thực vật Đồng Nai cũng tích cực chuyển giao khoa học kỹ thuật trong lĩnh vực bảo vệ năng suất và chất lượng cây trồng đến doanh nghiệp, xã viên HTX, hội viên của các CLB nói chung và chủ trang trại, hộ nông dân, người lao động nói riêng. Chỉ tính 5 năm trở lại đây, Chi cục Bảo vệ thực vật Đồng Nai đã tổ chức được 703 lớp đào tạo ngắn hạn cho 32.957 lượt người là thành viên của các HTX, CLB, chủ trang trại và người lao động cho các trang trại. Qua đó đã nâng cao kiến thức, kinh nghiệm về sản xuất cây trồng cũng như am hiểu hơn về kiểm soát sâu bệnh hại, từ đó mạnh dạn vận dụng vào mô hình sản xuất của mình nhằm đạt hiệu quả cao hơn.

TM

*GAP (Good Agriculture Practices): Thực hành nông nghiệp tốt.

 

 

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích